Nghị quyết Xử lý nợ xấu: Giải tỏa ách tắc dòng chảy vốn
Hôm nay, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu | |
Nên sớm ban hành Nghị quyết xử lý nợ xấu | |
Kỳ vọng đẩy nhanh xử lý nợ xấu |
Ông Đoàn Văn Thắng |
Theo lịch làm việc của Quốc hội, ngày hôm nay 7/6/2017, Quốc hội sẽ bàn thảo một trong những nội dung được dư luận quan tâm: Dự thảo Nghị quyết về XLNX đã được trình Quốc hội ngay trong phiên khai mạc. Trước thềm phiên thảo luận, phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc trao đổi nhanh với Tổng giám đốc VAMC ông Đoàn Văn Thắng để hiểu rõ hơn tâm trạng của những "người trong cuộc" đối với dự thảo này.
Ông có thể cho biết quan điểm của VAMC đối với những quy định tại Dự thảo Nghị quyết XLNX?
Theo đánh giá của VAMC, Nghị quyết về XLNX tạo khung khổ pháp lý rất tốt, giúp hệ thống NH nói chung, VAMC và TCTD nói riêng giải quyết được rất nhiều vấn đề khó khăn liên quan đến nợ xấu. Thực tế, chúng ta cũng thấy, nợ xấu có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào, vấn đề chỉ là ít hay nhiều. Dự thảo Nghị quyết đã đề cập tới rất nhiều vấn đề được coi là then chốt nhất, gây khó cho các TCTD cũng như các tổ chức được phép XLNX gặp phải trong quá trình xử lý. Điểm tích cực đầu tiên, cũng là lớn nhất tại dự thảo này là vấn đề thu giữ tài sản đảm bảo (TSĐB). Như chúng ta biết, quyền thu giữ TSĐB đã được các TCTD thực hiện gần 20 năm qua theo quy định tại Nghị định 178/1999/NĐ-CP về bảo đảm tiền vay của TCTD và Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm vay.
Theo quy định tại nghị định trên, trong hợp đồng giao dịch của khách hàng hoặc là chủ tài sản ký kết theo thỏa thuận với TCTD, trường hợp không trả được nợ cho TCTD, khách hàng tự nguyện giao tài sản đã thế chấp cho TCTD. Còn nếu khách hàng không tự nguyện làm điều đó, cố tình chây ì thì TCTD có quyền thu giữ TSĐB. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề thu giữ TSĐB của TCTD cũng như VAMC đang bị điều chỉnh bởi điều 301 của Bộ Luật dân sự 2015 với quy định không cho phép TCTD thu giữ TSĐB. Điều này chắc chắn gây khó khăn rất nhiều cho các TCTD cũng như VAMC trong quá trình xử lý TSĐB. Bởi trước đây, ngay cả khi được cho phép thực hiện thu giữ thì việc xử lý cũng không dễ dàng gì.
Một vấn đề quan trọng có ý nghĩa đối với VAMC, trước đây, chúng tôi chỉ được mua bán nợ xấu với TCTD, các đơn vị đăng ký kinh doanh về ngành nghề mua bán nợ. Quy định trên bị giới hạn rất nhiều đối tượng mua bán nợ. Bởi ngoài TCTD, hiện chỉ có DATC và khoảng hơn 20 AMC của các TCTD có đủ điều kiện tham gia. Trong khi đó cả DATC cũng như AMC của các TCTD nguồn lực không lớn. Dự thảo Nghị quyết này đã mở rộng đối tượng cho phép các TCTD, tổ chức mua bán XLNX như VAMC được bán nợ cho các tổ chức, đơn vị có nhu cầu sẽ giúp cho việc mua bán nợ xấu thuận hơn. Nghị quyết cũng gỡ rối cho VAMC khi cho phép đơn vị được mua nợ xấu cả nội và ngoại bảng. Kinh nghiệm các nước trên thế giới cũng chỉ đặt vấn đề XLNX chứ không phân biệt nợ xấu đang hạch toán trong hay ngoài bảng.
