Tài chính tiêu dùng đang hút vốn ngoại
Tài chính tiêu dùng hút vốn ngoại | |
Tiềm năng cho vay tiêu dùng tại Việt Nam là rất lớn | |
Khối ngoại kích tài chính tiêu dùng |
NHNN vừa có quyết định chấp thuận việc chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của Techcombank tại Công ty tài chính TNHH một thành viên Kỹ Thương (Techcom Finance) cho Công ty Lotte Card Co.,Ltd (Hàn Quốc). Thương vụ trên có thể sẽ giúp Techcombank ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường lên tới hơn 1.100 tỷ đồng. Đây là một trong những chuyển động đáng chú ý trên thị trường tài chính tiêu dùng ngay trong những ngày đầu năm 2018.
Trước đó, một định chế tài chính khác cũng đến từ Hàn Quốc là Shinhan Card cũng đã quyết định mua toàn bộ vốn công ty tài chính Việt Nam nhưng với giá gấp 5,52 lần mệnh giá. Thương vụ này cũng vừa được công bố ngày 23/1. Theo đó, Shinhan sẽ chi 151 triệu USD, tương đương 3.420 tỷ đồng để mua lại Công ty tài chính Prudential Việt Nam.
Thị trường càng nhiều đối tượng tham gia, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi |
Không chỉ Lotte Card mà nhiều nhà đầu tư tài chính đến từ các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản… đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội ở thị trường tài chính Việt Nam. Sức hấp dẫn của lĩnh vực này đối với nhà đầu tư ngoại cũng không quá khó hiểu. Bởi thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam luôn được đánh giá là rất tiềm năng.
“Tốc độ thu nhập người dân ngày càng tăng nhanh, tầng lớp trung lưu cũng phát triển, rồi thói quen, cách sống tiêu dùng của lớp trẻ thoáng hơn. Xét ở góc độ này đúng là thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Từ chỗ tiềm năng đó các công ty tài chính, NH phải cạnh tranh khai thác giành thị phần khách hàng. Và sự quan tâm của NĐT nước ngoài cũng là dễ hiểu”, một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia phân tích yếu tố tạo sức hút vốn ngoại vào tài chính tiêu dùng Việt Nam.
Lợi nhuận cao là khía cạnh mà TS. Cấn Văn Lực đề cập tới khi phân tích tiềm năng phát triển thị trường tài chính tiêu dùng. Có những công ty tài chính mang lại nguồn lãi nghìn tỷ cho NH mẹ, trong đó nổi bật có FE Credit mang lại nguồn thu lớn cho công ty mẹ là VPBank. HD Saison cũng là một trong những công ty tài chính đang hoạt động rất hiệu quả.
“Lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng luôn cao hơn nhiều so với NH. Công ty nào có lợi thế trong nguồn vốn huy động giá rẻ từ NH mẹ thì chắc chắn lãi công ty đó tốt hơn. Chẳng hạn như Home Credit có chỉ số NIM cao nhất lên tới 36%... Đó cũng là những động lực thúc đẩy một loạt định chế tài chính trong và ngoài nước nhòm ngó mảnh đất mới này”, một chuyên gia NH bình luận thêm.
Tất nhiên, ngược chiều với lợi nhuận cao là rủi ro lớn. Đây là điểm lo ngại nhất đối với hoạt động của các công ty tài chính. Và đó cũng là lời giải thích của Chủ tịch HĐQT Techcombank ông Hồ Hùng Anh đối với cổ đông trong quyết định bán công ty Techcom Finance.
“NH có nhiều mô hình phát triển kinh doanh. Techcombank không chọn mô hình rủi ro cao, lợi nhuận cao mà tìm các ngách khác có rủi ro thấp hơn. Vì vậy Techcombank đã quyết định bán công ty tài chính”, ông Hồ Hùng Anh chia sẻ.
Tuy nhiên, TS. Lực lại cho rằng, tùy vào khẩu vị rủi ro của mỗi NH. Có những NH họ sẵn sàng chấp nhận nợ xấu ở mức 5-7% miễn công ty mang lại lợi nhuận tốt. Lo ngại là không thừa nhưng cho đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính đang ở quanh mức 5% ở mức tương đối an toàn trong bối cảnh năng lực quản trị rủi ro của các NH ngày càng tốt hơn, gần tiệm cận chuẩn mực quốc tế. Tỷ lệ nợ xấu của FE Credit vào cuối năm 2017 chỉ ở mức 4,6%, còn HD Saison nhỉnh hơn chút với 5,2%. Đặc biệt, Home Credit có lợi thế đặc thù công ty mẹ ở nước ngoài, khả năng quản trị rủi ro tốt hơn, nguồn vốn mạnh với giá rẻ nên hiệu quả kinh doanh cao, tỷ lệ nợ xấu thấp chỉ khoảng 3,7% - 4%.
Với tiềm lực đến từ các công ty tài chính có sự tham gia của các NĐT ngoại và cụ thể ở đây là Lotte Card, theo nhận định TS. Cấn Văn Lực công ty này sẽ nhanh chóng mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam. Với dịch vụ tốt, lãi suất thấp, quản trị rủi ro tốt, các định chế tài chính đến từ Hàn Quốc như Shinhan, Woori, Lotte Card… sẽ còn đe dọa thị phần bán lẻ của không ít NH trong nước.
Một đối tượng nữa có thể khiến cuộc đua giành miếng bánh thị phần này trở nên hấp dẫn hơn được TS. Cấn Văn Lực bổ sung thêm đó là các định chế tài chính phi NH, các tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân. Theo TS. Lực các tổ chức này đang được tái cơ cấu, mô hình hoạt động hoàn thiện hơn cũng sẽ tạo áp lực cạnh tranh đối với các công ty tài chính và cả NH.
Thị trường càng nhiều đối tượng tham gia, cạnh tranh cao hơn và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên chúng ta cũng cần lưu ý, bên cạnh tạo điều kiện để thị trường này phát triển thì ngoài sự tự giác chủ động của các định chế tài chính trong kiểm soát rủi ro, NHNN cần giám sát chặt chẽ hơn đối với hoạt động thị trường này thông qua phối hợp các hình thức giám sát tuân thủ lẫn giám sát từ xa để hạn chế tối đa được những rủi ro có thể phát sinh.