Căng thẳng thương mại hối thúc phê chuẩn EVFTA
Hướng tới Hiệp định Bảo hộ đầu tư và FTA | |
Công bố Sách Trắng 2018 và kỳ vọng EVFTA | |
Với EVFTA, đây là thời điểm cần tập trung cao độ |
Ông Denis Brunetti |
Nhìn nhận của ông về triển vọng quan hệ thương mại EU – Mỹ khi mà Mỹ vừa áp thuế nhập khẩu cao với nhôm, thép của EU và EU cũng triển khai các biện pháp trả đũa?
EuroCham luôn ủng hộ thương mại tự do. Đây cũng chính là một trong những động lực đằng sau nỗ lực của chúng tôi nhằm thúc đẩy EVFTA. Các FTA - giống như EVFTA cho phép cạnh tranh tự do và công bằng giữa các thị trường mở, và điều này đem lại lợi ích cho người tiêu dùng và công dân của cả hai bên.
Ngay như giữa EU và Mỹ, dù không có FTA, nhưng quan hệ giữa hai bên trong thời gian dài đã được củng cố bởi tinh thần của tự do thương mại. Tinh thần này cũng được hai bên thể hiện xuyên suốt trong đàm phán Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giai đoạn 2013 - 2017. Hiệp định này đáng lẽ có thể sẽ là một bước quan trọng hướng tới thương mại tự do toàn cầu lớn hơn. Và mặc dù vẫn còn đó hy vọng có thể khôi phục lại đàm phán nhưng Hoa Kỳ đã rút khỏi thỏa thuận này vào năm 2017 và kể từ đó họ đã thực hiện nhiều biện pháp bảo hộ hơn, bao gồm áp đặt thuế quan thương mại.
Chủ nghĩa bảo hộ hiển nhiên kéo theo đó là việc người dân trong nước phải trả giá cao hơn để tiếp cận với các hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao. Các biện pháp áp thuế quan đối với thép của châu Âu trong năm nay đã bắt đầu leo thang và cuối cùng chỉ mang lại tổn thương chứ không giúp mang lại lợi ích gì cho người dân ở EU và Mỹ. Đôi bên sẽ cùng có lợi nếu Hoa Kỳ và EU cùng hướng đến lợi ích chung, tìm cách giảm căng thẳng hiện nay và loại bỏ đi các rào cản thương mại mới này.
Hiện Mỹ và EU đều là những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Vậy theo ông, căng thẳng thương mại EU - Mỹ có tác động thế nào đến Việt Nam, cả trực tiếp và gián tiếp?
Căng thẳng thương mại giữa EU và Mỹ hiện nay ít có tác động trực tiếp đối với Việt Nam bởi các sản phẩm chịu thuế mới không có liên quan gì nhiều đến thương mại và đầu tư ở Việt Nam. Tuy nhiên, nếu các biện pháp bảo hộ leo thang và nếu Hoa Kỳ tiếp tục đưa ra các rào cản mới thì điều này có thể có tác động lan tỏa đến Việt Nam cũng như phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu.
Vậy ông thấy các cơ hội và thách thức gì cho DN Việt Nam và EU từ bối cảnh căng thẳng thương mại hiện nay?
Tôi cho rằng còn quá sớm để nói về điều này. Bởi các biện pháp mới chỉ được đưa ra, tác động của chúng vẫn chưa cảm nhận hết và hệ quả thực sự của chúng thế nào cũng vẫn chưa chắc chắn. Có lẽ các nhà kinh tế và chuyên gia có thể cung cấp một ước tính tổng thể hơn. Nhưng nói chung, chúng tôi cho rằng những thách thức là đáng kể. Việc tái cấu trúc môi trường thương mại và đầu tư giữa Mỹ và EU có thể có ý nghĩa sâu sắc đối với nền kinh tế toàn cầu. Điều này cũng đặc biệt đúng đối với vấn đề việc làm và các yếu tố xã hội khác của các nền kinh tế. Việt Nam và châu Âu sẽ phải đối mặt với những thách thức này dưới các hình thức khác nhau.