Một quy định nữa, theo tôi có tác động rất tích cực trong việc đẩy nhanh XLNX và mua bán nợ theo giá thị trường, đó là cho phép TCTD và các đơn vị mua bán, xử lý nợ xấu được quyền mua bán nợ xấu theo giá trị thị trường, có thể bán nợ xấu thấp hơn với nghĩa vụ nợ. Trong trường hợp bán cao hơn giá mua thì sẽ chia sẻ lại với TCTD. Ngoài ra, có nhiều vấn đề mà Dự thảo Nghị quyết đề cập tới có tác động rất tốt với cả VAMC, TCTD như quy định về rút gọn trình tự thủ tục tố tụng, kê biên tài sản, các ngành, cấp hỗ trợ cho TCTD, cũng như tổ chức mua bán nợ xấu trong việc hỗ trợ thu giữ tài sản…
Điểm tích cực đầu tiên cũng là lớn nhất tại Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu là vấn đề thu giữ tài sản đảm bảo |
Có ý kiến cho rằng, Dự thảo nghị quyết có phần "ưu ái" cho TCTD trong XLNX. Ông nghĩ sao về điều này?
Tôi cũng biết, ở đâu đó có những ý kiến trái chiều cho rằng, Nghị quyết này để giải quyết những ưu đãi cho TCTD. Thực tế không phải vậy. Ý kiến đó có thể do chưa nhìn nhận tổng thể, thấu đáo vấn đề. Ở Việt Nam có đặc thù vốn cho nền kinh tế chủ yếu từ hệ thống các TCTD. Mà để đáp ứng được cầu vốn, TCTD phải huy động của dân. Như vậy, việc NH thực hiện XLNX thu hồi TSĐB là để bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền với tư cách là người đi vay để cho vay. Do đó, giải quyết nợ xấu không phải chỉ cho TCTD mà còn là cho cả nền kinh tế. Khi nợ xấu được xử lý, dòng chảy tín dụng NH vào nền kinh tế được khơi thông... Nếu không xử lý được, nó sẽ như hòn đá tảng chặn dòng nước lại. Vốn ứ đọng, thì làm sao DN, người dân có tiền để kinh doanh, tạo động lực phát triển kinh tế được.
Tôi cho rằng, đối với câu chuyện XLNX chúng ta nên nhìn rộng hơn và có cái nhìn công bằng hơn đối với TCTD. Kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, trong trường hợp nhà nước không có nguồn lực tài chính hỗ trợ cho TCTD cũng như các tổ chức XLNX thì cần phải có cơ chế đặc biệt giúp cho họ giải quyết nhanh hơn nợ xấu để khơi thông vốn cho nền kinh tế.
Phải chăng VAMC muốn có thêm cơ chế để giải quyết triệt để nợ xấu?
Đúng vậy. Tuy Nghị quyết cũng đã giải quyết rất nhiều khó khăn trong câu chuyện XLNX cho TCTD cũng như VAMC. Nhưng theo kinh nghiệm trên thế giới, để giải quyết nợ xấu hiệu quả cao vẫn cần có Bộ luật riêng cho tổ chức mua bán nợ xấu như Đạo luật Danaharta của Malaysia hay Kamco của Hàn Quốc. Như bạn biết, luật có tính thực thi cao hơn và mang tính dài hơi hơn. Thêm nữa, VAMC rất muốn tạo thêm nguồn lực tài chính để mạnh dạn hơn trong các kế hoạch hoạt động. Theo kế hoạch, đến cuối năm nay, VAMC phối hợp với TCTD thu hồi khoảng 23.500 tỷ đồng nợ xấu. Trong trường hợp Nghị quyết này được thông qua có thể con số nợ xấu thu hồi tốt hơn nhiều.
Xin cảm ơn ông!
Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Thống đốc NHNN thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD. Ngoài ra, NHNN đã trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về XLNX và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD. Nếu được thông qua sớm, Nghị quyết của Quốc hội sẽ tạo điều kiện xử lý triệt để các vướng mắc khó khăn về cơ sở pháp lý hiện hành liên quan đến XLNX và tài sản bảo đảm, các khoản nợ của các TCTD, tạo cơ chế xử lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi khi xử lý các khoản nợ xấu. Nhờ đó sẽ giải phóng khối lượng vốn lớn đang đọng lại trong các khoản nợ xấu cũng như giải phóng khối lượng tài sản thế chấp hiện nay chưa xử lý được, gây lãng phí nguồn lực xã hội, giúp các TCTD mở rộng tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời, giảm được chi phí hoạt động để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay... |