Sớm thông qua Nghị quyết để giải quyết các “cục máu đông” cho nền kinh tế
Nghị quyết Xử lý nợ xấu: Giải tỏa ách tắc dòng chảy vốn | |
Hôm nay, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu | |
Nên sớm ban hành Nghị quyết xử lý nợ xấu |
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng giải trình, làm rõ thêm những vấn đề đại biểu quan tâm |
Theo đánh giá của các đại biểu, sau hơn 4 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD), dù con số giải quyết được đáng ghi nhận (gần 50%) nhưng các khoản nợ xấu để lại vẫn rất lớn. Đại biểu Đinh Duy Vượng (Gia Lai) nhấn mạnh, các khoản nợ cực xấu để lại vẫn được coi là “cục máu đông” của nền kinh tế, ảnh hưởng đến nguồn vốn ngân sách, chỉ tiêu tăng trưởng, sự phát triển của doanh nghiệp và cả nền kinh tế, đòi hỏi phải có giải pháp xử lý triệt để. Do đó, việc ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu là nhiệm vụ cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Góp ý cho dự thảo Nghị quyết này, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) cho rằng, dự thảo Nghị quyết mới chỉ xác định phạm vi xử lý các khoản nợ xấu đã phát sinh chứ chưa chỉ ra đối tượng gây ra nợ xấu. “Đây là vấn đề được cử tri quan tâm. Nên xử lý từ gốc bằng cách tìm ra các đối tượng gây ra nợ xấu để giải quyết. Nghị quyết cần tìm nguyên nhân và có giải pháp xử lý các đối tượng vì chủ quan gây ra nợ xấu để giải quyết tận gốc nợ xấu”, ông Diến nói.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) và nhiều đại biểu khác cho rằng, nợ xấu và nợ công là hai món nợ được cử tri cả nước và đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm. Nhiều đại biểu yêu cầu phải quy trách nhiệm đến cùng và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng này.
Đồng tình với các ý kiến này, tuy nhiên theo đại biểu Cầu, điều quan trọng hơn cả là tìm cách để xử lý, tìm cách khắc phục, không để cho nợ xấu ngày càng xấu đi mới là ưu tiên số một. Để tập trung giải quyết vấn đề này, Ban Chấp hành Trung ương đã có Nghị quyết 05/2016, Quốc hội cũng đã có Nghị quyết 24 năm 2016, và Nghị quyết 27 năm 2017 với quyết tâm là xử lý cho được vấn đề nợ xấu, đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền và đảm bảo an toàn hệ thống.
Nhưng với vai trò là đại biểu làm công tác thực tiễn, nhiều lần xử lý các vụ việc liên quan đến nợ, trong đó có nợ cá nhân, tổ chức với các TCTD, ông Cầu cho biết đặt mình vào hoàn cảnh người trong cuộc mới thấy dở khóc dở cười.
“Người đi vay nợ khi đến các chủ nợ (TCTD) tìm mọi cách, hứa đủ điều, kể cả thế chấp tài sản đảm bảo với mong muốn vay cho được. Họ trở về với tiền tươi thóc thật nhưng oái oăm thay đến hẹn trả nợ lại không chịu trả, không thực hiện cam kết và tìm cách chây ì để lách luật. Dù lý do gì đi nữa nhưng đây là thói hư tật xấu xã hội cần lên án”, ông Cầu nói và cho biết rất đồng tình khi Quốc hội khóa XIV quy định xử lý hình sự các trường hợp vay, mượn, thuê tài sản nhưng đến hạn trả mặc dù có điều kiện khả năng nhưng cố tình không trả hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt (tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản theo điều 175 của Bộ luật Hình sự 2015).
Trở lại câu chuyện đòi nợ, nhiều đại biểu nêu thực tế đến vô lý là chủ nợ (TCTD) thì chạy khắp nơi gặp con nợ để van xin trả nợ, đòi mãi không được thì tìm đến công an tố cáo đó là hành vi lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm. Công an sau một thời gian kiểm tra, xác minh lại hướng dẫn quay trở về tòa án để giải quyết vì đây là mối quan hệ dân sự. Chủ nợ lại sang tòa án xếp hàng dài để chờ mà không biết đến bao giờ mới lấy được nợ.
“Tôi đã chứng kiến có trưởng hợp nợ hàng chục tỷ đồng, nhưng để thoát tội mỗi tháng xin trả 2 triệu, như vậy tôi ước tính phải mất 50 năm chưa trả hết gốc mà chưa tính đến lãi. Đó là thực trạng của việc đòi nợ của TCTD và những người dân lương thiện biết tôn trọng và cậy nhờ pháp luật”, một đại biểu nói.
Còn với tình trạng tín dụng đen, nhất là dân xã hội, một số ý kiến dẫn chứng cho biết họ không để yên, họ tìm mọi cách để lấy bằng hết cả gốc lẫn lãi không thiếu 1 xu. Vậy tại sao dân xã hội lại đòi được nợ, câu trả lời là họ dùng “luật rừng” và thuê đòi nợ. Điều này khiến các băng nhóm tội phạm đòi nợ thuê diễn biến phức tạp, khiến xã hội bất ổn.
“Tiền nhân dạy có 2 cách đấu tranh, cách thứ nhất dùng pháp luật, cách thứ 2 dùng vũ lực. Cách thứ nhất hợp với người, cách thứ hai dành cho dã thú. Tuy nhiên trên thực tế, cách thứ nhất vẫn chưa đủ, không hiệu quả nên phải dùng cách thứ 2. Tôi mong pháp luật của nước ta phải nghiêm minh, hiệu quả để mọi người dân ai cũng dùng cách thứ nhất trong các mối quan hệ xã hội. Ngay từ đầu tiếp xúc với dự thảo Nghị quyết tôi thấy rất đúng, ủng hộ Quốc hội thông qua Nghị quyết này vì mục tiêu chung của nền kinh tế và lợi ích của đất nước ta”, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói.