Tái cơ cấu giai đoạn II: Xử lý triệt để những vấn đề dang dở
Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu | |
Tham khảo kinh nghiệm và đề xuất của JICA trong tái cơ cấu và xử lý nợ xấu NH | |
Gánh nặng tiếp tục đặt lên vai Ngân hàng |
Đã có nền tảng tốt cho giai đoạn tái cơ cấu mới
Một trong những giải pháp nâng cao năng lực của hệ thống NH trong việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế thông qua lành mạnh hóa hệ thống các TCTD được nhấn mạnh trong Kế hoạch hành động của NHNN, đó là xây dựng Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020.
Kế hoạch hành động nêu rõ, thông qua Đề án trên sẽ cơ cấu lại căn bản, triệt để và toàn diện hệ thống các TCTD để đến năm 2020, phát triển được hệ thống các TCTD đa năng theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình có khả năng cạnh tranh lớn hơn…
Việc xây dựng Đề án tái cơ cấu các TCTD giai đoạn tiếp theo là cần thiết |
Theo nhận định chung của các chuyên gia, việc xây dựng Đề án tái cơ cấu giai đoạn tiếp theo là cần thiết. Bởi bên cạnh những kết quả tích cực đạt được trong Đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 – 2015 thì vẫn còn những việc còn dang dở cần phải được giải quyết. Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, TS. Trần Du Lịch cho rằng, tái cơ cấu TCTD giai đoạn 2011 – 2015, những việc NHNN đã làm được mới đi nửa chặng đường.
Đồng quan điểm, theo TS. Võ Trí Thành, giai đoạn đầu tái cấu trúc, NHNN làm được nhiều việc như góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, xử lý những NH yếu kém, hạn chế lây lan đổ vỡ, dần lành mạnh hóa hệ thống NH, tăng cường năng lực cho NHTM… Nhưng câu chuyện tái cơ cấu đó vẫn còn dang dở. Đó là nợ xấu chưa xử lý triệt để; Năng lực tài chính hệ thống NH vẫn chưa thực sự ổn định…
Nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu hơn, mở cửa thị trường tài chính mạnh hơn, thì những cú sốc bên ngoài tác động lớn hơn đối với các NH Việt Nam, nếu họ không cải thiện năng lực tài chính.
Theo TS. Thành có ba vấn đề cần tập trung giải quyết trong giai đoạn tới đây. Thứ nhất, gắn toàn bộ quá trình tái cấu trúc với các vấn đề xử lý nợ xấu, các NH yếu kém còn lại. Thứ hai, đưa ra những thông lệ tốt nhất về quản trị NH, quản trị rủi ro kết hợp với tăng cường năng lực cạnh tranh cho các NH. Thứ ba, xây dựng hệ thống giám sát tài chính nhằm giảm thiểu những cú sốc cũng như rủi ro từ các dòng vốn ra - vào ngày càng lớn trong thời gian tới.
Làm sạch sở hữu chéo, xây dựng một số NH mạnh là những vấn đề TS. Trần Du Lịch cho rằng cần được đưa vào giải pháp trọng tâm tại Đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD giai đoạn 2016 – 2020. Theo vị này, vấn đề xử lý sở hữu chéo, tuy đã có những tiến bộ bước đầu nhưng vì nó gắn liền với các nhóm lợi ích, nên đây là một cuộc đấu tranh gian nan kéo dài nhiều năm. Mặc dù khó nhưng vẫn phải quyết liệt triển khai.
Xử lý triệt để vấn đề còn tồn tại
Một trong những vấn đề tồn tại được các chuyên gia đặc biệt quan tâm cũng như theo Kế hoạch hành động đưa ra là tái cơ cấu gắn liền với xử lý nợ xấu. Theo phân tích của TS.Trần Du Lịch, xử lý nợ xấu gắn liền với xử lý tài sản. Trong khi đây là vấn đề vướng mắc nhất của các NH trong triển khai xử lý nợ xấu.
Có một thực tế, trong giai đoạn trước đây, những tài sản trên sổ sách của NH không còn giống giá trị thực tế. Giờ nếu NH muốn xử lý số tài sản này chắc chắn giá rất thấp. Vậy thất thoát trên xử lý thế nào, NH bán tài sản có bị quy trách nhiệm hay không… là những băn khoăn của TS. Lịch cũng như bản thân các NH trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo.
Ngay cả như VAMC - dù có nhiều “quyền năng” nhưng hiện cũng không dám bán giá thấp do sợ thất thoát. Vì công ty này chưa có cơ chế rõ ràng hay quyền tự quyết bán tài sản đảm bảo nên vẫn phải chờ sự hợp tác của các con nợ. Để xử lý nợ xấu không sử dụng tiền ngân sách mà không có cơ chế đặc thù cho VAMC thì không thể giải quyết dứt điểm vấn đề này.
“Chúng ta phải chấp nhận mất mát về những gì xảy ra trong giai đoạn trước đây. Còn thời gian tới, muốn xử lý được dứt điểm nợ xấu thì không được quy kết trách nhiệm đối với những người xử lý tài sản bị giảm so với giá trị thực. Có như vậy, VAMC hay NH mới mạnh dạn xử lý. Nhất là hạn chế tình trạng lãi ảo trên bảng cân đối kế toán. Tôi được biết có nhiều con nợ lãi còn cao hơn cả vốn”, TS. Lịch nhấn mạnh.
Để giải quyết khúc mắc này, Phó Tổng giám đốc HDBank Lê Thành Trung đề xuất cần tăng quyền cho chủ nợ. Giải pháp này được một số chuyên gia đồng tình và cho rằng điều này đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới, chúng ta cũng nên xem xét thực hiện tại Việt Nam. “Các nước khi nợ đến hạn, người vay không trả được nợ, NH thu hồi tài sản rồi công khai đấu giá phát mại tài sản, bán được bao nhiêu thu bấy nhiêu chứ không cần phải đợi sự hợp tác đối với con nợ cũng như kiện tụng ra tòa”, một chuyên gia cho biết thêm.
Không phải đến bây giờ những bất cập này mới đề cập đến. Mà theo TS. Trần Du Lịch, hai năm qua kể từ khi những vướng mắc của VAMC được nêu ra, ông đã kiến nghị Chính phủ nên rà lại tất cả các quy định để đề nghị Quốc hội xử lý những bất hợp lý đó bằng pháp luật. Còn không cứ “lằng nhằng” thế này khó giải quyết được, mà càng kéo dài càng tổn thất lớn.
TS. Thành cũng bổ sung thêm bốn vấn đề cần được tháo gỡ cho VAMC để công ty này đẩy nhanh hơn quá trình xử lý nợ xấu và xử lý một cách triệt để. Đó là pháp lực, năng lực, nguồn lực, và quyền lực; trong đó quyền lực và pháp lực là quan trọng nhất.
Các vấn đề mà các chuyên gia nêu trên có quan hệ mật thiết với nhau. Ví như, không tiếp tục lành mạnh hóa theo các tiêu chuẩn tốt nhất thì làm sao có khả năng chống đỡ các cú sốc được. Cũng như không tăng cường năng lực quản trị, giám sát thì làm sao lành mạnh hóa hệ thống NH...
“Theo tôi, cái khó nhất là do tính tác động qua lại của các vấn đề. Đây cũng là những khó khăn khi xây dựng Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD khi muốn tập trung ưu tiên vào một khía cạnh hay vấn đề nào đó”, TS. Thành băn khoăn.