Chuyển biến trong tái canh cà phê
Từ ý tưởng của NHNN Việt Nam, sau đó được Chính phủ đưa thành chủ trương, việc tái canh cây cà phê tại Tây Nguyên và các tỉnh miền Đông Nam bộ đã tiến hành được hơn 4 năm, và hiện vẫn còn nhiều vướng mắc. Nguyên nhân của những tồn tại đó là do nhiều nông hộ vẫn không mặn mà với chương trình này. Chính vì thế, dư nợ cho vay tái canh cây cà phê tại các địa phương không tăng như dự kiến trong các năm 2015 đến 2017.
Nhiều hộ nông dân đã nhìn thấy được lợi ích của chương trình tái canh cây cà phê |
Tuy nhiên gần đây, với sự quyết liệt của các địa phương, công tác tái canh cây cà phê tại Tây Nguyên đã có chuyển biến tích cực. Điều này có được là do người nông dân đã thấu hiểu hơn và thực sự tin tưởng vào chính sách này.
Đơn cử, huyện Chư Pah là một trong những địa phương trồng cà phê lâu năm nhất của tỉnh Gia Lai. Do khai thác quá lâu, các vườn cà phê nơi đây đã sụt giảm năng suất trầm trọng so với các địa phương khác. Đứng trước nguy cơ này, chính quyền địa phương quyết liệt vận động các nông hộ triển khai tái canh theo nhiều hình thức khác nhau như cuốn chiếu, hoặc tái canh đại trà… tùy theo điều kiện cụ thể.
Năm 2018, huyện Chư Pah có 759 nông hộ đăng ký và đủ điều kiện tái canh cà phê, với diện tích hơn 290ha. Điều đáng mừng, trong số đó có đến 286 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là điều rất đáng ghi nhận bởi từ khi thực hiện chương trình, rất ít hộ đồng bào thiểu số đăng ký thực hiện vì khi tái canh sẽ mất đi một khoản thu nhập từ vườn cây ít nhất phải từ 3-5 năm.
Bên cạnh đó, nhiều nông hộ đủ điều kiện đã tự tiến hành tái canh toàn bộ hoặc một phần diện tích cà phê của gia đình. Để đảm bảo chất lượng nguồn giống phục vụ người dân tái canh cà phê, huyện Chư Pah đã ươm trên 33.000 cây giống các loại như TRS1, TR4. Dự kiến, số giống này sẽ cấp cho người dân trước mùa mưa để các nông hộ trồng cho kịp thời vụ, đồng thời chủ động được nguồn giống tại chỗ phục vụ người dân.
Theo kế hoạch của huyện Chư Pah trong giai đoạn 2015-2020, địa phương tái canh 1.950ha cà phê. Trong 2 năm qua, các hộ dân và doanh nghiệp trên địa bàn đã tái canh được khoảng 700ha. Hiện diện tích cà phê này sinh trưởng, phát triển tốt.
Một trong những yếu tố khiến các nông hộ đẩy mạnh hoạt động tái canh trong thời gian gần đây là cây giống của địa phương luôn đảm bảo chất lượng. Sau khi trồng, tỷ lệ sống cao, phát triển tốt nên bà con rất yên tâm.
Theo lão nông Nguyễn Văn Hòa, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Pah, gia đình có 4ha cà phê trồng từ năm 1995, đến nay cây già cỗi, cho năng suất thấp. Mấy năm nay, sản lượng cà phê thu được chỉ khoảng trên dưới 10 tấn nhân, sản lượng khá thấp so với nhiều năm trước.
Ông Hòa cho hay, để cải thiện năng suất không còn cách nào khác là phải sớm tái canh diện tích cà phê hiện hữu. Do đó, năm 2018, ông Hòa quyết định phá bỏ 2ha cà phê già cỗi để tái canh, trồng mới. Công tác chuẩn bị đã được tiến hành từ cuối năm trước, bây giờ chỉ đợi trồng trước mùa mưa. Trước mắt, ông tái canh một nửa, đến khi có thu hoạch thì sẽ tiến hành tiếp ở diện tích còn lại.
Theo lãnh đạo UBND huyện Chư Pah, việc đưa các loại giống mới có năng suất, chất lượng vào tái canh giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất cà phê. Chính vì thế, qua 2 năm triển khai, chương trình tái canh cà phê của địa phương được các nông hộ trên địa bàn đồng thuận. Các hộ dân đăng ký diện tích tái canh được vay vốn theo quy định hiện hành của Nhà nước và được huyện tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật.
Thời điểm hiện tại, bà con nông dân đang đào bỏ những cây cà phê già cỗi, năng suất kém và cải tạo đất, chuẩn bị hố trồng để đến cuối tháng 5 và đầu tháng 6, khi mùa mưa bắt đầu sẽ triển khai tái canh cà phê.
Ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Pah cho hay, năm 2018, diện tích cà phê tái canh được hỗ trợ của địa phương khoảng 290ha. Còn ở thị trấn Ia Ly và thị trấn Phú Hòa, theo báo cáo của địa phương, các hộ dân tự tái canh trên 50ha cà phê. Về công tác chuẩn bị giống, UBND huyện chỉ đạo Trạm Khuyến nông tổ chức gieo ươm hơn 33.000 cây giống các loại như TRS1, TR4 và dự kiến đầu tháng 6/2018 sẽ hỗ trợ số giống này cho người dân để tái canh.