Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu
Tái cơ cấu ngân hàng: Không ngủ quên trên chiến thắng | |
Không trực tiếp sử dụng NSNN trong tái cơ cấu ngân hàng | |
Tái cơ cấu ngân hàng: Thành công nhân đôi |
Trong các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ thời gian qua đều nhấn mạnh tới việc ngành NH cần phải tiếp tục tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Chính phủ khẳng định, sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu; nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động của hệ thống NH, từng bước tiếp cận chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Có thể nhận thấy, sau giai đoạn cơ cấu lại các TCTD theo Quyết định 354/QĐ-TTg giai đoạn 2011 – 2015, hệ thống TCTD - huyết mạch của nền kinh tế đã đạt được những kết quả tích cực. NHNN đã kiểm soát được và xử lý kiên quyết các TCTD yếu kém theo phương án cơ cấu lại được phê duyệt. Quá trình cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật và bảo đảm công khai, minh bạch, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là trong việc triển khai xử lý các TCTD yếu kém.
Ảnh minh họa |
NHTM yếu kém không có khả năng thực hiện phương án cơ cấu lại được NHNN áp dụng các biện pháp xử lý can thiệp bắt buộc (đặt vào kiểm soát đặc biệt, mua lại bắt buộc) để kiểm soát toàn diện, nhằm ngăn chặn lan truyền rủi ro, gây mất an toàn, ổn định của hệ thống.
Đã có ba NHTM được NHNN mua lại giá 0 đồng. Có thể có ý kiến này, ý kiến kia về cách thức xử lý của NHNN nhưng rõ ràng việc này đã giúp NH tránh được sự đổ vỡ, giữ ổn định hệ thống trong tầm kiểm soát của Nhà nước trong bối cảnh chưa áp dụng giải pháp phá sản NH.
Các chuyên gia NH đánh giá, qua thực hiện tái cơ cấu, môi trường kinh doanh NH được lành mạnh hoá. Kỷ cương, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, thị trường vàng và lĩnh vực NH được chấn chỉnh và nâng cao, góp phần ổn định, bảo đảm an ninh tài chính - tiền tệ.
Đơn cử như trước đây xuất hiện khá nhiều hiện tượng kinh doanh của các NH như lách trần lãi suất huy động, cho vay dễ dãi... thì nay khuôn khổ pháp lý về tiền tệ và NH được hoàn thiện một bước quan trọng, hình thành đồng bộ hơn các chuẩn mực, thiết chế an toàn phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
NHNN chủ động phát hiện, xử lý và phối hợp với các cơ quan pháp luật xử lý nghiêm minh các tồn tại, sai phạm của các TCTD, trong đó ưu tiên áp dụng các biện pháp kinh tế để khắc phục hậu quả, thu hồi triệt để tài sản cho NH và bảo đảm sự an toàn, ổn định của hệ thống các TCTD.
Theo đánh giá của NHNN, sau gần 4 năm triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD trong điều kiện nhiều yếu tố không thuận lợi, với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành NH và hệ thống chính trị, về cơ bản mục tiêu Đề án 254 đã đạt được. Kết quả cơ cấu lại các TCTD giai đoạn 2011-2015 đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển bền vững hơn của hệ thống NH ở giai đoạn tiếp theo.
Trong Phiên họp thường kỳ quý II/2016 Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng cho biết, chương trình công tác năm 2016, đề nghị các thành viên đóng góp ý kiến về một số đề án cơ cấu lại các TCTD, xử lý nợ xấu…
Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo các NH châu Á lần thứ 17, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhấn mạnh, NHNN xác định cải cách NH là một tất yếu khách quan và nhu cầu nội tại của hệ thống cần được tiến hành thường xuyên, liên tục để chủ động đối phó với những khó khăn, biến các thách thức thành cơ hội phát triển bền vững trong tương lai.
Theo nguồn tin của phóng viên, hiện nay NHNN đang xây dựng kế hoạch tái cơ cấu các TCTD cho giai đoạn 2016 – 2020 gắn với xử lý nợ xấu cho giai đoạn 5 năm tới. Đây được xem là nhiệm vụ trọng tâm của ngành NH trong thời gian tới.