Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm
Bảo đảm từ nguồn cung đến tiêu thụ
Thời gian gần đây, trước tình hình dịch tả heo châu Phi lan rộng, nhiều người tiêu dùng ở khu vực miền Trung có những tâm lý e ngại sử dụng thịt heo. Nỗi lo này ảnh hưởng trực tiếp đến sức mua sản phẩm từ thịt heo trên thị trường. Để đối phó với tình trạng này, cơ quan chức năng ở TP. Đà Nẵng, Quảng Nam và một số địa phương trong khu vực đã và đang tăng cường công tác kiểm soát, từ nguồn cung đến khâu tiêu thụ trên thị trường nhằm tạo ra sự yên tâm cho người tiêu dùng, đồng thời nỗ lực không gây tác động xấu đến ngành chăn nuôi.
Nên mua sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, để bảo đảm an toàn thực phẩm |
Trước tình hình một số tỉnh trong khu vực và phía bắc xảy ra các ổ dịch tả heo châu Phi, UBND TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo các sở ngành và địa phương triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phòng chống dịch. Trong đó, tăng cường công tác kiểm tra, siết chặt tất cả các khâu từ việc nhập heo ngoài tỉnh vào thành phố để giết mổ, đến quá trình giết mổ và tiêu thụ trên thị trường, đảm bảo không xảy ra dịch tả heo châu Phi trên địa bàn.
Đặc biệt, TP. Đà Nẵng - địa phương đã thực hiện thành công việc giết mổ gia súc tập trung. Bởi vậy, việc kiểm soát nguồn cung mặt hàng thịt heo có những thuận lợi hơn các địa phương khác. Đến nay, tất cả heo, bò đều tập trung giết mổ tại 8 cơ sở đã được cấp phép. Tuy nhiên, hiện các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu của người dân, còn lại 80% phải nhập từ các tỉnh khác về tiêu thụ. Đa số heo đưa về Đà Nẵng, được nuôi trên địa bàn Quảng Nam và Bình Định. Trước tình hình dịch bệnh tả heo châu Phi, để bảo đảm an toàn, nguồn heo nhập vào thành phố đều phải trải qua quy trình kiểm tra nghiêm ngặt. Lực lượng của Chi cục Chăn nuôi và thú y phối hợp với các cơ quan chức năng túc trực 24/24 giờ hàng ngày tại 2 trạm Kiểm dịch động vật Kim Liên và Hòa Phước, để kiểm tra chặt chẽ và phun thuốc khử trùng tiêu độc tất cả xe chở heo và động vật đi vào địa phận TP. Đà Nẵng.
Trong khi đó, tại các địa điểm giết mổ tập trung, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố cũng tăng cường lực lượng đến từng điểm, kiểm tra chặt chẽ từ khâu nuôi nhốt, quá trình giết mổ đảm bảo an toàn thực phẩm. Theo đại diện Công ty cổ phần Chế biến gia súc gia cầm Đà Nẵng, heo chở về từ các địa phương khác đều được kiểm tra chặt chẽ và tiêu độc, khử trùng trước khi đưa vào lò giết mổ, bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Bên cạnh, việc tăng cường giám sát tại điểm giết mổ gia súc tập trung, các cơ quan chức năng ở địa phương, nghiêm cấm việc giết mổ heo, trâu bò nhỏ lẻ tại gia đình và các cơ sở khác khi chưa được cấp phép. Trong khi đó, ở các điểm tiêu thụ trên thị trường, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP. Đà Nẵng cũng phối hợp với các cơ quan chức năng, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm soát việc buôn bán thịt heo tại các chợ, siêu thị, cơ sở phân phối thịt heo.
Sử dụng sản phẩm có nguồn gốc
Có thể khẳng định, với việc thiết lập và thực hiện tốt các khâu từ kiểm soát nguồn cung, đến giết mổ và tiêu thụ trên thị trường đến nay, trên địa bàn TP. Đà Nẵng chưa để xảy ra các ổ dịch tả heo châu Phi. Theo ông Cao Xuân Thái - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Đà Nẵng, đến thời điểm này địa phương vẫn đang thực hiện tốt các biện pháp phòng chống, kiểm soát các loại dịch, bệnh trên đàn heo. Đà Nẵng chưa bị dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm.
Tương tự, như TP. Đà Nẵng tại Quảng Nam, cơ quan chức năng ở địa phương cũng đang nỗ lực để tăng cường công tác kiểm dịch mặt hàng thịt heo. Trong đó, để kiểm soát phương tiện vận chuyển heo qua địa bàn, UBND tỉnh Quảng Nam đã thành lập 2 chốt kiểm dịch động vật tại thị xã Điện Bàn và huyện Núi Thành. Tại các chốt này, phương tiện chở heo qua đây sẽ được phun thuốc khử trùng. Đặc biệt, để kịp thời ngăn chặn dịch tả heo châu Phi lây lan, phương tiện vận chuyển heo và các sản phẩm từ heo sẽ không được lưu thông trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, mà phải đi trên Quốc lộ 1A để ba địa phương gồm: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi dễ dàng kiểm soát tình hình. Ông Lê Văn Sinh - Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Quảng Nam cho biết, để kiểm soát xe vận chuyển heo và các sản phẩm thịt lợn qua địa bàn, Sở Giao thông - Vận tải Quảng Nam cùng với các cơ quan chức năng tại TP. Đà Nẵng, Quảng Ngãi đã tiến hành phân luồng để cho các phương tiện vận chuyển heo đi xuống Quốc lộ 1A. Điều này, góp phần để việc kiểm soát lưu lượng xe và tình hình dịch trên địa bàn sẽ thuận lợi hơn… Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng ở Quảng Nam cũng đang tăng cường theo dõi tình hình, diễn biến cung cầu, thị trường đối với mặt hàng thịt heo; Đồng thời, chủ động triển khai các phương án bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng bất ổn đối với mặt hàng này trên địa bàn.
Trên thực tế, mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực để tạo niềm tin cho các “thượng đế”, nhưng nhu cầu sử dụng thịt heo trên thị trường cả TP. Đà Nẵng và Quảng Nam đều có những sụt giảm. Đặc biệt, tại những điểm bán thịt không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Một tiểu thương kinh doanh thịt heo ở chợ Phước Mỹ, (TP. Đà Nẵng) cho biết, so với thời điểm trước khi xảy ra dịch tả heo châu Phi, ở thời điểm này việc tiêu thụ các sản phẩm có chậm hơn. Điều này, cũng dễ hiểu bởi không ít người tiêu dùng vẫn còn tâm lý e ngại.
Điều đáng nói, nếu như ở các chợ dân sinh việc tiêu thụ thịt heo có giảm sút hơn trước, thì tại các siêu thị có thương hiệu lại không giảm mà còn tăng hơn trước. Điều này, chứng tỏ người tiêu dùng đang có xu hướng tìm đến các kênh phân phối hiện đại, cùng với niềm tin chất lượng, nguồn gốc rõ ràng hơn, trong khi giá cả không chênh lệch đáng là bao so với ở các chợ truyền thống. Bà Trần Hải My, trú tại phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu (TP. Đà Nẵng) cho biết, thay vì trước kia thường mua thịt heo ở các chợ, thì nay chuyển sang mua trong siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn, các chuỗi cung ứng lớn. Yên tâm hơn với chất lượng, cũng như nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Thực tế, tại TP. Đà Nẵng và Quảng Nam cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, các cơ quan chức năng luôn khuyến cáo người tiêu dùng nên mua thịt heo có nguồn gốc rõ ràng và được cơ quan chức năng kiểm tra, có dấu kiểm dịch nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm.