Sau tái cơ cấu: Ngân hàng lớn sẽ hút nhà đầu tư ngoại
Giảm lượng, tăng chất
Đề án tái cơ cấu các TCTD theo Quyết định 254/QĐ-TTg (Đề án 254) của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2011 – 2015 đang bước vào giai đoạn nước rút. Sự quyết liệt từ phía NHNN phần nào được thể hiện qua chỉ đạo hàng loạt thương vụ mua bán, sáp nhập. Đơn cử chỉ trong những tháng đầu năm 2015 đã có 3 thương vụ được triển khai: PGBank chính thức về với VietinBank; MHB sáp nhập vào BIDV và OceanBank đã được NHNN mua với giá 0 đồng.
Luật sư tư vấn cho nhà đầu tư nước ngoài |
Sau hơn 3 năm triển khai Đề án 254, về số lượng, chúng ta đã giảm được 14 TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Về chất, trật tự thị trường được thiết lập, thanh khoản hệ thống các TCTD ngày càng được cải thiện. Dưới sự chỉ đạo, quản lý sát sao của NHNN, các TCTD không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, khả năng quản trị điều hành, đặc biệt là quản lý rủi ro… Xét cả về định tính và định lượng, hệ thống các TCTD đã có những thay đổi căn bản.
Theo TS. Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá: Xét trong ba trụ cột tái cơ cấu trong nền kinh tế: tái cơ cấu DNNN, tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu các TCTD thì tái cơ cấu các TCTD là lĩnh vực thực hiện đúng lộ trình và đã đạt những thành tựu được xã hội ghi nhận hơn cả.
Các chuyên gia cũng đánh giá, chính sự quản lý sát sao, quyết liệt trong điều hành của NHNN đã tạo lực đẩy cho toàn hệ thống vận hành theo đúng đường hướng Đề án 254 đề ra.
Có thể thấy, ngay sau khi Đề án được phê duyệt, Thống đốc NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Đề án và tổ chức triển khai các giải pháp như: Đánh giá, xác định thực trạng hoạt động, chất lượng tài sản và nợ xấu của các TCTD để phân loại, xác định các TCTD yếu kém cần ưu tiên xử lý trước. NHNN đã chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát các TCTD xây dựng và triển khai phương án cơ cấu lại tại từng TCTD. Cùng với đó là tăng cường công tác quản lý nhà nước về thanh tra, giám sát thị trường tiền tệ và hoạt động của hệ thống TCTD hỗ trợ cơ cấu lại các TCTD.
Thông qua nhiều giải pháp đồng bộ vừa linh hoạt vừa quyết liệt, NHNN cũng đã từng bước xử lý tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo tại các TCTD và ngăn chặn rủi ro phát sinh. Đến cuối năm 2014, chỉ còn 3 cặp NHTMCP có sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau (giảm 3 cặp so với năm 2012). NHNN cho biết, sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng vốn điều lệ của hệ thống.
Cùng với việc gỡ sở hữu chéo, NHNN đã chỉ đạo các TCTD tăng quy mô và năng lực tài chính, đổi mới hệ thống quản trị ngân hàng, từng bước thoái vốn đầu tư vào những ngành, lĩnh vực phi tài chính hoặc lĩnh vực đầu tư nhiều rủi ro. Ở chiều ngược lại, NHNN cũng đã đề nghị các TCTD có vốn đầu tư từ các bộ, ngành khác phải nhanh chóng đi đến thỏa thuận thoái vốn.
NHNN vừa ban hành Thông tư 06/2015/TT-NHNN quy định thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định tại Điều 55 Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD). Theo đó các TCTD này phải phối hợp với cổ đông, nhóm cổ đông có liên quan sở hữu cổ phần vượt giới hạn lập Kế hoạch khắc phục việc sở hữu cổ phần vượt giới hạn. Thống đốc yêu cầu việc này phải hoàn thành chậm nhất ngày 31/12/2015 (trừ các trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới hạn đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép hoặc được xử lý theo Phương án cơ cấu lại đã được NHNN phê duyệt).
