Tăng thuế tiêu dùng phải đồng hành với giảm thuế thu nhập
Đánh thuế tài sản tạo công bằng? | |
Sửa thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt để ngăn nhập khẩu ồ ạt xe Pick-up | |
Sửa luật thuế: Khắc phục vướng mắc, tháo gỡ khó khăn |
Dư luận đang lo ngại nhiều điều trong đề xuất sửa đổi các luật thuế của Bộ Tài chính. Trong điều kiện kinh tế đang khó khăn, chuyện tăng thuế luôn gặp nhiều ý kiến không đồng tình. Đặc biệt là việc tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% lên 12%.
Ông Đinh Tuấn Minh |
Việc Bộ Tài chính đưa ra kế hoạch tăng thuế GTGT từ 10% lên 12% đặt ra một vấn đề quan trọng về mặt lý luận mà các nhà kinh tế cần phải xem xét khi đưa ra quan điểm ủng hộ hay phản đối chính sách này. Cần xem xem giả sử cùng một lượng thu ngân sách từ thuế để đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Chính phủ thì thu thuế nên dựa vào thuế thu nhập hay thuế tiêu thụ (trong đó có thuế) sẽ tốt hơn? Quan điểm của tôi là thu thuế từ thuế tiêu thụ tốt hơn và chúng ta cần có một lộ trình để chuyển sang hướng này.
Để xác định thuế nào tốt hơn cần dựa trên 4 nguyên tắc của một hệ thống thuế tốt, gồm: công bằng, đơn giản, không tạo quyền lực ban phát cho chính quyền, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đối với tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Công bằng là đảm bảo rằng mọi người dân đều phải nộp thuế. Mức thuế một cá nhân phải nộp cần tương ứng với mức phúc lợi mà người dân được hưởng từ thuế; Đơn giản là dễ tính toán, dễ thu; Không tạo ra quyền lực ban phát cho chính quyền: không tạo ra nhiều trường hợp đặc thù để chính quyền xem xét, ban phát; Một hệ thống thuế tốt là một hệ thống hạn thế ảnh hưởng tiêu cực đối với tăng trưởng chung của nền kinh tế: xét một cách tương đối, hệ thống tốt phải là hệ thống ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng thấp hơn so với hệ thống khác.
So sánh về tính công bằng, thoạt nhìn, hệ thống thuế dựa trên thu nhập tưởng chừng công bằng hơn so với hệ thống thuế dựa trên thuế tiêu thụ. Hệ thống thuế dựa trên thu nhập sẽ áp đặt mức thuế cao hơn cho người có thu nhập cao và thấp hơn cho người có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, chính việc đặt ra các mức thuế khác nhau cho những đối tượng khác nhau lại tạo ra vấn đề cho khái niệm công bằng. Liệu một người có thu nhập 20 triệu nhưng phải nuôi con nhỏ phải chịu mức thuế cao hơn so với người thu nhập 10 triệu nhưng không phải nuôi con nhỏ? Đây là lý do dẫn đến các khoản giảm trừ thuế thu nhập. Có hàng tỷ nguyên nhân hầm bà lằng dẫn đến đòi hỏi giảm trừ thuế thu nhập, gây ra tranh cãi trong xã hội về tính hợp lý, công bằng của các khoản đó.
Một vấn đề khác được đặt ra là những người có thu nhập thấp không phải nộp thuế nhưng lại được hưởng rất nhiều trợ cấp, dịch vụ miễn phí của nhà nước. Điều này khiến cho những người theo quan điểm bảo thủ cho rằng không công bằng vì những người giàu phải nộp thuế nuôi những người ăn bám.
Trong khi đó, những người theo quan điểm xã hội lại cho rằng những người giàu được hưởng lợi rất nhiều từ hệ thống phúc lợi của nhà nước (đường xá, an ninh, v.v.) nhưng lại nộp thuế ít. Trên thực tế có vẻ như giới trung lưu dường như phải chịu nộp thuế thu nhập nhiều hơn so với mức họ được hưởng. Người giàu có thể có nhiều cách để trốn thuế thu nhập (đặc biệt là khi hệ thống cồng kềnh phức tạp), nhưng được hưởng nhiều phúc lợi hơn. Người nghèo thì không phải nộp thuế, được sử dụng nhiều hệ thống phúc lợi miễn phí, thậm chí còn được trợ cấp.
Như vậy, với hệ thống thuế dựa trên thuế tiêu thụ, tất cả mọi người đều phải đóng thuế. Người giàu tiêu thụ nhiều sẽ phải đóng thuế nhiều, người nghèo tiêu thụ ít sẽ phải đóng thuế ít. Thường với cũng một loại hàng hóa, người giàu tiêu thụ các loại hàng hóa cao cấp hơn nên trên thực tế với cùng mức thuế họ đóng thuế nhiều hơn người nghèo.
So sánh về tính đơn giản, ông Minh cho rằng: hệ thống thuế dựa trên thu nhập cực kỳ phức tạp và rối rắm. Để công bằng thì cần phải đặt ra nhất nhiều mức thuế khác nhau, rất nhiều khoản giảm trừ khác nhau, dẫn đến hệ thống thuế cồng kềnh phức tạp.
Sự cồng kềnh phức tạp dẫn đến hiện tượng trốn thuế lại tạo ra sự mất công bằng. Trong khi đó hệ thống thuế dựa trên tiêu thụ lại cực kỳ đơn giản, đặc biệt nếu như đó là một hệ thống chỉ có một mức thuế tiêu thụ. Mọi người đều tiêu dùng và đều phải chịu thuế.
Hệ thống thuế dựa trên thuế thu nhập tạo ra ban phát cho chính quyền. Việc quyết định các mức thuế thu nhập khác nhau, giảm trừ thuế, v.v… đều tạo ra quyền lực cho bộ máy hành chính. Với hệ thống thuế dựa trên thuế tiêu thụ chính quyền sẽ mất đi đặc quyền đó. Hơn nữa, với việc tất cả người dân phải nộp thuế, nó sẽ tạo ra sức ép lớn hơn đối với chính quyền trong việc chi thuế sao cho công bằng.
Thế giới đang có xu hướng chung chuyển sang giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) chuyển sang thuế tiêu dùng. Với nội dung sửa 5 luật thuế mà Bộ Tài chính đề xuất cho thấy Việt Nam cũng đang theo xu hướng chung. Nhưng “tăng thuế tiêu dùng phải đồng hành với giảm thuế thu nhập, Bộ Tài chính khi tăng thuế GTGT phải đưa ra được lộ trình giảm thuế TNDN, thuế TNCN như thế nào, giảm được gánh nặng gì cho DN, cho người dân. Nếu mục đích cải cách thuế mà dẫn tới tăng thuế tổng thể chỉ để bù đắp cho chi tiêu công lại là không thuyết phục.