Trong bối cảnh đó, EVFTA mang tới cơ hội có một không hai cho Việt Nam để đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Âu. Điều này sẽ giúp mở thị trường và tạo ra cơ hội mới cho các DN và người tiêu dùng ở cả hai bên. Dưới góc độ đó, sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ hay các căng thẳng thương mại hiện nay chỉ là một lý do nữa cho cả hai bên chúng ta trong nỗ lực đảm bảo EVFTA được phê chuẩn và thực thi càng sớm càng tốt. Điều này sẽ giúp đưa các DN Việt Nam ở vào vị trí tốt nhất để tận dụng, thúc đẩy thương mại và đầu tư với một thị trường tiêu dùng 500 triệu dân của châu Âu cũng như tận dụng các điều kiện thuận lợi khác mà EVFTA mang lại.
Theo ông, Việt Nam làm gì để hóa giải những tác động đó?
Việt Nam nên tiếp tục tập trung vào thương mại tự do và tiếp tục những nỗ lực để hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Các dấu hiệu của sự mở cửa và hội nhập sâu rộng của Việt Nam đã được thể hiện rõ trong những năm qua, nhất là trong nhiều FTA mà Việt Nam đã ký kết hay với EVFTA hiện nay...
Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng thương mại hiện nay, việc tìm kiếm các giải pháp phù hợp cho cả DN lẫn Chính phủ là quan trọng và việc duy trì đối thoại cũng rất quan trọng để có thể đạt được các giải pháp, qua đó giúp môi trường kinh doanh của Việt Nam tránh xa được chủ nghĩa bảo hộ. Điều này cũng sẽ giúp đảm bảo rằng, Việt Nam vẫn quyết tâm trở thành một “người chơi toàn cầu”, đồng thời giúp đa dạng hoá môi trường thương mại và đầu tư của mình. Cùng với đó, nó cũng cung cấp cho Việt Nam có nhiều lựa chọn hơn khi đối mặt với khả năng các mối quan hệ đối tác có thể thắt chặt hơn trong tương lai.
Về việc Việt Nam cần đa dạng hóa các thị trường xuất – nhập khẩu để tránh nguy cơ bị khó khăn vì phụ thuộc vào một vài thị trường lớn, thì quan điểm của EuroCham thế nào?
EuroCham luôn muốn hỗ trợ Việt Nam hướng tới tương lai là một người chơi về đầu tư và thương mại ở tầm cỡ toàn cầu. EVFTA mang lại những cơ hội chưa từng có cho các nhà đầu tư và DN Việt Nam tiếp cận với EU - một trong những thị trường lớn và năng động nhất trên thế giới.
Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, chúng tôi muốn thấy Việt Nam cũng ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn trong ASEAN và trong cộng đồng của CPTPP trong thời gian sắp tới. Điều này được thể hiện ở nhiều khía cạnh, ví dụ như thông qua các chương trình hợp tác khác nhau, EU đã có các hỗ trợ tài chính và hoạt động đối với Việt Nam để giúp phát triển các chính sách thương mại và đầu tư trong nhiều năm qua. Và chúng ta thấy nó diễn ra ngay cả trước khi có EVFTA. Mong muốn lớn nhất của EU nói chung và của EuroCham là làm sao để Việt Nam trở thành một đối tác ngày càng mạnh mẽ trên thế giới.
Để làm được điều này, Việt Nam cần phải tự định vị mình như là một lực lượng kinh tế đa phương với sự đa dạng của các đối tác thương mại. Điều này thực sự sẽ làm giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào các nền kinh tế lớn, cũng như giúp củng cố vị thế của Việt Nam như là một nhà đầu tư nếu thấy có cơ hội vào các nền kinh tế khác.
Xin cảm ơn ông!
EuroCham vừa công bố kết quả chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) quý I/2018 với chỉ số đạt ở mức 78, tăng 1 điểm so với quý trước. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, có đến gần 90% DN cho biết tiếp tục duy trì hoặc sẽ tăng mức đầu tư tại Việt Nam trong tương lai. EuroCham kỳ vọng điều này sẽ tạo nguồn cảm hứng và động lực cho Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện hơn nữa MTKD, đặc biệt là những thay đổi về mặt pháp lý cho phép Việt Nam hoàn tất những cam kết của mình đối với EVFTA, với dự kiến sẽ được hai bên phê chuẩn và sẽ có hiệu lực trong năm nay. |