Tận dụng cơ hội TPP: Không thể nước đến chân mới nhảy
TPP sẽ thúc đẩy kinh tế và thương mại của khu vực | |
TPP: Chớ ngó lớn, quên nhỏ | |
TPP: Lợi ích nhìn từ nhiều phía |
TPP-đường còn dài lắm!?
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được ký chính thức vào ngày 4/2/2016 tới và dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2018. Với phạm vi cam kết rộng, mức độ tự do hóa sâu, TPP chắc chắn sẽ có tác động mạnh tới toàn bộ thể chế kinh tế cũng như hoạt động kinh doanh của các DN Việt Nam.
2 năm nữa TPP mới có hiệu lực, và do là nước kém phát triển hơn trong các thành viên nên Việt Nam có được nhiều “ưu đãi” nhất trong lộ trình thực hiện các cam kết. Điều này có thể phần nào giúp giảm bớt những lo ngại trước đó về nguy cơ các DN Việt Nam sẽ mất các thị trường khi TPP có hiệu lực. Nhưng cũng có thể vì thế mà tâm lý “nước đến chân mới nhảy” sẽ lại một lần nữa diễn ra như đã từng xảy ra với nhiều hiệp định ký kết trong quá khứ như WTO.
Trong hội thảo: “TPP: Những điều DN cần biết” mới diễn ra, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Ủy ban Tư vấn chính sách thương mại quốc tế VCCI chia sẻ câu chuyện, khi ông gặp bà con nông dân và một số chủ DN làm nông nghiệp, câu hỏi mà ông nhận được là bao giờ TPP có hiệu lực và tác động thế nào đến hoạt động sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi?
Thách thức lớn nhất là tận dụng được tất cả những cơ hội mà TPP mang lại |
Sau khi trả lời rằng Việt Nam có được những ưu đãi về lộ trình thực hiện thì đa số mọi người bảo: Ôi, thế thì còn dài lắm, lo gì. “Người Việt Nam có câu “nước đến chân mới nhảy” và cũng có nhiều chuyên gia khen rất tài là nhảy lần nào cũng qua. Câu hỏi đặt ra là lần này nhảy có qua không?” – ông Huỳnh đặt câu hỏi trong lo ngại và cho rằng, có những vấn đề mà chúng ta đang lo lắng nhất nhưng chưa chắc nhiều DN đã lo. Bởi thời gian còn dài mà!
Theo bà Phạm Chi Lan, với việc tham gia TPP, bà đang lo nhiều hơn mừng. “20 năm trời cải cách đổi mới, phát triển mà chúng ta vẫn nằm cùng nhóm với các nước phía sau trong ASEAN thì chúng ta sẽ chấp nhận đến bao giờ?”, bà Lan nói.
Một con số khác từ các điều tra cũng khiến nhiều người giật mình, chỉ có khoảng 30% những lợi ích của các FTA về mở cửa thị trường ở các nước khác là chúng ta tận dụng được. Trong đó, đối tượng tận dụng được tốt nhất không phải là các DN thuần Việt mà các DN FDI.
Cũng theo bà Lan, trong 30 năm đổi mới vừa qua, dù đã có rất nhiều thành tựu nhưng cũng có nhiều điều chưa làm được.
“Điều tra của VCCI năm ngoái về cảm nhận của người dân về nền kinh tế vẫn cho thấy, đa số cảm nhận rằng nền kinh tế hiện nay nửa thị trường, nửa nhà nước. Trong khi chúng ta đang đi vào một sân chơi lớn (TPP) với các nền kinh tế thị trường mạnh nhất như Mỹ, Nhật mà mình vẫn chơi theo kiểu đó thì làm sao có thể phát triển được?” – bà Lan nói.
Thế nên khi tham gia TPP, lo cho DN ở khía cạnh: Họ có thể thua trên thị trường do môi trường kinh doanh chung chưa tạo điều kiện để cho họ thắng và thứ nữa là bản thân các DN còn nhiều yếu kém, hạn chế thì đã nói đến nhiều.
Liệu với những thách thức mới, yêu cầu và cam kết mới này chúng ta có vươn lên và có làm nổi hay không. Bên cạnh đó, liệu tiếng nói từ các DN, từ các chuyên gia về việc cần phải thay đổi như thế nào có được lắng nghe, tiếp thu và thực hiện hay không cũng là vấn đề cần đặt ra.
“Tôi mong rằng, với các DN Việt Nam, cạnh tranh sẽ có nghĩa là cả thắng, cả thua và phần thắng phải nhiều hơn chứ không chỉ có nghĩa là chịu thua không thôi” – bà Lan kỳ vọng.
“Chơi” bằng niềm tin
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, TPP là một hiệp định không chỉ về mặt tiếp cận thị trường như các FTA trước đây hay như WTO mà nó phản ánh sự thay đổi căn bản của cách thức sản xuất, kinh doanh của thế giới hiện nay: Dịch vụ, sản xuất hàng hóa vật chất theo chuỗi, theo mạng sản xuất và vượt lên những cam kết thương mại, thuế quan thông thường. TPP còn là quan hệ đối tác, hàm nghĩa không chỉ là tự do hóa, luật chơi thị trường và minh bạch mà còn là sự hỗ trợ, gắn bó với nhau và phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng.
Theo TS. Thành, thách thức lớn nhất là làm sao tận dụng được tất cả những cơ hội mà TPP mang lại. Muốn vậy thì cần có niềm tin sẽ thành công, đồng thời khai thác tốt nhất các lợi thế so sánh của mình. Còn nếu chỉ nói đến những thách thức, khó khăn và lo ngại thì sẽ chỉ thấy DN Việt Nam “yếu toàn diện” và không có cơ hội để cạnh tranh trong sân chơi này. Và nếu thế, tại sao chúng ta phải tham gia đàm phán và ký kết?
Năm 2000, Việt Nam ký BTA với Hoa Kỳ. “Ai lúc đó cũng nghĩ chúng ta sẽ thua thiệt vì rất khó tiếp cận thị trường này – một thị trường rất tinh xảo, đòi hỏi cao, và khó tính. Nhưng chỉ sau 1 năm thôi thì Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất và trong 15 năm xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ, dù giá trị gia tăng còn rất nhiều dư địa để tăng thêm, nhưng cũng đã tăng lên trên 30 lần” - TS. Thành dẫn lại câu chuyện này để chứng minh, nếu tự tin, “dám chơi” và khai thác tốt các lợi thế so sánh, Việt Nam sẽ thành công.
Hỗ trợ và thông tin kịp thời cho các DN trong nước, đặc biệt về những điểm mạnh – yếu của từng thị trường thành viên, các hàng rào phi thuế quan cụ thể và các hướng dẫn cụ thể cho DN là một trong những vấn đề lớn nhất mà các DN cần hiện nay.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) và bà Vũ Thị Quỳnh Nga, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), các thông tin liên quan đến TPP đã, đang và sẽ được các cơ quan liên quan tuyên truyền qua nhiều hình thức khác nhau để các DN nắm bắt.
Tuy nhiên, về phía DN cũng cần chủ động hơn bởi thực tế đã có rất nhiều thông tin được đưa ra nhưng chưa được nhiều DN quan tâm. Kỳ vọng tâm lý “nước đến chân mới nhảy” sẽ được khắc phục vì thực sự TPP là một sân chơi lớn và với các DN “đến muộn, biết sau”, chắc chắn miếng bánh cơ hội sẽ nhỏ lại, thậm chí mất luôn không gian cho tồn tại và phát triển.