Hôm nay, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV |
Trong phiên làm việc ngày 22/5, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đã trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD và Tờ trình dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD.
Không sớm "xử" nợ xấu, không thể khơi thông nguồn vốn, khó giảm lãi suất
Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, sau gần 4 năm triển khai thực hiện Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC)” ban hành kèm theo Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013, đến nay, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 611,59 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
“Kết quả xử lý nợ xấu đã góp phần giúp các TCTD mở rộng tín dụng cho nền kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, ngành chiến lược theo định hướng tái cấu trúc nền kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Thống đốc nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Thống đốc NHNN, quá trình xử lý nợ xấu đến nay cho thấy còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ. Đặc biệt việc xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm, bán khoản nợ theo cơ chế thị trường, thu nợ khách hàng vay còn nhiều hạn chế, dẫn đến khó xử lý nợ xấu một cách triệt để; thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu...
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên là do cơ chế, chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện, chưa bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của các TCTD, quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ còn nhiều bất cập làm hạn chế hiệu quả của việc xử lý nợ xấu.
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, nếu các khó khăn, vướng mắc về xử lý nợ xấu không được tháo gỡ thì sẽ không thể khơi thông được nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, hạn chế quyền tiếp cận vốn của doanh nghiệp, khó giảm được lãi suất cho vay, qua đó ảnh hưởng đến mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng và tăng trưởng GDP của nền kinh tế.
"Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu theo hình thức ban hành Nghị quyết của Quốc hội là rất cần thiết, nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội về xử lý nợ xấu, bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của tổ chức tín dụng; khắc phục các vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm", Thống đốc NHNN nhấn mạnh.
Trong phiên thảo luận tại tổ chiều 26/5, hầu hết các đại biểu đều thống nhất với đề xuất cần sớm thông qua nghị quyết để tháo gỡ khó khăn trong xử lý nợ xấu, tạo cơ sở để giảm lãi suất, giúp nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.Hồ Chí Minh), nợ xấu đang là điểm nghẽn, cần tập trung xử lý để hỗ trợ phát triển kinh tế. Bởi lẽ ở Việt Nam hệ thống ngân hàng có vai trò quan trọng vì dư nợ ước 122% GDP, gấp 2-3 lần các nước ASEAN.
Ông Ngân cho rằng, để giải quyết nợ xấu cần có sự hợp lực của Chính phủ, Quốc hội và cơ chế pháp lý đủ mạnh nhằm xử lý vì nếu nợ xấu tiếp tục tồn tại sẽ đe dọa hệ thống ngân hàng, an ninh tài chính quốc gia. Và nếu cho ngân hàng phá sản thì sẽ ảnh hưởng đến người gửi tiền.
“Nếu xử lý tốt nợ xấu thì sẽ giải quyết nhiều mục tiêu như: Giảm chi phí hoạt động kinh doanh tiền tệ, lãi vay khoảng 1%”, vị đại biểu này cho biết.
Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương) cũng cho rằng, những khó khăn vướng mắc trong xử lý nợ xấu chủ yếu tập trung ở việc thiếu khung pháp lý; nó liên quan đến rất nhiều luật liên quan. "Chúng ta chưa tạo điều kiện để thị trường mua bán nợ xấu và xử lý tài sản là bất động sản, nhiều quy định của pháp luật về xử lý tài sản còn nhiều vướng mắc, bất cập không bảo đảm quyền xử lý tài sản của chủ nợ. Thời gian xử lý nợ và tài sản kéo dài, không hiệu quả. Theo quy định của pháp luật thông thường thường mất khoảng 400 ngày, tuy nhiên qua các vụ việc thì thường kéo dài khoảng 2 năm mới xong, dẫn đến mất thời gian và tốn kém", vị đại biểu này băn khoăn.
Từ những vướng mắc trên, theo ông việc ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu của Quốc hội là cần thiết và càng ban hành sớm thì càng tốt.
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý TCTD yếu kém là cần thiết và cấp bách
Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD trước Quốc hội ngày 22/5, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, sau 04 năm triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015” và sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD”, đến nay, về cơ bản các TCTD yếu kém được nhận diện và được cơ cấu lại, không để xảy ra đổ vỡ TCTD ngoài tầm kiểm soát, đảm bảo giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD, tài sản của Nhà nước, nhân dân được bảo đảm an toàn; hoạt động sáp nhập, hợp nhất diễn ra trên cơ sở tự nguyện, chủ yếu sử dụng các nguồn lực của xã hội và không sử dụng trực tiếp tiền của ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, qua thực hiện đề án cũng bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể: Hiệu quả kinh doanh chưa cao do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, áp lực xử lý nợ xấu, chi phí dự phòng rủi ro lớn dẫn đến tình hình tài chính của nhiều TCTD gặp khó khăn, nhiều TCTD có kết quả kinh doanh thua lỗ; tình trạng sở hữu, sở hữu chéo, nhóm cổ đông chi phối đã từng bước được kiểm soát nhưng trong thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; quy định về thẩm quyền của NHNN khi xử lý TCTD yếu kém còn chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ…
"Việc không kịp thời xây dựng cơ chế, khuôn khổ pháp lý xử lý TCTD yếu kém có thể dẫn tới những bất cập, thiếu hụt liên quan đến cơ sở pháp lý xử lý, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém không được giải quyết; mức độ an toàn hoạt động ngân hàng và nguy cơ rủi ro lan truyền; ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP", Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết và nhấn mạnh:
"Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý tổ chức tín dụng yếu kém dưới hình thức Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD là cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng và cần thực hiện ngay để kịp thời thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Quốc hội, Chính phủ cũng như đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn".
Theo tờ trình, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD gồm 5 Điều, trong đó sửa đổi 20 điều, bổ sung 26 điều và bãi bỏ 1 điểm của Luật Các TCTD.