Đánh thuế tài sản tạo công bằng?
Biệt thự cho thuê – kênh đầu tư hấp dẫn mới | |
Có từ 2 nhà trở lên – phải nộp thuế tài sản | |
Đánh thuế tài sản: Khó xác định nhà ở thứ 2 |
Ít bữa nay, câu chuyện đánh thuế căn nhà thứ hai, đánh thuế tài sản thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. So với quãng chục năm trước, khi sắc thuế này cũng đã được bàn tính, thì lần này nhiều chiều thông tin được mở ra hơn: từ Bộ Tài chính với báo cáo chuyên đề cho đến các chuyên gia bất động sản lên tiếng về lợi ích của việc thu thuế, đến thu ra sao và thậm chí chi thế nào… Tất cả đem lại hy vọng về sự quyết tâm hơn trong nghiên cứu để đề ra chính sách, về khả năng có thể tường minh được và mất trong câu chuyện này.
Lẽ dĩ nhiên, thuế tài sản là đánh vào chủ sở hữu tài sản, bao gồm nhà đất, xe, thuyền… và đó đương nhiên là người giàu, theo một chuẩn mực nào đó mà luật định ra. Đó vừa là những tài sản có giá trị, nhưng đồng thời cũng có thể “sinh sôi này nở” thông qua cho thuê, cấp dịch vụ.
Với nhiều bất động sản, giờ đây chủ đầu tư sẵn sàng cam kết sinh lời 10%/năm, hay nói cách khác là tài sản đó có khả năng tự nhân đôi giá trị sau mỗi 10 năm. Như vậy, chủ sở hữu khi có khối tài sản lớn đến mức nào đó sẽ chỉ việc ngồi nhận lợi nhuận. Tất nhiên không phải người giàu nào cũng có điều kiện được như thế, nhưng cơ chế đó tồn tại thì chắc chắn khoảng cách giàu nghèo sẽ tiếp tục kéo xa ra.
Ảnh minh họa |
Và khả năng tự nhân lên giá trị của tài sản là động lực rất lớn để người ta đầu cơ. Những biệt thự cổ “có một không hai” giá bán rất cao nhưng vẫn đầy đại gia thâu tóm. Những căn hộ hạng sang vẫn không thiếu người mua… “Đại gia” thì đầu tư vào tài sản giá trị cao, “tiểu gia” có chút của ăn của để cũng manh nha đầu cơ vào nhà giá rẻ. Sức mạnh của đồng tiền đẩy người có thu nhập thấp xa khỏi khả năng tiếp cận bất động sản. Với giá trị nhà đất hiện tại, thu nhập bằng lương của đa số người dân là không đủ để mua nhà, nếu không có sự hậu thuẫn từ người thân, điều đó có thể điều chỉnh lại bằng cách thu thuế tài sản - một sắc thuế công bằng và văn minh mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng.
Đánh thuế nhà thứ hai, hoặc theo diện tích đầu người sử dụng (có thể 10-20m2/người tùy theo khu vực), hoặc theo giá trị nhà - tùy tính toán cho thấy là phù hợp - có thể hạn chế được sự tích tụ bất động sản vào một số ít người, tránh đầu cơ, đồng thời tạo cơ hội tiếp cận nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp. Điều chỉnh này là có lợi cho không chỉ đa số người dân mà ngay doanh nghiệp bất động sản cũng có lợi. Họ có thể không còn đầu tư nhiều vào những bất động sản hạng sang phục vụ người lắm tiền nhiều của, chẳng phải đó luôn là phân khúc nhiều rủi ro? Họ sẽ đầu tư vào phân khúc bình dân hơn, ít lợi nhuận hơn nhưng khách hàng luôn sẵn.
Và theo đó, việc đánh thuế này sẽ điều chỉnh dòng tiền của giới đầu cơ, chuyển từ bất động sản sang các tài sản khác như chứng khoán, gửi ngân hàng, hoặc được đưa vào kinh doanh. Đó là một sự dịch chuyển có lợi cho nền kinh tế. Và ngay cả khi dòng tiền chuyển vào tài sản đầu cơ tài chính khác thì vẫn là nguồn lực nằm chờ cơ hội để đầu tư vào kênh sinh lời khi có cơ hội, hơn là gửi giá trị ở bất động sản làm mất cơ hội tiếp cận nhà đất của người nghèo.
Về phía Nhà nước, đương nhiên thuế tài sản sẽ góp phần tạo nguồn mới cho ngân sách, vốn dĩ đang còn eo hẹp. Phần thuế đánh vào người giàu, chủ sở hữu nhiều nhà đất này có thể quay trở lại đầu tư cho nhà giá rẻ, càng mở rộng cơ hội tiếp cận nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp. Hoặc nguồn tài chính này còn có thể sử dụng nhân văn hơn, như đầu tư cho giáo dục hoặc y tế, đặc biệt là các hoạt động hướng tới người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội.
Chắc chắn không nhiều người giàu, sở hữu lắm tài sản thích phải đóng thuế này, nhưng đó chỉ là nhóm nhỏ. Một sắc thuế điều chỉnh ở nhóm nhỏ để làm lợi cho số đông là phù hợp với tiêu chí phân bổ lại trong xã hội. Đánh thuế tài sản qua đó có thể tạo nên công bằng nhất định, đặc biệt là về tiếp cận nhà ở, đồng thời ngăn chặn được đầu cơ, điều chỉnh dòng tiền ra khỏi dòng tài sản này để tiếp tục đóng góp cho phát triển. Chính sách này nên được tìm hiểu và nghiên cứu đến cùng để hoạch định phù hợp thực tế đời sống.