Sẵn sàng cho ký kết và thực thi EVFTA
EU và Việt Nam đã sẵn sàng ký kết EVFTA vào cuối năm nay | |
Căng thẳng thương mại hối thúc phê chuẩn EVFTA | |
Hướng tới Hiệp định Bảo hộ đầu tư và FTA |
Nghị sỹ Bernd Lange |
Xin cho biết kỳ vọng của ông về thời điểm ký kết, phê chuẩn EVFTA?
Tôi kỳ vọng Chính phủ Việt Nam và Ủy ban châu Âu sẽ có thể ký Hiệp định vào khoảng giữa tháng 10 năm nay nhân Hội nghị thượng đỉnh Á – Âu (ASEM) tại Bỉ, hoặc nếu có muộn hơn một chút thì cũng vào khoảng tháng 11. Sau đó, văn bản Hiệp định sẽ được chuyển tới Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu (EP) xem xét phê chuẩn. Trong đó, hy vọng phía EP sẽ phê chuẩn vào tháng 3/2019.
Liệu Hiệp định có thể bị chậm lại không?
Tôi không nghe thấy ý kiến nào từ phía các thành viên EP về khả năng sẽ trì hoãn việc xem xét phê chuẩn Hiệp định này. Mục tiêu đặt ra là chúng ta phải cố gắng xem xét và phê chuẩn được Hiệp định này trước thời điểm kết thúc nhiệm kỳ của EP hiện tại (cuộc bầu cử bầu ra EP mới sẽ diễn ra vào ngày 26/5/2019). Tôi hy vọng là mọi việc sẽ diễn ra thuận lợi và hoàn thành ngay trong nhiệm kỳ này của EP.
Ông có thể cho biết cơ chế thông qua Hiệp định này từ phía EU?
Về phía EU, FTA này được tách ra thành 2 thỏa thuận. Một thỏa thuận liên quan đến các vấn đề thương mại và thỏa thuận còn lại liên quan đến đầu tư. Trong đó, thỏa thuận liên quan đến các vấn đề thương mại là thỏa thuận chính, bao hàm tới 95% các nội dung của FTA chung và nội dung này thuộc quyền quyết định của EP. Điều đó có nghĩa là, sau khi được EP phê chuẩn thì sẽ có hiệu lực ngay.
Phần thỏa thuận thứ hai liên quan đến đầu tư và bảo hộ đầu tư nhưng chỉ chiếm 5% nội dung của FTA chung thôi. Nội dung này thì sau khi được EP phê chuẩn còn cần được Nghị viện của 28 nước thành viên EU thông qua nữa thì mới có hiệu lực được.
Vậy còn các nội dung công việc gì tồn đọng cần phải giải quyết để kỳ vọng này có thể trở thành hiện thực?
Tôi cho rằng, về mặt văn kiện của Hiệp định thì đã sẵn sàng rồi, không có vấn đề gì cả. Hiện giờ chỉ còn vướng một chút vấn đề về kỹ thuật. Tức là phải biên dịch sang 24 ngôn ngữ của 28 nước thành viên EU. Quá trình này sẽ mất một chút thời gian và chúng tôi cũng đang cố gắng nỗ lực thúc đẩy công tác biên dịch này tăng tốc hơn.
Về mặt nội dung, trong Hiệp định có chương về thương mại và phát triển bền vững, trong đó đưa ra nghĩa vụ của cả hai phía là phải phê chuẩn 8 công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO (Việt Nam đã phê chuẩn 5 công ước, còn 3 công ước chưa phê chuẩn). Các đồng nghiệp của tôi ở EP cũng rất quan tâm tới vấn đề các công ước cốt lõi của ILO cần phải được phê chuẩn và bên đối tác cần thể hiện cam kết đầy đủ trong phê chuẩn các công ước này. Bởi chúng tôi cho rằng, Hiệp định phải mang lại lợi ích cho những người lao động phổ thông, họ cần có được một phần công bằng, từ ở góc độ về tiền lương, về điều kiện và môi trường lao động… và chúng ta cần phải tránh những vấn đề về cạnh tranh không bình đẳng trong việc vi phạm về môi trường, vi phạm về xã hội khi Hiệp định đi vào thực thi.
Nhưng liệu việc Việt Nam chậm phê chuẩn các công ước còn lại của ILO có ảnh hưởng đến thời điểm ký kết và phê chuẩn EVFTA như kỳ vọng?
Tôi muốn nhấn mạnh, những yêu cầu như vậy không chỉ với Việt Nam mà với tất cả các đối tác ký khác khi ký FTA với EU. Ngay cả với Canada là một đối tác rất phát triển, EU cũng có những đòi hỏi tương tự bởi EP luôn có những yêu cầu hết sức nghiêm ngặt đối với vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn lao động để làm sao đảm bảo rằng, những người lao động phổ thông sẽ thực sự có được lợi phần lợi ích của mình khi FTA đi vào thực thi.
Ở đây có một điều cần làm rõ là, 8 công ước cốt lõi của ILO không nhất thiết phải được ký kết, phê chuẩn toàn bộ trước khi phê chuẩn FTA này nhưng phía đối tác phải thể hiện được những cam kết mang tính ràng buộc về một lộ trình phê chuẩn, thực thi và giám sát. Như khi chúng tôi đàm phán FTA với Canada (Hiệp định CETA) thì Canada cũng chưa phê chuẩn được hết 8 công ước cốt lõi của ILO, cũng còn lại 3 công ước và trong suốt quá trình đàm phán cho đến ký kết và thậm chí cho đến sau khi CETA đã được phê chuẩn thì họ mới đưa ra cam kết bằng văn bản rằng về việc sẽ phê chuẩn các công ước còn lại này.
Trong bối cảnh văn kiện của Hiệp định đã được thống nhất và thời gian thì cũng không còn nhiều nên hai bên sẽ cần phải nỗ lực giải quyết các vấn đề còn tồn đọng đó. Thực ra trong quá trình đàm phán Hiệp định này, tôi đã nhiều lần đến Việt Nam. Hầu như trong tất cả các cuộc gặp, tôi đều cảm thấy hài lòng và tôi đánh giá cao tinh thần hợp tác của phía Việt Nam trong các vấn đề mà chúng tôi trao đổi.
Một cảm nhận rất rõ ràng của tôi là, Việt Nam đang thể hiện mong muốn có thể kết thúc được các vấn đề còn lại đi đến ký kết, phê chuẩn và thực thi Hiệp định.
Còn về phía châu Âu, chúng tôi cũng rất sát sao với vấn đề này. Dự kiến ngày 10/10 tới đây, EP sẽ có phiên điều trần để thảo luận về các yếu tố liên quan của Hiệp định. Tiếp đó tại cuộc họp thượng đỉnh ASEM dự kiến vào ngày 19/10 tại Bỉ, tôi hy vọng đó sẽ là một dịp để hai bên tiếp tục trao đổi thêm nữa nếu như vẫn còn bất cứ vấn đề gì chưa giải quyết được. Ngoài ra, có thể sẽ còn có những cuộc tiếp xúc, những cuộc trao đổi quan điểm với nhau trong thời gian tới để làm sao quá trình xem xét và phê chuẩn của EP sẽ diễn ra thuận lợi nhất vào tháng 3/2019.
Xin cảm ơn ông!