Tăng giờ làm thêm: Việt Nam có đi ngược xu thế?
Dự luật Lao động: Doanh nghiệp sẽ chủ động xây dựng thang, bảng lương | |
Tăng giờ làm thêm: Không để người lao động bị lợi dụng |
'Đất nước phát triển hơn thì tất cả người dân, trong đó người lao động phải được nghỉ ngơi nhiều hơn, hưởng thành quả nhiều hơn' |
Lo ngược xu hướng
Các thành viên UBTVQH khi tham gia ý kiến đều cho rằng, một trong những điểm mấu chốt của Bộ luật Lao động sửa đổi là giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa chủ sử dụng lao động và người lao động.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Bộ luật phải trả lời được câu hỏi là thông qua những sửa đổi, điều chỉnh thì người lao động, người sử dụng lao động, xã hội và đất nước được gì? Quyền lợi, nghĩa vụ nào của người lao động tăng lên, giảm đi? Quyền lợi, nghĩa vụ nào của người sử dụng lao động được bảo đảm hay cần được đảm bảo.
“Phải tìm được điểm hài hòa, cân bằng giữa bảo vệ người lao động và thúc đẩy sự phát triển, cạnh tranh của DN. Phải bám sát nguyên tắc, đất nước phát triển hơn thì tất cả người dân Việt Nam, trong đó người lao động phải được nghỉ ngơi nhiều hơn, hưởng thành quả nhiều hơn”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đi cụ thể vào nội dung mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay, vấn đề tăng giờ làm thêm luôn được đặt ra mỗi khi sửa đổi Bộ luật Lao động, nhưng ở cả 2 lần sửa trước, sau khi thảo luận, Quốc hội đều thống nhất giữ nguyên như Bộ luật năm 1994, ở mức 200 giờ/năm; trường hợp đặc biệt tối đa không quá 300 giờ/năm, và chỉ áp dụng cho một số ngành nghề do Chính phủ quy định.
Đối với dự án Bộ luật sửa đổi lần này, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ không tán thành với việc mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa. Bởi trên thế giới, xu hướng chung là đang đấu tranh tăng lương, giảm giờ làm và nâng cao đời sống người lao động, còn người sử dụng lao động lại muốn năng suất cao, doanh thu cao và cố gắng tranh thủ đội ngũ lao động đang có (thông qua tăng giờ làm thêm) mà không muốn tăng đầu tư cho việc mở rộng sản xuất, thuê thêm lao động mới.
Đặc biệt, trong thời đại ngày nay, khi phương thức sản xuất, công cụ lao động có nhiều tiến bộ, lẽ ra cần phải giảm thời gian lao động xuống thì việc tăng giờ làm thêm là một nghịch lý.
“Quan điểm của tôi là không đồng ý khi hướng tới xã hội tiến bộ mà chúng ta lại ngồi đây tính thêm giờ làm cho người lao động. Nhìn lại lịch sử quan điểm của chúng ta từ trước đến nay và đi theo xu hướng tiến bộ thì tôi đề nghị rất cân nhắc liệu chúng ta có đang đi ngược xu hướng tiến bộ hay không? Đất nước tiến bộ, phát triển, văn minh, chúng ta là nước định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng cứ mỗi lần sửa luật là lại đề xuất tăng thêm giờ làm việc của người lao động”, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.
Thận trọng và cần có đánh giá tác động
Đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, nhu cầu tăng giờ làm thêm cũng cần thiết, nhưng không phải phổ biến, thường xuyên mà chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn, khi thực hiện phong trào thi đua được phát động hay trong mùa vụ, đơn hàng gấp của DN… chứ không thể tạo cớ để lúc nào cũng tăng giờ làm với người lao động.
“Nguyện vọng của đa số người lao động là được giảm chứ không phải tăng giờ làm, nên cần đánh giá tác động của đề xuất tăng giờ làm thêm tối đa đến tâm tư, nguyện vọng người lao động”, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ lưu ý.
Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, mặc dù trên thực tế, nhu cầu làm thêm giờ là có thật (cả từ phía người lao động mà mấu chốt là do tiền lương và thu nhập chưa bảo đảm trang trải cuộc sống; cả từ phía người sử dụng lao động là do nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tùy theo từng thời điểm), nhưng việc kéo dài thời giờ làm thêm là đi ngược lại với xu hướng tiến bộ. Khi trình độ công nghệ ngày càng phát triển, trình độ quản trị DN hiệu quả hơn, tay nghề người lao động được nâng lên thì năng suất lao động, giá trị sản phẩm tăng lên, thời giờ làm việc sẽ giảm xuống để bảo đảm sức khỏe và cải thiện đời sống của người lao động.
Bên cạnh đó, việc tăng thời giờ làm thêm có thể dẫn đến tình trạng DN lợi dụng thời giờ làm thêm khai thác sức lao động, dẫn đến hậu quả người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động. Bộ luật hiện hành đã quy định nguyên tắc thỏa thuận khi làm thêm giờ, nhưng việc thực hiện rất khó khăn, hạn chế; tình trạng vi phạm về thời giờ làm thêm khá phổ biến. Báo cáo tổng kết thi hành Bộ luật Lao động cho thấy, tình trạng vi phạm làm thêm giờ khá phổ biến, phần lớn do nhu cầu của DN muốn tăng doanh thu nhưng không muốn tăng chi phí đầu tư, chi phí tuyển thêm lao động mới mà qua tăng giờ làm thêm với lao động hiện có.
Do đó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị, vấn đề này cần phải được Cơ quan soạn thảo tiếp tục làm rõ thêm và việc quy định thời gian làm thêm giờ phải theo hướng đảm bảo chặt chẽ, giới hạn trong một số trường hợp đối với một số ngành, nghề, công việc nhất định và phải bảo đảm các nguyên tắc: Phải có sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động; áp dụng tiền lương lũy tiến cho thời gian làm thêm giờ; bổ sung quy định khống chế giờ làm thêm tối đa theo tháng và phải có cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát bảo đảm sự tuân thủ quy định về thời gian làm thêm giờ, tránh để xảy ra tình trạng phổ biến vi phạm pháp luật về làm thêm giờ như hiện nay.
Trao đổi về các vấn đề mà thành viên UBTVQH đặt ra liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ này đang chỉ đạo bổ sung thêm vào hồ sơ dự án Bộ luật một số báo cáo, trong đó có các báo cáo về vấn đề vi phạm giờ làm thêm, thời gian làm thêm, báo cáo về công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực lao động, việc làm…
Riêng về đề xuất phương án quy định tính tiền lương làm thêm lũy tiến theo giờ, Bộ trưởng Dung cho biết đến nay chưa thể có báo cáo đánh giá tác động vì chưa được áp dụng và theo kinh nghiệm quốc tế thì tới nay cũng chỉ có 2 quốc gia thực hiện việc tính lương làm thêm theo cách này.