Tận dụng FTA, xuất khẩu bứt phá
Sẵn sàng cho ký kết và thực thi EVFTA | |
EU và Việt Nam đã sẵn sàng ký kết EVFTA vào cuối năm nay | |
Căng thẳng thương mại hối thúc phê chuẩn EVFTA |
Tính đến hết ngày 15/10, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đã đạt 189,6 tỷ USD, tăng 15,6% (tương ứng tăng 25,6 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2017. Cán cân thương mại cũng thặng dư ở mức kỷ lục, đạt 6,33 tỷ USD.
Ảnh minh họa |
Một điểm tích cực nữa là nếu như những năm trước đây, xuất khẩu của khối DN FDI luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn so với khối DN trong nước thì thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng của khối trong nước đã cao hơn khối FDI. Cụ thể, tính từ đầu năm, khối DN trong nước xuất khẩu khoảng 55,7 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu (kể cả dầu thô) của khu vực FDI chỉ là 15,5%.
Một báo cáo mới đây của Bộ Công thương cho thấy, các DN đã tận dụng tương đối tốt cơ hội từ hội nhập. Hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. Cả năm 2017, trong hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Việt Nam, có 28 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó 5 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 5 tỷ USD, 4 thị trường trên 10 tỷ USD (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc).
Các thị trường xuất khẩu chính có mức tăng tương đối mạnh. Châu Á là thị trường truyền thống, ước xuất khẩu 9 tháng đầu năm có mức tăng khá với cùng kỳ năm 2017 (20,1%), chiếm tỷ trọng 53% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp theo là khu vực thị trường khu vực châu Mỹ với tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 42,02 tỷ USD, tăng 10,0% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu vào thị trường khu vực châu Âu ước đạt 33,37 tỷ USD (tăng 9,8%); kim ngạch xuất khẩu vào thị trường khu vực châu đại dương đạt 3,39 tỷ USD, tăng 23,4%; các thị trường còn lại có mức tăng nhẹ.
Đóng góp vào mức tăng của các thị trường là do các nhà xuất khẩu đã tận dụng các cam kết, ưu đãi từ các hiệp định đã ký kết để tiếp tục khai thác thị trường này như Trung Quốc (kim ngạch ước đạt 28,15 tỷ USD, tăng 26,6%; Thái Lan (kim ngạch ước đạt 4,2 tỷ USD, tăng 19,3%); Hoa Kỳ (kim ngạch ước đạt 34,86 tỷ USD, tăng 12,5%); ASEAN ước tăng 16%, đạt 18,72 tỷ USD; Nhật Bản ước tăng 12,2%, đạt 13,82 tỷ USD; Hàn Quốc ước tăng 26,5%, đạt 13,5%; Australia ước tăng 25,5%, đạt 3 tỷ USD.
“9 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các thị trường đã ký kết FTA đạt khoảng 40%, tăng mạnh so với con số khoảng 35% các năm trước”, Bộ Công thương cho biết.
Bộ Công thương dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 có thể đạt mức tăng trưởng 10-12%, kim ngạch đạt khoảng 239 tỷ USD. Trong đó nhóm hàng nông sản, thủy sản ước đạt 27,5 tỷ USD, tăng 5,4%; Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6%; Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 196,18 tỷ USD, tăng 12,5%.
Dự báo này đặt trên nền tảng vĩ mô tích cực. Báo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế toàn cầu vừa được công bố mới đây của IMF đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức 3,9% trong năm nay và cả năm 2019. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định FTA Việt Nam - EU dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Đầu tư trong nước, được hỗ trợ bởi tâm lý lạc quan, môi trường kinh doanh thuận lợi, chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định, dự báo cũng sẽ tiếp tục khởi sắc và cùng với đầu tư nước ngoài tạo ra năng lực sản xuất mới. Cuộc chiến thương mại trong những tháng qua chưa gây tác động tiêu cực đến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Thậm chí, một số mặt hàng đã thể hiện kết quả tích cực do tận dụng được cơ hội xuất khẩu.
Mặc dù vậy, về lâu dài, căng thẳng trong quan hệ chính trị, thương mại giữa các nền kinh tế lớn vẫn là những thách thức lớn đối với hoạt động xuất khẩu. Cùng với đó là các rào cản như chủ nghĩa bảo hộ xuất hiện trở lại và thể hiện rõ ràng hơn trong những tháng đầu năm 2018; các nước áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe; Giá nông sản đã tăng khá tốt trong năm qua nên khả năng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nhờ yếu tố giá trong năm 2018 không còn nhiều…