Gian nan tái canh cây cà phê
Agribank Lâm Đồng: Chung sức tái canh cây cà phê | |
Sẵn sàng vốn cho tái canh cây cà phê | |
Đẩy mạnh tín dụng tái canh cây cà phê |
Năng suất suy giảm
Cây cà phê – một trong những loại nông sản có giá trị của Việt Nam có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tại khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ. Đặc biệt, loại nông sản này hàng năm mang về cho Việt Nam khoản kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ đô la Mỹ, hỗ trợ tốt cho việc cân bằng cán cân thương mại, bổ sung vào nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia.
Theo Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam (Vicofa), kết thúc niên vụ 2014-2015 vừa qua, tổng sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 1,2 triệu tấn với kim ngạch 2,6 tỷ USD, giảm 20% về lượng và 13% giá trị so với niên vụ trước. Những niên vụ trước đó, cà phê cũng đứng vào top 10 nông sản có giá trị xuất khẩu đạt kỷ lục (trên 1 tỷ USD).
Ví như, niên vụ 2013-2014 xuất khẩu của Việt Nam hơn 1,5 triệu tấn, kim ngạch 3 tỷ USD. Đây là niên vụ thứ tư liên tiếp cà phê Việt Nam đạt đỉnh cao về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu trong hơn 30 năm qua.
Với sự vào cuộc quyết liệt, hy vọng tiến độ tái canh cây cà phê tại Tây Nguyên sẽ được đẩy nhanh hơn trong thời gian tới |
Song theo đánh giá của các chuyên gia, sản lượng tăng chính từ việc người dân liên tục mở rộng diện tích trồng cà phê, chứ không phải do tăng năng suất trên một đơn vị diện tích sản xuất. Đây là yếu tố thiếu bền vững trong tương lai, vì sẽ thiếu quỹ đất sản xuất.
Thực tế cho thấy, qua các năm, sản lượng cà phê của Việt Nam dần suy giảm bởi nhiều yếu tố. Trong đó, theo chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Ngọc Báu, một trong những nguyên nhân khiến sản lượng cà phê Việt Nam giảm nhanh là do vườn cây cà phê của các nông hộ và DN trên địa bàn Tây Nguyên đa phần đã bị lão hóa. Các vườn cây tại đây đều được trồng từ những năm 80 của thế kỷ trước, đã hết thời hạn kinh doanh, khai thác.
Trong khi đó, hầu hết các vườn cà phê đều sử dụng các loại giống chưa đạt chuẩn, gây nên chết cây, cho năng suất thấp… Các chuyên gia khẳng định, để cải thiện sản lượng và năng suất đối với các vườn cây cà phê đã trồng lâu năm tại Tây Nguyên thì không còn cách nào khác ngoài việc chặt bỏ, đầu tư tái canh để mang lại hiệu quả cao hơn, tiến tới phát triển cây cà phê bền vững. Đây là nỗi lo không riêng của ngành nông nghiệp mà của nhiều cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương.
Sự vào cuộc của ngân hàng
Trước những thách thức về sản lượng cà phê liên tục suy giảm trong những năm gần đây, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực xuất khẩu và kim ngạch xuất khẩu của nông sản Việt Nam trong tương lai gần, NHNN đã có sáng kiến và đề xuất Chính phủ đẩy mạnh chương trình đầu tư cho vay để tạo điều kiện cho nông hộ và doanh nghiệp tại Tây Nguyên.
Từ sáng kiến đó, những năm gần đây, các ngành, chính quyền địa phương và người trồng cà phê trên địa bàn Tây Nguyên đều nhận thức rất rõ về sự cần thiết phải tái canh cây cà phê để đảm bảo sản lượng thu hoạch và xuất khẩu của loại nông sản này trong tương lai.
