Trump lại đánh tiếng có thể tham gia Hiệp định TPP
Những nhận xét của ông, được thực hiện trên Twitter vào cuối ngày thứ Năm, chỉ vài giờ sau khi ông bất ngờ tuyên bố Mỹ có thể tham gia vào TPP. Ông đã nói với các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa trước đó rằng ông đã yêu cầu Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nối lại các cuộc đàm phán.
Cụ thể, trong bài đăng Twitter của mình, diễn ra trong giờ giao dịch châu Á, ông Trump nói rằng Mỹ sẽ “chỉ tham gia TPP nếu thỏa thuận được tốt hơn đáng kể so với thỏa thuận cung cấp cho cựu Tổng thống Obama. Chúng tôi đã có các thoả thuận song phương với 6 trong số 11 quốc gia trong TPP, và đang làm việc để đạt được thỏa thuận với nền kinh tế lớn nhất trong số các quốc gia này, Nhật Bản, quốc gia đã gây tổn thất nặng về thương mại cho chúng tôi trong nhiều năm!”.
Tuy nhiên các nhà hoạch định chính sách ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương hôm thứ Sáu đã phản ứng với lời tuyên bố ban đầu của Trump về khả năng Mỹ tái gia nhập thỏa thuận thương mại này với sự hoài nghi.
“Nếu đúng như vậy, tôi sẽ hoan nghênh”, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso nói với các phóng viên sau cuộc họp nội các vào thứ Sáu và trước khi ông Trump phát biểu trên tweet. Tuy nhiên Aso cũng nói thêm rằng, sự việc cần phải được xác minh. Trump “là một người có thể thay đổi tính khí, do đó, ông có thể nói một điều gì đó khác biệt trong ngày hôm sau”, Aso nói.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cũng nhấn mạnh những cơ hội nếu Mỹ tái tham gia Hiệp định. “Nếu như Mỹ, vốn đã rút ra, thực sự muốn tham gia lại, điều đó sẽ khởi động một quá trình hoàn toàn mới”, bà nói với các phóng viên ở Auckland.
TPP, hiện nay bao gồm 11 quốc gia thành viên, được thiết kế để cắt giảm các rào cản thương mại ở một số nền kinh tế phát triển nhanh nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã kéo Mỹ ra khỏi Hiệp định vào đầu năm 2017, trích dẫn những lo ngại về vấn đề việc làm của nước này.
Ngay cả trước khi có sự rút lui chính thức của chính quyền Trump vào năm ngoái, sự tham gia của Mỹ vào hiệp ước này được cho là ngày càng khó xảy ra do sự phản đối tại Quốc hội Mỹ. Mỹ đã tham gia các cuộc đàm phán TPP vào năm 2008. Tuy nhiên, năm 2016, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã từ bỏ nỗ lực thúc đẩy để Hiệp định này được Quốc hội thông qua.
Đến nay, 11 quốc gia còn lại đã tiến hành thỏa thuận riêng mà không có sự tham gia của Mỹ và trong quá trình này đã loại bỏ các chương về đầu tư, mua sắm của chính phủ và sở hữu trí tuệ là những vấn đề chính mà phía Mỹ yêu cầu.
Hiệp ước cũng bao gồm cả Mexico và Canada, là hai quốc gia cũng đang trong quá trình thương lượng lại các điều khoản của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Mỹ. Một quan chức chính phủ Canada cho biết hôm thứ Năm đã không có bất kỳ sự tiếp cận chính thức nào từ phía Mỹ về hiệp ước.
Được biết, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ có buổi gặp gỡ Tổng thống Trump vào tuần tới. Hiện Nhật cũng là một quốc gia thành viên của TPP và là một đồng minh thân cận của Mỹ.
Còn nhớ, trong chiến dịch bầu cử của minh vào năm 2016, ông Trump đã phản đối khá mạnh mẽ các hiệp định thương mại đa phương và lập luận rằng các hiệp định song phương đưa ra những điều khoản tốt hơn cho doanh nghiệp và người lao động Mỹ.
Tuy nhiên, thời gian gần đây ông Trump đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước khác trong cuộc xung đột thương mại với Trung Quốc.