Thúc đẩy tăng năng suất lao động
Phải có "chiến dịch" nâng cao nhận thức về năng suất lao động | |
78 triệu USD cải thiện chất lượng đào tạo nghề | |
Nâng cao năng suất lao động: Tạo sức khỏe cho doanh nghiệp |
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4/2019 ước tính tăng 0,6% so với tháng trước và 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, IIP tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Con số này tuy vẫn thấp hơn mức tăng 10,7% của cùng kỳ năm 2018, nhưng cao hơn mức tăng 7,4% và 6,6% của cùng kỳ năm 2016 và năm 2017.
Các doanh nghiệp cần nỗ lực cải thiện hiệu quả sử dụng các nguồn lực |
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,9% (cùng kỳ năm trước tăng 12,9%), đóng góp 8,3 điểm % vào mức tăng chung và giữ vai trò chủ chốt thúc đẩy tăng trưởng chung. Kết quả trên cho thấy, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao là phù hợp với định hướng tái cơ cấu mô hình tăng trưởng của ngành công nghiệp. Điều đáng mừng nữa là tăng trưởng của khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo chủ yếu đến từ các doanh nghiệp trong nước.
Riêng ngành khai khoáng bằng cùng kỳ năm trước (khai thác than tăng 13%, khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 4,1%), chứng tỏ nền kinh tế đã dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào khai thác khoáng sản và tài nguyên.
Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch – Đầu tư) nhận định, tăng trưởng kinh tế những tháng còn lại của năm 2019 vẫn tiếp tục dựa vào sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, trên nền tảng cơ chế thúc đẩy nguồn lực xã hội vào sản xuất – kinh doanh. Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn có mức tăng trưởng khả quan, cùng với chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất từ phía Chính phủ nên khu vực này vẫn được coi là động lực của ngành công nghiệp, là lực đẩy tăng trưởng của cả nền kinh tế những tháng tới.
Tuy nhiên, năng suất của nền kinh tế Việt Nam được cho là thấp, tính đổi mới sáng tạo và khả năng cạnh tranh chưa cao và các doanh nghiệp Việt Nam chưa tạo được lợi thế cần thiết. Đó cũng là thông tin được đưa ra tại báo cáo “Năng suất và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam” vừa được công bố.
Theo đó, chỉ số cạnh tranh công nghiệp, xuất khẩu công nghiệp chế tạo và chỉ số lợi thế so sánh hiện hữu (RCA) của Việt Nam trong những năm gần đây đã liên tục được cải thiện so với các nước trong khu vực. Đã có một số chỉ tiêu như tỷ lệ giá trị gia tăng trên giá trị đầu ra hoặc doanh thu, Việt Nam vượt trội so với Ấn Độ và Bangladesh. Song, các chỉ số hiệu suất công nghiệp chế biến, chế tạo khác, đặc biệt là năng suất lao động, Việt Nam đang bị tụt lại sau các nước so sánh. Thêm nữa, năng suất lao động trong ngành chế biến, chế tạo của Việt Nam vẫn chỉ bằng khoảng 1/4 của Trung Quốc và Malaysia; 1/3 của Indonesia và Phillippines; 1/2 của Ấn Độ và Thái Lan; chỉ bằng khoảng 7% của Nhật Bản và Hàn Quốc vào năm 2015.
GS - TS. Đặng Nguyên Anh, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội dẫn chứng, với thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt khoảng 2.600 USD, dự kiến đến năm 2020 đạt khoảng 3.000 USD, theo phương pháp luận của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam đã qua giai đoạn có tăng trưởng chủ yếu dựa vào gia tăng các yếu tố đầu vào và bắt đầu chuyển sang giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào hiệu quả và năng suất.
Các động lực tăng trưởng (như tài nguyên khoáng sản, lao động giá rẻ…) đã giúp Việt Nam đạt được kết quả cao trong giai đoạn kể từ khi đổi mới đến nay đang tiến dần tới trần giới hạn. Vì vậy, Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng dựa nhiều hơn vào tăng năng suất, cải thiện hiệu quả việc sử dụng, phân bổ nguồn lực cũng như nâng cao khả năng hấp thụ công nghệ và đổi mới sáng tạo. Những điều này càng trở nên cấp thiết hơn khi thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã bước vào kỷ nguyên số với sự tăng tốc của CMCN 4.0
Thông qua việc phân tích chuyên sâu ở cấp độ tiểu ngành, liên ngành và ở cấp độ doanh nghiệp, cùng với nghiên cứu liên quan đến năng suất như nhân tố tổng hợp, năng suất lao động ở quy mô toàn nền kinh tế và trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, báo cáo khuyến nghị, Việt Nam cần chuyển trọng tâm thu hút FDI từ số lượng sang chất lượng và gia tăng liên kết các doanh nghiệp tư nhân trong nước với doanh nghiệp FDI, đồng thời phát triển hệ sinh thái, tăng liên kết và chuyển dịch lên các mức cao hơn trong các chuỗi giá trị địa phương và toàn cầu; tăng năng suất lao động, giá trị gia tăng, tăng tỷ lệ nội địa; đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trong các ngành, tiểu ngành nơi các doanh nghiệp tư nhân trong nước có thể sẵn sàng đảm nhận vai trò “dẫn dắt” từ các doanh nghiệp nhà nước và gắn việc cổ phần hóa với xây dựng năng lực của các doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Bà Caitlin Wiesen, đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, nâng cao năng suất của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và đổi mới sáng tạo là then chốt để Việt Nam có thể tránh được bẫy thu nhập trung bình, tiến tới đạt được tăng trưởng bao trùm. Chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi cho thử nghiệm và áp dụng cách làm mới đối với các doanh nghiệp tư nhân để có thể xác định các nút thắt cổ chai kìm hãm sự phát triển của mỗi tiểu ngành, từ đó có các hành động cụ thể nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi này.
Ngoài ra, Việt Nam cần có nền tảng kết nối Chính phủ, các doanh nghiệp FDI và trong nước theo cách tiếp cận các bên cùng có lợi, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào xây dựng năng lực sản xuất và doanh nghiệp FDI sử dụng nhiều hạng mục và dịch vụ do địa phương cung cấp, bà Caitlin Wiesen đề xuất thêm.
Nâng cao năng suất của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và đổi mới sáng tạo là then chốt để Việt Nam có thể tránh được bẫy thu nhập trung bình, tiến tới đạt được tăng trưởng bao trùm. Chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi cho thử nghiệm và áp dụng cách làm mới đối với các doanh nghiệp tư nhân để có thể xác định các nút thắt cổ chai kìm hãm sự phát triển của mỗi tiểu ngành, từ đó có các hành động cụ thể nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi này. |