Chính vì lẽ đó, các cơ quan chức năng đã có sự vào cuộc tích cực nhằm đẩy nhanh tiến độ cải tạo, kiến thiết để tái canh vườn cà phê. Trong đó, có nỗ lực rất lớn của ngành Ngân hàng trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện để giúp nông hộ và các DN nông nghiệp tiếp cận nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ tái canh cây cà phê.
Tuy nhiên, qua hai năm triển khai chương trình cho vay tái canh cây cà phê tại Tây Nguyên, dư nợ cho vay đối với chương trình này tại các chi nhánh Agribank (đơn vị được NHNN giao làm đầu mối trong chương trình cho vay tái canh cây cà phê) không tăng trưởng được.
Theo ông Tăng Hải Châu, Phó giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Đăk Lăk, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020 toàn địa phương thực hiện tái canh trên 30.000ha diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp (15% tổng diện tích cà phê hiện có của Đăk Lăk). Nhưng sau 3 năm triển khai cho vay tái canh cây cà phê, đến nay, Đăk Lăk mới chỉ có 31 khách hàng vay vốn, với dư nợ 47 tỷ đồng, đầu tư cho diện tích tái canh 627ha.
Thực sự công tác này đang gặp phải nhiều khó khăn, dư nợ tăng chậm. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó có việc công tác tuyên truyền chính sách cho vay tái canh cà phê đến hộ sản xuất, DN chưa thực sự được quan tâm.
Cùng đó, sự vào cuộc của ngân hàng và chính quyền địa phương là rất quyết liệt, nhưng quy trình tái canh cây cà phê khá dài, phải để đất nghỉ ít nhất 2 năm sau khi nhổ bỏ cây cà phê già cỗi. Chính điều này đã tác động không nhỏ đến tiến độ và kế hoạch tái canh cây cà phê như địa phương đã đề ra.
Là đơn vị được giao “cầm trịch” trong việc cung ứng vốn phục vụ “trẻ hóa” cây cà phê tại Đăk Lăk, ông Trần Đình Chánh, Giám đốc Agribank Đăk Lăk cho biết, vốn cho việc này đã sẵn sàng đáp ứng cho tất cả các khách hàng có nhu cầu, và đủ điều kiện đều được vay vốn tái canh cà phê.
Để hiện thực hóa điều khẳng định trên, ông Chánh cho biết, đã chỉ đạo các chi nhánh trực thuộc bám sát hộ dân, DN có nhu cầu tái canh để tiếp cận hướng dẫn thủ tục, quy trình vay vốn, và sẽ giao chỉ tiêu cho vay tái canh đến từng đơn vị. Song việc dư nợ cho vay vẫn tăng trưởng ì ạch…
Trước thực trạng trên, nhằm đẩy mạnh cho vay tái canh cà phê, NHNN chi nhánh Đăk Lăk có công văn gửi các đơn vị Agribank trên địa bàn yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách cho vay tái canh cà phê; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hộ sản xuất, DN nắm bắt thông tin, tiếp cận nguồn vốn tái canh cà phê.
Cùng với đó, UBND tỉnh Đăk Lăk cũng có sự hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ tái canh cây cà phê.
Theo ông Nguyễn Hải Ninh, Phó chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo chính quyền địa phương đã yêu cầu các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân và đội ngũ cán bộ, các cấp chính quyền địa phương và phải coi đây là trách nhiệm, nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị trên địa bàn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng trong việc trồng, chế biến, kinh doanh cà phê - cây nông nghiệp chủ lực của địa phương.
Các huyện, thị xã phải thành lập ban chỉ đạo tái canh cà phê, có sự tham gia của Chủ tịch UBND cấp xã… UBND tỉnh cũng đã thống nhất đề nghị của NHNN chi nhánh Đăk Lăk và Agribank Đăk Lăk về việc cho phép giải ngân một lần với các khoản vay dưới 100 triệu đồng. Đồng thời, UBND tỉnh đồng ý hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/ha cà phê tái canh đối với nông hộ có nhu cầu vay vốn theo chương trình này.