Tái canh cà phê: Nhìn từ bức tranh Lâm Đồng
Gian nan tái canh cây cà phê | |
Đăk Lăk đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách cho vay tái canh cà phê | |
Vì sao vốn tái canh cà phê chững lại |
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, chưa bao giờ Chính phủ và NHNN lại có một gói tín dụng lớn tới 12.000-15.000 tỷ đồng dành cho chương trình tái canh cà phê cả nước như giai đoạn 2014-2020 hiện nay. Trong đó, chỉ riêng khu vực Tây Nguyên đã chiếm tới 90% diện tích cà phê cả nước. |
Việc triển khai cho vay tái canh cà phê đến nay mới chỉ được thực hiện hiệu quả tại tỉnh Lâm Đồng (chiếm 80% trong tổng 738,2 tỷ đồng dư nợ cho vay toàn vùng). Tại các tỉnh khác tốc độ giải ngân chậm đang là điều trăn trở với lãnh đạo ngành NH, dù các cán bộ trong hệ thống Agribank đã dốc lực, tận tâm với chương trình. Đâu là điểm nghẽn tín dụng tái canh cà phê. Câu hỏi này đã thôi thúc chúng tôi trở lại Tây Nguyên…
Từ bước đi sáng tạo
Khởi động từ Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần 2 ngày 12/4/2013 bằng văn bản ghi nhớ “V/v thỏa thuận về việc tài trợ vốn đầu tư tái canh cho diện tích cà phê già cỗi tại tỉnh Lâm Đồng” được ký kết giữa Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank với Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.
Ngay sau đó, tháng 5/2013, UBND tỉnh Lâm Đồng đã nhanh chóng Phê duyệt Kế hoạch tái canh, cải tạo giống cà phê trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2015. Quan trọng hơn trong suốt thời gian qua, Chương trình tín dụng tái canh cải tạo giống cà phê tại Lâm Đồng thường xuyên có được sự quan tâm, lãnh chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, NHNN và Agribank.
Đặc biệt là sự vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt của các sở ban ngành, đoàn thể từ tỉnh xuống đến tận thôn bản, từ công tác thông tin tuyên truyền để người dân hưởng ứng thực hiện cho đến công tác hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Một áp lực khác khiến cho việc tái canh cà phê theo quy hoạch còn gặp khó khăn là do thiếu các DN có tiềm lực tài chính mạnh |
Sự vào cuộc của các nhà nghiên cứu, công ty cung ứng giống cũng tạo nên sự khác biệt của Lâm Đồng so với quy trình tái canh chung. Thay vì phải chờ 2 năm luân canh, người dân có thể tiến hành trồng ngay trên diện tích bị nhiễm bệnh dưới 15%. Với cây cần cải tạo, Lâm Đồng áp dụng phương pháp tái canh cà phê kiểu đa thân.
Theo đó, thay vì cắt ghép lại toàn bộ cây cà phê cùng một lúc, mỗi năm người trồng chỉ ghép cải tại một trong 3 thân của cây. Phương thức này giúp người dân vừa duy trì được nguồn thu từ những thân chưa lai ghép, cùng nguồn thu mới từ thân ghép sau một năm. Chủ tịch xã Phi Tô, huyện Lâm Hà, Cà Đức Hom cho biết, thời gian đầu triển khai chương trình tái canh, tỉnh hỗ trợ người dân mua chồi ghép.
Sau này, xã và các hội đoàn thể khuyến khích những người đi trước tạo điều kiện chia sẻ giống cho những người tái canh, cải tạo sau. Với những vườn phải luân canh cải tạo đất, nhiều giống cây trồng giá trị cao được đưa vào áp dụng như rau, hoa công nghệ cao, cây dược liệu. Cách triển khai này giúp người dân vừa có nguồn thu vừa đảm bảo đời sống và hỗ trợ cải tạo những năm tiếp theo.