Sau tái cơ cấu, ngân hàng Việt hấp dẫn nhà đầu tư hơn
Đây là nhận định chung của các chuyên gia ngân hàng. Vì sao? Vì những TCTD yếu kém đã được kiểm soát và xử lý một bước theo các phương án cơ cấu lại được duyệt đều có tình hình hoạt động ổn định và cải thiện hơn so với thời điểm bắt đầu thực hiện cơ cấu lại.
Từ đó, nguy cơ đổ vỡ hệ thống đã được đẩy lùi; tài sản của Nhà nước và quyền lợi của người gửi tiền được bảo đảm góp phần giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội. Các vi phạm về tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn, vi phạm về cấp tín dụng đang được khắc phục, xử lý quyết liệt. Hệ thống quản trị và tổ chức bộ máy, mạng lưới đã được củng cố, chấn chỉnh một bước quan trọng. Các hoạt động mua, bán, sáp nhập, hợp nhất diễn ra mạnh mẽ, an toàn không chỉ giữa TCTD yếu kém với TCTD bình thường, mà còn diễn ra giữa các TCTD bình thường với nhau hoặc giữa TCTD trong nước với TCTD nước ngoài trên nguyên tắc tự nguyện và đúng pháp luật.
Sau tái cơ cấu, hệ thống kiểm soát, quản trị, điều hành của ngân hàng từng bước được đổi mới |
TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng, thành công lớn nữa trong thực hiện tái cơ cấu hệ thống các TCTD là NHNN đã có nhiều giải pháp linh hoạt, quyết liệt nhưng đều thực hiện theo Luật. Ông Kiên cho rằng, chúng ta đã có Luật Các TCTD và Luật NHNN, nên một khi NHNN quyết tâm để thực hiện thì các TCTD, nhất là các TCTD yếu kém đã biết “sợ” Luật và phải sống theo Luật. Đặc biệt, qua việc NHNN mua lại VNCB và OceanBank với giá 0 đồng đã chứng tỏ cho nhà đầu tư và người dân hiểu rằng, NHNN luôn quyết liệt trong việc xử lý các ngân hàng yếu kém. Vì vậy, các TCTD không thể viện dẫn lý do nào để chậm trễ trong việc tái cơ cấu.
Ông Mai Xuân Hùng – Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang cho rằng, sau tái cơ cấu, hệ thống kiểm soát, quản trị, điều hành của ngân hàng từng bước được đổi mới. Các ngân hàng cũng đã cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, định hướng chiến lược kinh doanh, bước đầu nâng cao được năng lực cạnh tranh. Năng lực tài chính của các TCTD không ngừng tăng kể cả vốn điều lệ và tổng tài sản.
Đến cuối tháng 12/2014, vốn điều lệ của hệ thống các TCTD là 435,6 nghìn tỷ đồng, tăng 3,29% so với tháng 12/2013; Tổng tài sản đạt 6.514,9 nghìn tỷ đồng, tăng 12,2% so với tháng 12/2013. Do đó, các TCTD đủ khả năng đối phó với các rủi ro trong hoạt động. “Đặc biệt, sau tái cơ cấu, hệ thống NH đã phát huy được lợi thế về mặt quy mô khi có một số NHTM sau hợp nhất, sáp nhập đã tương đương với các NH trong khu vực” – ông Mai Xuân Hùng lạc quan.
Còn theo TS. Nguyễn Đức Kiên, hệ thống các NHTM sẽ hình thành đội ngũ giao dịch viên chuyên môn hóa hơn khả năng thẩm định tốt hơn. Sau khi hình thành những ngân hàng lớn, sức hút bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tốt hơn để nâng cao năng lực quản trị, chất lượng của hệ thống. Khi đó các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đem theo phương thức quản trị mới vào giúp các NH Việt Nam phát triển bền vững hơn.