Đồng yên giảm có thể hỗ trợ BOJ trong cuộc chiến chống giảm phát
Thống đốc BOJ Kuroda cảnh báo rủi ro tác động đến mục tiêu lạm phát | |
Nhật Bản: Tăng trưởng cao hơn kỳ vọng nhờ xuất khẩu | |
Thấy gì qua việc Nhật Bản có thể chấm dứt thử nghiệm tiền tệ |
Đồng yên giảm giá có thể thúc đẩy lạm phát tại Nhật |
Theo số liệu vừa được Chính phủ Nhật công bố, chỉ số giá tiêu dùng lõi của nước này (trong đó bao gồm các sản phẩm dầu nhưng không bao gồm thực phẩm tươi sống) giảm 0,4% trong tháng 10 so với một năm trước đó, sau khi giảm 0,5% trong tháng 9.
Đây là tháng thứu 8 liên tiếp, giá tiêu dùng lõi tại Nhật giảm, ghi nhận quãng thời gian giảm dài nhất kể từ giai đoạn 2009-2011. Điều đó cho thấy những khó khăn của NHTW Nhật trong cuộc chiến chống giảm phát và tăng trưởng trì trệ.
Trong khi lạm phát lõi (không bao gồm giá lương thực và năng lượng) chỉ tăng 0,2% phần trăm vào tháng 10 so với năm ngoái sau khi không tăng trong tháng trước đó.
“Chúng tôi cho rằng, lạm phát tại Nhật vẫn tiếp tục giảm trong một vài tháng tới do tác động của việc sụt giảm mạnh giá nhập khẩu trong những tháng trước đó”, Marcel Thieliant - Nhà kinh tế Nhật bản tại Capital Economics cho biết.
Thực tế này tạo áp lực lớn đến các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản trong việc phải làm nhiều hơn nữa để kích thích nền kinh tế, đặc biệt là các giải pháp kích thích tài khóa khi mà sau 3 năm thực thi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, BOJ vẫn thất bại trong việc thúc đẩy lạm phát đạt mục tiêu 2%.
Tuy nhiên, trong bối cảnh áp lực giảm giá năng lượng trước đó đang nhạt dần và đồng yên suy yếu mạnh so với USD trong thời gian gần đây có thể đẩy chi phí nhập khẩu tăng lên, một số nhà phân tích kỳ vọng giá tiêu dùng tăng trở lại vào đầu năm tới.
"Chênh lệch sản lượng (sự khác biệt giữa GDP thực tế và GDP tiềm năng) đã thu hẹp và chúng tôi hy vọng nó (GDP thực tế) sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới, áp lực giá cả cũng sẽ tăng cường. Hơn nữa, đồng yên đã suy yếu mạnh so với USD trong thời gian gần đây. Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ đạt đáy trong quý đầu tiên của năm tiếp theo”, Marcel Thieliant cho biết.
Được biết, nền kinh tế Nhật tiếp tục được mở rộng quý thứ ba liên tiếp trong quý 3 do xuất khẩu phục hồi, nhưng hoạt động trong nước yếu khiên nhiều người không khỏi nghi ngờ về sự phục hồi bền vững.
BOJ trước đó cũng đã thừa nhận rằng sẽ phải mất thêm thời gian để lạm phát tăng tốc tiến tới mục tiêu 2%; đồng thời đã sửa đổi khung chính sách của mình vào tháng 9 cho phù hợp hơn với cuộc chiến lâu dài chống giảm phát. BOJ cũng giữ chính sách ổn định tại một cuộc họp tiếp theo vào tháng 10 mặc dù một lần nữa lui thời hạn đạt được mục tiêu lạm phát 2%.
“Có những dấu hiệu lạm phát đang tăng, vì vậy BOJ được dự báo sẽ tiếp tục duy trì chính sách hiện tại của mình trong thời gian tới”, Takeshi Minami - Nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Norinchukin nói.
Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách của Nhật Bản bắt đầu cảm nhận việc kích thích tài chính là bước đi thích hợp tiếp theo để thúc đẩy tăng trưởng do lo ngại những tác động khó lường của chính sách tiền tệ và thương mại của Mỹ dưới thời ông Trump.
Theo đó, mặc dù Thủ tướng Shinzo Abe có thể không sớm triển khai một gói kích thích tài chính quy mô lớn, song Chính phủ Nhật có thể sẽ xem xét mở rộng chi tiêu ngân sách cho năm tài chính hiện tại, một quan chức chính phủ cho biết.
Sự giảm giá gần đây của đồng yên Nhật cũng cung cấp một số hỗ trợ cho nền kinh tế phụ thuộc khá lớn vào xuất khẩu phụ của Nhật Bản.
Trong phiên giao dịch châu Á sáng nay, đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong 8 tháng so với đồng yên, mở rộng đà tăng kể từ sau khi ông Trump đắc cử làm dấy lên kỳ vọng chính sách của ông sẽ thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát tại Mỹ cao hơn.