Nên sớm ban hành Nghị quyết xử lý nợ xấu
Kỳ vọng đẩy nhanh xử lý nợ xấu | |
Quốc hội thảo luận về Nghị quyết xử lý nợ xấu và Luật các TCTD sửa đổi | |
Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu: Khoanh vùng điểm nóng của hệ thống NH |
Tăng trách nhiệm trong quan hệ vay - mượn
Một trong những vấn đề đang được bàn thảo nhiều nhất cả trên nghị trường cũng như cả “thương trường” đó là những quy định tại Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu (XLNX) của hệ thống các TCTD.
Đón nhận một cách hồ hởi Dự thảo Nghị quyết, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng chia sẻ, điểm tiến bộ lớn nhất tại Nghị quyết là các quy định liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo (TSĐB). Cái vướng mắc chính trong vấn đề xử lý TSĐB không phải vì không có quy định mà có quá nhiều quy định khác nhau dẫn đến mâu thuẫn. NH chạy theo xử lý rất mệt. Như quy định hiện hành tại Bộ luật Dân sự mới thì TCTD muốn thu giữ TSĐB, NH phải có sự đồng ý của khách hàng. Kinh nghiệm thực tế triển khai, điều này là bất khả thi. Với quy định mới tại Dự thảo Nghị quyết về quyền thu giữ TSĐB, rồi tòa án xử lý theo trình tự rút gọn… đã giúp các NH giảm thời gian xử lý, tăng tốc độ giải phóng hàng tồn tài sản thế chấp, đẩy nhanh tiến độ XLNX.
Những quy định mới tại Dự thảo Nghị quyết nếu được thông qua sẽ dần tạo “văn hóa” trách nhiệm đối với cả người cho vay lẫn người đi vay |
Những quy định mới tại dự thảo Nghị quyết theo đánh giá của một số NH sẽ dần tạo “văn hóa” trách nhiệm đối với cả người cho vay lẫn người đi vay. Một CEO NH bày tỏ: nhìn bề nổi thì khi thấy nợ xấu mọi người thường kêu NH, trong khi đó phân tích đúng ra, nếu khách hàng vay trả được nợ thì làm sao mà có nợ xấu. Chưa kể đến chuyện thu hồi tài sản thế chấp là các tài sản bất động sản, động sản… thì NH đi qua rất nhiều thủ tục phức tạp và người đi vay luôn cố tình chây ì. Có nhiều trường hợp, trong quá trình xử lý tranh chấp, người vay vẫn thu lợi nhuận, thậm chí khai thác tối đa tài sản đó. Còn NH thì đến khi thu được tài sản thì nó chẳng khác nào “đồ phế thải”.
Là một trong những NH xử lý TSĐB khá hiệu quả trong thời gian qua, nhưng theo chia sẻ của ông Tùng, với quy định hiện hành, có nhiều trường hợp NH hoàn toàn bó tay. Đơn cử, có một khách hàng, NH đeo đẳng kiện hơn 3 năm mới xử xong TSĐB. Tình huống dở khóc dở cười của cán bộ thu nợ là vì công ty vay có yếu tố nước ngoài, khi thu nợ, người nước ngoài bỏ trốn về nước. Có thể họ về mấy tháng lại sang. Đến thời điểm nhận “trát” của tòa thì người ta đang về nước. “Mặc dù, biết rõ là khách đó đang ở Việt Nam nhưng họ vẫn cứ báo tòa là đang về nước nên NH không thể làm gì ngoài việc ngồi chờ với nhiều thủ tục nhiêu khê” - ông Tùng bày tỏ và hy vọng Nghị quyết XLNX nhanh chóng được thông qua sẽ giúp cho hệ thống luật pháp hoàn chỉnh hơn trong việc xử lý những vi phạm trong hoạt động tín dụng, giảm thiểu phát sinh nợ xấu trong tương lai.
