Cà phê Việt, bao giờ hết xuất thô?
Nỗi buồn cà phê Việt ở thị trường lớn | |
Chuyện vay vốn, bám làng ở xứ sở cà phê | |
Cà phê trên tầng cao |
Nông dân lỗ nặng
Trong những năm gần đây, giá cà phê trên thị trường thế giới và trong nước liên tục suy giảm, và cho đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2019, giá cà phê trên thị trường thế giới đã chạm đáy, thấp nhất trong vòng 1 thập kỷ qua. Điều này khiến lượng và giá trị xuất khẩu của cà phê Việt Nam cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, vào thời điểm đầu tháng 5/2019, giá cà phê tụt xuống chỉ còn khoảng 29.000 đồng/kg.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 5/2019 đạt khoảng 141.000 tấn, với giá trị đạt 229 triệu USD; lũy kế 5 tháng đầu năm 2019, lượng cà phê xuất khẩu đạt khoảng 773.000 tấn, trị giá 1,32 tỷ USD, giảm 12,4% về khối lượng và giảm 22,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Người trồng cà phê luôn đối mặt với thách thức về giá và sản lượng |
Trước tình hình này, người nông dân trồng cà phê ở khu vực Tây Nguyên đang đối mặt với nhiều thách thức và thua lỗ. Đặc biệt năm nay, người trồng cà phê còn đối mặt với hạn hán, thiếu nước tưới, chi phí chăm sóc tăng cao…(riêng chi phí cho việc tưới nước ước tính tăng hơn mùa vụ 2018 khoảng 20%). Nguyên nhân được cho là trong khoảng thời gian tưới những đợt đầu vụ để đảm bảo cho cây cà phê ra hoa kết trái, thì giá xăng dầu có 3 kỳ tăng liên tiếp. Cùng đó, sang tháng 4/2019, giá điện cũng tăng cao, trong khi giá cà phê nhân không ngừng sụt giảm.
Anh Nguyễn Văn Hùng, huyện Krông Năng (Đăk Lăk) cho hay, gia đình trồng 2ha cà phê. Năm vừa qua thu được gần 8 tấn cà phê nhân. Chi phí tổng thể cho phân bón, nước tưới và thu hoạch là hơn trăm triệu đồng, chưa kể lao động của gia đình. Với giá cà phê như hiện nay, dao động ở mốc dưới 30 triệu đồng mỗi tấn, thì việc trang trải cuộc sống cũng là rất khó khăn.
Giám đốc một công ty trồng cà phê trên địa bàn Đăk Lăk chia sẻ, năm ngoái cà phê Việt Nam mất mùa, năm nay lại mất giá khiến cả nông dân lẫn DN đều gặp khó khăn. DN có hơn 1.000ha cà phê kinh doanh, vườn cà phê tươi tốt và cho năng suất ổn định. Trong năm 2018, do mất mùa, sản lượng sụt giảm tới 30 - 40%. Điều này khiến cho không riêng DN gặp khó, mà cả nông hộ nhận khoán chăm sóc cà phê của DN cũng chật vật. Trong năm 2019, DN lại tiếp tục gặp khó khăn vì mất giá, khả năng nông dân và DN lỗ nặng...
Cần đầu tư nhà máy, công nghệ chế biến cà phê
Theo báo cáo của Bộ Công thương, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất vào thị trường Hàn Quốc. Nhưng giá cà phê của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này chỉ đạt 1,8USD/kg, thấp hơn một nửa so với giá nhập khẩu cà phê bình quân của quốc gia này.
Trong 4 tháng đầu năm 2019, Hàn Quốc nhập 53.232 tấn cà phê, trị giá 208 triệu USD, tăng 1,7% về lượng và tăng 1,5% về trị giá so với 4 tháng đầu năm 2018. Giá nhập khẩu bình quân cà phê của Hàn Quốc 4 tháng đầu năm 2019 ở mức 3,9USD/kg, giảm 0,2% so với 4 tháng đầu năm 2018.
Trong đó, Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất vào Hàn Quốc, với sản lượng gần 11.000 tấn, nhưng giá xuất khẩu thì đạt mức thấp nhất trong danh sách, chỉ được 1,8USD/kg. Trong khi đó, Brazil đứng thứ 2 về sản lượng, với gần 10.600 tấn nhưng xuất khẩu được vào Hàn Quốc với giá 2,6USD/kg; còn Colombia đứng thứ 3, với trên 9.000 tấn, giá bình quân đạt 3,2USD/kg.
Theo phân tích của các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến cà phê Việt Nam tuy khối lượng xuất khẩu nhiều, nhưng giá trị lại thấp so với một số nước trên thị trường quốc tế là do khoảng 80% sản lượng cà phê được sơ chế khô tại các hộ gia đình với sân phơi tạm bợ. Lại nữa, do máy móc, thiết bị sơ chế của người dân còn lạc hậu, cộng với cà phê không đáp ứng đủ tiêu chuẩn về độ chín, lại lẫn nhiều tạp chất.
Cũng chính vì xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô, nên cà phê Việt không có thương hiệu. Phần lớn cà phê xuất khẩu của Việt Nam lại trở thành nguyên liệu của nhiều nước dùng để chế biến sâu và tái xuất lại tiêu thụ ở Việt Nam dưới dạng cà phê bột, hòa tan, pha sẵn... Đây là sự thua thiệt lớn về giá trị xuất khẩu của cà phê Việt Nam.
Trước tình trạng này, theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam, cần chọn các giống cà phê thay thế diện tích cà phê già cỗi có năng suất và chất lượng thấp. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư nhà máy, công nghệ chế biến cà phê hòa tan xuất khẩu; đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, nâng mức tiêu thụ trong nước... Có như thế mới có thể nâng tầm cà phê Việt, đảm bảo hoạt động sản xuất ổn định của nông hộ và DN nông nghiệp.