Tăng giờ làm thêm: Không để người lao động bị lợi dụng
Thúc đẩy tăng năng suất lao động | |
Phải có "chiến dịch" nâng cao nhận thức về năng suất lao động | |
78 triệu USD cải thiện chất lượng đào tạo nghề |
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, nhiều DN, nhất là trong lĩnh vực dệt may, da giày thường xuyên có nhiều đơn hàng xuất khẩu lớn cần thực hiện với các đối tác nước ngoài. Vì vậy, việc tăng ca và làm thêm giờ đối với công nhân là không tránh khỏi. Đây đang là vấn đề được cả người lao động và DN quan tâm và đang được Bộ LĐ-TB&XH xây dựng trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, trong đó có điều chỉnh quy định làm thêm giờ.
Ngành dệt may tăng ca không còn là hiện tượng hiếm |
Theo các chuyên gia, hiện không ít DN vì áp lực thực hiện hợp đồng nên đã vi phạm quy định làm thêm giờ theo quy định của pháp luật hiện hành. Do đó cần có phương án tháo gỡ cho những DN xuất khẩu và đảm bảo lợi ích của người lao động.
Chúng ta biết rằng, số giờ làm thêm của người lao động theo quy định hiện nay là không quá 200 giờ/năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định được làm thêm không quá 300 giờ/năm. Điều này đã gây khó cho không ít DN trong việc sử dụng lao động tăng ca làm thêm giờ. Theo Bộ LĐ-TB&XH, để tháo gỡ cho những doanh nghiệp thường xuyên sản xuất các đơn hàng theo mùa vụ, dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đưa ra phương án nâng khung thoả thuận về giờ làm thêm giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi dự kiến mở rộng khung thỏa thuận về thời giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm trong những trường hợp đặc biệt, thay vì 300 giờ/năm như quy định hiện hành. Hai bên sẽ được quyền thỏa thuận khi người lao động có khả năng đáp ứng và doanh nghiệp có nhu cầu. Theo đó, việc mở rộng khung thoả thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động về thời giờ làm thêm để tăng sự linh hoạt trong sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và nâng cao thu nhập của người lao động khi làm thêm giờ.
Có thể thấy, việc tăng ca, tăng giờ làm việc mặc dù tạo nhiều áp lực nhưng mang lại cho người lao động khoản thu nhập tăng thêm, đồng thời giúp DN bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh. Đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, có thể xem xét nâng thời giờ làm thêm nhưng với điều kiện người lao động phải được lợi. Doanh nghiệp huy động làm thêm giờ phải đúng kế hoạch, tức là để xử lý các trường hợp bất khả kháng, đảm bảo đơn hàng trong từng thời điểm chứ không phải thường xuyên.
Theo các chuyên gia, tăng thời gian làm thêm giờ là cần thiết nhưng phải có quy định số giờ làm thêm để vừa đảm bảo cho cả sức khỏe, thời gian của người lao động, vừa tăng được năng suất lao động. Việc áp mức làm thêm giờ tại DN cần phải có sự trao đổi, thỏa thuận giữa chủ sử dụng lao động và người lao động. Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, với những trường hợp đặc biệt có thể làm thêm đến 400 giờ thì cần phải giải thích rõ trong luật để tránh việc lợi dụng người lao động và nhất thiết phải đảm bảo quyền lợi người lao động. Cùng với đó, cần bổ sung quy định lương làm thêm giờ phải được tính lũy tiến theo số giờ làm thêm.
Có thể thấy, việc điều chỉnh làm thêm giờ làm sao để vừa cởi trói cho DN sử dụng lao động một cách hiệu quả, đồng thời phải đảm bảo năng suất và sức khỏe cũng như thu nhập cho người lao động là rất cần thiết.