Giám đốc Agribank Chi nhánh Lâm Đồng Nguyễn Xuân Hoà cho biết, để đẩy nhanh chương trình tái canh cà phê của tỉnh, Chi nhánh đã phối hợp với các sở, ngành, nhất là Sở No&PTNT tỉnh Lâm Đồng và chính quyền địa phương tiến hành khảo sát, đánh giá nhu cầu tái canh cải tạo cây cà phê của từng hộ dân, từ đó xây dựng “bản đồ” chi tiết tái canh cà phê đến đơn vị hành chính thôn, bản.
Cùng với đó, chi nhánh luôn sát sao kiểm soát, nắm bắt thông tin, kịp thời để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người vay. Agribank Lâm Đồng cũng đã tập trung bố trí những cán bộ tín dụng có trình độ, năng lực ở những địa bàn trọng điểm. Thời gian thẩm định, giải quyết cho vay tái canh cà phê cũng được rút ngắn hơn so với quy định hiện hành của Agribank.
Đồng thời, áp dụng linh hoạt các biện pháp bảo đảm tiền vay nhằm tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích hộ dân trồng cà phê tích cực tham gia chương trình tái canh cà phê theo văn bản số 3227/NHNN-TD ngày 11/05/2015 của Thống đốc NHNN Việt Nam về việc hướng dẫn cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Trưởng thôn Quảng Bằng, xã Phi Tô, huyện Lâm Hà, Nhan Văn Tiến cho biết, 95% diện tích cà phê trong thôn đã được tái canh, chủ yếu bằng phương pháp ghép chồi với sự hỗ trợ vốn từ Agribank. Như gia đình ông, ngay sau khi có chính sách hỗ trợ tín dụng tái canh của NHNN tái cấp vốn cho vay qua Agribank đã mạnh dạn vay 300 triệu đồng để ghép chồi, cải tạo cuốn chiếu vườn cà phê của mình. Vụ cà phê cuối năm 2016 vừa qua, cũng là vụ thu hoạch đầu tiên sau 3 năm cải tạo triệt để vườn. 18 tấn cà phê thu về trên diện tích 3 ha quả là một con số đáng nói.
Dù chưa bán, song ông tính nhẩm được khoảng 600-700 triệu đồng. Chưa kể trong 3 năm qua, thu nhập từ vườn cà phê không chỉ giúp ông duy trì cuộc sống, chăm sóc vườn cà phê mà còn trả nợ được NH 200 triệu đồng. “Còn nợ 120 triệu thôi à”, ông nói giọng nhẹ tênh.
Nhìn rộng ra toàn tỉnh đến cuối năm 2016, chi nhánh đã giải ngân tổng số tiền hơn 855 tỷ đồng cho 5.357 khách hàng để đã đầu tư tái canh, cải tạo giống cà phê với tổng diện tích là 8.640 ha. Cộng hưởng dòng vốn tín dụng tái canh cà phê đã góp phần đưa diện tích đã tái canh, trồng mới hơn 34 nghìn ha; năng suất bình quân 2,85 tấn/ha trong tổng diện tích 150 nghìn ha cà phê toàn tỉnh. Nhiều mô hình tái canh cho năng suất vượt trội, gấp hai đến ba lần góp phần đưa sản lượng cà phê Lâm Đồng lên 407 nghìn tấn, chiếm gần 30% sản lượng càphê cả nước.
Đến những điểm nghẽn cần tháo gỡ
Dù là một điểm sáng song cũng như các tỉnh khác trong vùng tại Lâm Đồng, mục tiêu hỗ trợ tín dụng tái canh khoảng 40 nghìn ha cũng vẫn còn nhiều điểm nghẽn không xuất phát từ phía NH.
Giám đốc Agribank Lâm Đồng Nguyễn Xuân Hoà cho biết năng lực tài chính, tài sản bảo đảm của khoản vay cũng đang trở thành rào cản người dân tiếp cận tín dụng tái canh cà phê. Đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa không có khả năng tài chính, không đủ vốn tự có, tài sản thế chấp hoặc không đáp ứng được điều kiện vay vốn tín dụng tái canh.
Một số khách hàng có nhu cầu vay vốn tái canh cà phê tại Agribank nhưng đang có dư nợ và đã thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giá trị vườn cà phê tại NH khác, chưa có khả năng trả hết nợ cũ. Vì vậy, Agribank chưa có cơ sở xem xét cho vay.
Khảo sát tại địa bàn tỉnh Đăk Lăk cho thấy hiện nay còn tồn tại nhiều công ty cà phê chuyển đổi từ mô hình nông, lâm trường quốc doanh. Đất sản xuất đã được giao khoán cho các hộ dân tuy nhiên công ty vẫn giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này gây khó khăn cho các hộ dân khi có nhu cầu vay vốn để tái canh cà phê do không có tài sản thế chấp vay vốn.
Một áp lực khác khiến cho việc tái canh cà phê theo quy hoạch còn gặp khó khăn ngay cả ở Lâm Đồng nói riêng và Tây Nguyên nói chung đó chính là còn thiếu các DN có tiềm lực tài chính mạnh hoạt động chế biến tinh cà phê theo công nghệ hiện đại nhằm nâng cao giá trị và đa dạng hóa sản phẩm. Vì vậy, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân với các DN chế biến, tiêu thụ sản phẩm dẫn đến việc giá cả cà phê thiếu ổn định, bị tư thương ép giá, ép chất lượng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất của nông dân.
Nhất là trong bối cảnh việc trồng cà phê hiện nay không mang lại lợi ích kinh tế cao bằng một số loại cây trồng khác cùng thời tiết hạn hán khắc nghiệt tại Tây Nguyên đang ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng cây cà phê, người dân có xu hướng chặt bỏ cà phê để trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn hoặc trồng xen lẫn hồ tiêu, bơ trong diện tích cà phê già cỗi hơn là thực hiện tái canh cà phê.
Và nếu cứ để người dân tự phát chuyển đổi cây trồng theo thị trường, cà phê có thể không còn là cây công nghiệp quan trọng số 1 của vùng. Đề án tái canh cây cà phê cũng như tâm huyết của Chính phủ và NHNN trong chương trình tín dụng tái canh cà phê khó được như kỳ vọng.
Hé mở một tương lai
Ngày 31/5/2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có những điều chỉnh quy trình tái canh cà phê với quy định linh hoạt thời gian luân canh cải tạo đất từ 0 – 2 năm phụ thuộc từng đối tượng vườn cà phê căn cứ theo độ tuổi, năng suất và mức độ bị sâu bệnh. Đây là tín hiệu tốt cho việc tái canh cà phê dù hơi chậm trễ.
Hơn thế, ở nhiều địa phương, người dân đã bắt đầu nhân rộng mô hình xen canh cây cà phê với các cây trồng vừa có giá trị cao vừa ứng phó với biến đổi khí hậu Ví như ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng hiệu quả kinh tế từ trồng xen canh cà phê với sầu riêng, bơ sáp, bơ bus, bơ 034 và cây mắc ca cho thu nhập tăng thêm từ 800-100 triệu đồng/ha.
Như vậy, nếu chính quyền địa phương có những hỗ trợ người dân về giống, kỹ thuật, trồng xen canh và các cơ quan ban ngành vào cuộc để có những đánh giá, tính toán khoa học về hiệu quả, thị trường của các loại cây xen canh, cũng như có những hỗ trợ người dân gia tăng thu nhập trong thời gian tái canh, đây sẽ là tín hiệu đáng mừng giúp ngành cà phê vượt lên những sóng gió phát triển bền vững. Cùng với việc tháo gỡ những khó khăn cho người dân trong tiếp cận tín dụng, dòng vốn hỗ trợ tái canh mới có thêm lực chảy khi mỗi người dân cảm nhận rõ lợi nhuận từ cà phê dù không cao như một số cây khác nhưng ổn định trong dài hạn.