Khó cho NH, cũng sẽ khó cho cả nền kinh tế
Dự thảo Nghị quyết khoanh vùng thời gian XLNX là đối với các khoản nợ xấu đến thời điểm 31/12/2016. Hiện đang có hai luồng quan điểm nợ xấu nào chẳng là nợ xấu nên không thể quy định giới hạn. Nhưng có quan điểm cho rằng, phải tăng trách nhiệm của NH đối với hoạt động tín dụng không để xảy ra nợ xấu trong thời gian tới chứ không thể ỷ lại được.
Khoanh vùng như vậy là làm khó cho cơ chế XLNX và có thể sẽ giảm bớt tính hiệu lực của Nghị quyết là quan điểm của TS. Cấn Văn Lực khi nhìn nhận về vấn đề chốt thời hạn 31/12/2016. “Dự thảo Nghị quyết XLNX quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của các bộ ngành, nhất là khắc phục những bất cập pháp lý liên quan đến xử lý TSĐB và tạo cơ chế phát triển thị trường mua bán nợ. Những yếu tố trên góp phần XLNX nhanh và quyết liệt hơn chứ không phải tạo điều kiện để NH thi nhau bán nợ xấu. Còn trong kinh doanh NH, rủi ro là chuyện đương nhiên. Bản thân các NH trích lập DPRR, tự xử lý khối lượng nợ xấu lớn rồi”, TS. Lực đánh giá.
Cũng có suy nghĩ tương tự, lãnh đạo một NHTMCP cho rằng, các NH không dại gì bán tống bán tháo nợ xấu. Nếu bán theo giá thị trường mà tỷ lệ chiết khấu cao quá làm sao NH chịu được. Họ chỉ chấp nhận phần chiết khấu nào đó phù hợp với sức khỏe tài chính của mình. Vì tỷ lệ chiết khấu đó các NH phải gánh chịu rồi. Đối với thời gian XLNX, vị này cho rằng nợ xấu dù do người cho vay tư lợi hay không, khi phát sinh nợ xấu thì vẫn là nợ xấu.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cũng là người gắn bó với ngành NH trong giai đoạn “nóng” nhất trên cương vị Thống đốc ông Nguyễn Văn Bình cũng rất chia sẻ và chỉ ra nguyên nhân nợ xấu phát sinh trước hết, yếu tố khách quan do biến động của nền kinh tế, sức khỏe DN không tốt. Còn phần chủ quan, có thể cán bộ NH cố tình làm trái, móc ngoặc với DN. Về việc này, tại Dự thảo Nghị quyết cũng nêu rõ trách nhiệm chủ quan của các cơ quan hay cá nhân liên quan đến vi phạm trên vẫn phải xử lý nghiêm minh theo pháp luật. “Dự thảo Nghị quyết này không vì thế bao nhẹ cho ông này, ông kia làm ăn sai trái cả”, ông Bình khẳng định.
Dự thảo Nghị quyết lần này là hợp thức hóa giải quyết vướng mắc trong quá trình thu nợ chứ không phải tạo ra công cụ quá đặc biệt cho ngành NH, mà thực tế là ghi nhận quyền hợp pháp chính đáng của người cho vay. Nếu Nghị quyết chỉ khoanh vùng các khoản nợ đến 31/12/2016, theo nhìn nhận của một lãnh đạo NH, có thể sẽ lại quay về thời điểm xuất phát. NH lại tiếp tục gặp những vấn đề rắc rối hiển nhiên không thể xử lý. Ông Bình đề xuất, không nên quy định thời điểm mà nên quy định XLNX theo nghị quyết đến khi nào mặt bằng pháp luật đồng bộ thì chuyển sang làm theo luật.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng về lâu dài cần phải có Bộ Luật về XLNX. Trước mắt cần sớm ban hành Nghị quyết để giải quyết căn bản nợ xấu. Khi đó lượng vốn không nhỏ được "giải phóng" và tiếp tục đưa vào nền kinh tế sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế...
Nhìn bề nổi thì khi thấy nợ xấu mọi người thường kêu NH, trong khi đó phân tích đúng ra, nếu khách hàng vay trả được nợ thì làm sao mà có nợ xấu |