"Soi" dự trữ ngoại hối của các nước châu Á trong cơn biến động hiện nay
Đồng yên giảm có thể hỗ trợ BOJ trong cuộc chiến chống giảm phát | |
Quan chức Fed cho rằng tăng lãi suất sẽ "tương đối sớm" | |
Malaysia giữ nguyên lãi suất do lo ngại đồng nội tệ rớt giá |
Ảnh minh họa |
Một thước đo được phát triển bởi chính IMF cho thấy, Thái Lan và Philippines là có vị thế tốt nhất trong việc chịu dựng áp lực suy giảm hơn nữa của các đồng tiền mới nổi châu Á, dựa trên các tính toán được thực hiện trước khi ông Donald Trump giành chiến thắng và gây ra sự biến động trên thị trường ngoại hối.
IMF tháng trước dự báo, dự trữ ngoại hối của Thái Lan sẽ đạt 163,3 tỷ USD vào cuối năm nay, cao hơn nhiều mức dự trữ tối thiểu là 64,9 tỷ USD để đảm bảo khả năng chi trả nợ ngắn hạn, nhập khẩu và dòng vốn đầu tư. Trong khi dự trữ ngoại hối của Philippines được dự báo sẽ đạt 84 tỷ USD vào cuối năm cho dừ mức tối thiểu chỉ là 31 tỷ USD.
“Trong xu hướng đồng USD ngày một mạnh lên làm suy yếu đồng tiền của các thị trường mới nổi, đồng tiền của quốc gia nào có nhiều dự trữ có thể sẽ tốt hơn so với những nước khác”, Tsutomu Soma - Giám đốc bộ phận thu nhập cố định tại Tokyo của SBI Securities Co. cho biết trong một cuộc phỏng vấn điện thoại của Bloomberg. “Bạn sẽ không tấn công tiền tệ khi bạn biết các cơ quan quản lý tiền tệ có nhiều tiền để can thiệp. Thay vào đó, bạn hãy tìm một đồng tiền có ít khả năng bảo vệ”.
Cũng theo thước đo này, Malaysia - không phải tình cờ là quốc gia có đồng tiền suy giảm tồi tệ nhất trong số các đồng tiền mới nổi châu Á lớn so với đồng USD trong tháng này – khả năng chống đỗ là khá yếu khi so sánh lượng dự trữ ngoại hối được dự báo chỉ khoảng 100 tỷ USD vào cuối năm nay, trong khi nợ ngắn hạn nước ngoài lên tới 128,2 tỷ USD, dựa trên ước tính của IMF. Nhìn rộng ra ngoài châu Á, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và Mexico là một trong những quốc gia được coi là dễ bị tổn thương hơn dự trên các đánh giá tương tự.
“Cả Thái Lan và Philippines đều tăng dự trữ của mình trong vài năm qua và có bộ đệm đủ để can thiệp nhằm làm giảm mức độ biến động tiền tệ”, Khoon Goh – Trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á của Australia & New Zealand Banking Group Ltd tại Singapore cho biết. Trong khi dự trữ ngoại hối của Malaysia đã sụt giảm khá mạnh so với mức đỉnh hồi tháng 5/2013 và hệ số an toàn mỏng đã “hạn chế khả năng can thiệp của BNM” ông nói, sử dụng tên viết tắt của NHTW Malaysia (Bank Negara Malaysia).
Theo Goh, ANZ hiện đang xem xét lại các dự báo tiền tệ của mình trong bối cảnh bán tháo tại các thị trường mới nổi hiện nay.
Các quốc gia trên toàn châu Á đã sẵn sàng cũng như đang sử dụng kho dự trữ của mình để can thiệp nhằm ngăn chặn sự suy giảm của đồng nội tệ gây biến động thị trường tiền tệ trong nước, và điều đó có khả năng khiến dự báo của IMF về dự trữ ngoại hối của các nền kinh tế này không thể đạt được. Đơn cử như Philippines, mặc dù có bộ đẹm dự trữ ngoại hối khá lớn, song đồng nội tệ của nước này – đồng peso – đã giảm xuống mức 50,00 peso/USD lần đầu tiên trong 8 năm qua trong phiên hôm qua.
Tích lũy dự trữ ngoại tệ đã trở thành một trọng tâm chính sách sau khi các nền kinh tế châu Á trải qua cuộc khủng hoảng tài chính trong khu vực giai đoạn 1997-1998 khiến kho dự trữ ngoại hối vơi đi nhanh chóng.
Tuy nhiên, một bài học nữa của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong thập kỷ qua là thậm chí dự trữ ngoại hối mạnh cũng có thể không đủ khi các nhà đầu tư chỉ tìm kiếm các tài sản an toàn. Trong cuộc khủng hoảng đó, Cục dự trữ liên bang Mỹ cuối cùng đã phải ra tay chống đỡ hệ thống toàn cầu bằng cách cung cấp thanh khoản USD thông qua các hiệp định hoán đổi với các đối tác trên toàn cầu.
Trong đợt biến động này, nguồn cơn lại bắt đầu từ kỳ vọng lãi suất tại Mỹ sẽ tăng nhanh hơn nếu chính quyền của ông Trump thành công trong việc mở rọng kích thích tài chính đẩy lạm phát cao hơn. Điều đó đã kích thích các dòng vốn chảy khỏi các thị trường mới nổi. Tính từ sau khi ông Donald Trump đắc cử đến nay, các nhà đầu tư quốc tế đã bán hơn 12 tỷ USD của cổ phiếu và trái phiếu tại các thị trường mới nổi châu Á.
Trong khi hầu hết các thị trường mới nổi đều chịu áp lực bán tháo, những nền kinh ết có bộ đệm dự trữ ngoại hối mỏng là có khả năng tồi tệ hơn.
“Malaysia và Thổ Nhĩ Kỳ là một ví dụ điển hình của các quốc gia có mức dự trữ giảm xuống mức nguy hiểm so với số tiền nợ nước ngoài ngắn hạn của họ”, Takahide Irimura - một nhà kinh tế tại Mitsubishi UFJ Kokusai Asset Management Co., Công ty đang quản lý lượng tài sản khoảng 114 tỷ USD, cho biết trong một cuộc phỏng vấn điện thoại. “Khi xu hướng chung của thị trường là giảm, nhà đầu tư sẽ ưu tiên rút khỏi những nền kinh tế dễ bị tổn thương và có dự trữ yếu hơn”.