Tái canh cà phê, còn đó những nỗi lo
Kiểm tra xử lý cà phê chồn có bao bì giả, nhãn mác gây phản cảm | |
Cà phê Việt, bao giờ hết xuất thô? | |
Cà phê Thuận An bán hết 100% cổ phần đưa ra IPO |
Nâng cao sản lượng sau tái canh
Với sự vào cuộc của chính quyền, sự tài trợ vốn của ngân hàng, chiến lược thay mới cây cà phê tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên đang có những chuyển biến tích cực. Nhiều diện tích cà phê được cải tạo, tái canh, trồng xen… bước đầu mang lại hiệu quả.
Tại Đăk Lăk, các vườn cà phê tái canh ở huyện Cư M’gar bắt đầu bước sang năm thứ 3, thứ 4, cây sinh trưởng và phát triển tốt, cho thu hoạch ổn định với năng suất vượt trội, có vườn năng suất tăng gấp 2 - 3 lần so với trước đây…
Khảo sát thực tế cho thấy, từ năm 2014 đến nay, bà con nông dân huyện Cư M’gar đã tái canh khoảng 4.700ha cà phê già cỗi, kém năng suất. Người dân chủ động loại bỏ những giống cây trồng không rõ nguồn gốc, năng suất, chất lượng kém, thay bằng những loại giống có hiệu quả kinh tế cao như TR4, TR9, TRS1… Cùng với đó, chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, bón phân, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách để nâng cao năng suất, hiệu quả cây trồng.
Chính quyền địa phương cần hỗ trợ người dân trong khâu kiểm tra và xử lý đất trước khi trồng |
Theo UBND huyện Cư M’gar, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Đăk Lăk về thực hiện chiến lược tái canh cây cà phê, chính quyền địa phương đã quyết liệt chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát, thống kê các diện tích cần tái canh. Qua đó, hướng dẫn cho các hộ dân về thủ tục, quy trình đăng ký tái canh để được hỗ trợ giống, tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng… Trong 5 năm gần đây, chính quyền huyện Cư M’gar đã hỗ trợ 2,3 triệu cây giống cà phê các loại cho người dân, tạo điều kiện cho các hộ dân và DN vay khoảng 55 tỷ đồng...
Đại diện Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Cư M’gar cho hay, công tác tái canh cà phê trên địa bàn bắt đầu từ năm 2012 nhưng phát triển mạnh nhất từ năm 2014 đến năm 2016. Trong số diện tích cà phê tái canh, hiện có khoảng 1.700ha bước vào giai đoạn cho thu hoạch. Chất lượng giống đảm bảo, cộng với được đầu tư, chăm sóc kỹ nên nhiều vườn cây cho năng suất cao. Ví như, một số vườn tại xã Quảng Tiến, cà phê tái canh thu bói đạt 10 – 12 tấn cà phê tươi trên mỗi hecta; khi bước vào giai đoạn thu hoạch chính có thể tăng gấp đôi sản lượng, cao hơn nhiều so với trước đây.
Không phải cứ tái canh là thành công
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, không phải tái canh có nghĩa chặt cây già cỗi trồng lại cây mới là xong. Thực tế, nhiều nông hộ tái canh không thành công. Có trường hợp cây con chết, nhiễm bệnh… cùng với giá cà phê xuống rất thấp như thời gian qua đã tạo nên khó khăn kép cho bà con nông dân. Đến lúc cần một chiến lược sản xuất cà phê bền vững.
Thực tế tại huyện Krông Búk (Đăk Lăk), nhiều diện tích cà phê sau tái canh của nông dân tại địa phương này bị sâu bệnh hại tấn công gây vàng lá, thối rễ, chết cây. Đơn cử, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Toản, xã Cư Né (Krông Búk) có 1,7ha cà phê trồng từ những năm 90 của thế kỷ trước. Xác định vườn cà phê trong độ tuổi già cỗi, năng suất kém, gia đình ông Toản quyết định thực hiện theo chủ trương tái canh của chính quyền. Vì điều kiện kinh tế khó khăn, lại đúng lúc giá cà phê giảm thấp nên gia đình ông Toản chọn thực hiện tái canh theo hình thức cuốn chiếu, vừa tái canh, vừa sản xuất để đảm bảo thu nhập.
Năm 2016, ông Toản nhổ bỏ 5.000m2 diện tích cà phê già để tái canh cây mới. Sau thời gian để đất nghỉ theo quy trình, ông Toản chọn trồng các giống TR4, TR9 tái canh. Thời gian đầu cây phát triển bình thường, thế nhưng từ năm thứ 2 trở đi, nhiều cây có biểu hiện vàng lá, không tỏa tán, không phát triển. Khi nhổ cây con lên kiểm tra thì phát hiện bộ rễ bị sưng phù, thối nên đành phải đào gốc bỏ. Diện tích tái canh bị chết hơn 20%, nhưng số lượng cây nhiễm bệnh vẫn chưa dừng lại.
Ông Toản cho hay, khi thực hiện tái canh, ông không lấy mẫu đất đi kiểm tra mật độ tuyến trùng, sâu bệnh... Lúc vườn cây đổ bệnh chết dần, mới nhận ra là do chủ quan, không xử lý đất, sâu bệnh hại...
Theo ông Toản, ở địa phương cũng có nhiều nông hộ tái canh không thành công như vậy. Đa phần các nông hộ không biết phải mang mẫu đất đi kiểm tra khi thực hiện tái canh, thêm nữa lại tốn kém chi phí. Việc này, các ngành chức năng và chính quyền phải vào cuộc, để hỗ trợ người nông dân.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đăk Lăk, trước đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định thời gian cho đất nghỉ từ 3 - 5 năm trước khi thực hiện tái canh cà phê. Về sau, rút lại còn 1 năm nhưng với điều kiện đất tái canh ít bị nhiễm sâu bệnh. Để xác định được điều này cần phải lấy mẫu đất đem đi kiểm tra. Tại Đăk Lăk, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên là nơi có đủ điều kiện thực hiện. Tuy nhiên, đa số người dân nhổ cà phê đi trồng lại ngay và không thực hiện việc kiểm tra mật độ sâu bệnh hại trong đất như quy định. Bệnh phổ biến khi tái canh cà phê là nhiễm tuyến trùng rễ và các loại nấm trong đất.
Ngành nông nghiệp địa phương khuyến cáo, với những vườn cây bị bệnh nặng, người dân nên nhổ đi trồng lại, không nên lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật... Đồng thời, để phòng chống sâu bệnh hại trong quá trình tái canh cà phê, cần tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật...