Sửa thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt để ngăn nhập khẩu ồ ạt xe Pick-up
Doanh nghiệp ô tô “thấm đòn” hội nhập | |
Peugeot 3008 2017 có giá từ 765 triệu đồng | |
Kia Morning sắp ra phiên bản Crossover |
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ đang soạn thảo một dự luật để sửa đổi một số điều của 5 luật thuế hiện hành là Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và Luật thuế tài nguyên.
Trong đó phần sửa đổi bổ sung Luật thuế TTĐB gồm những nội dung chính là: bổ sung nước ngọt vào đối tượng chịu thuế, sửa giá tính thuế với ô tô, sửa thuế suất với thuốc lá...
Ảnh minh họa |
Giải thích việc sửa giá tính thuế với ô tô, ông Thi cho biết: “Mục tiêu cần đạt được là thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; tạo điều kiện để ô tô sản xuất trong nước cạnh tranh được với ô tô nhập khẩu trước bối cảnh hội nhập”.
Luật thuế TTĐB hiện quy định: Đối với hàng hóa sản xuất trong nước, hàng hóa nhập khẩu là giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra. Với quy định này, Bộ Công thương cho rằng chưa thực sự khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chưa tạo điều kiện cho hàng sản xuất trong nước cạnh tranh được với hàng nhập khẩu. Bộ Công thương đề xuất thay đổi giá tính thuế TTĐB đối với xe sản xuất trong nước theo hướng không tính thuế TTĐB đối với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước (linh kiện, phụ tùng).
Để đạt mục tiêu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh giữa ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu, tăng năng lực cạnh tranh cho các sản phẩn sản xuất lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính trình Chính phủ 2 phương án như sau:
Phương án 1: Giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.
Phương án 2: Giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống được thực hiện theo quy định hiện hành. Theo đó, giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra (không trừ giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước).
Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo Phương án 1, ông Thi cho biết.
Bộ Tài chính cũng đề suất sửa thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô vừa chạy bằng xăng kết hợp với năng lượng điện, Luật thuế TTĐB hiện hành chưa quy định rõ thế nào là xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp với năng lượng điện và mức thuế suất thuế TTĐB đối với loại xe này chưa thực sự khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư lắp ráp tại Việt Nam.
Quy định hiện hành là xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện, năng lượng sinh học, trong đó tỷ trọng xăng sử dụng không quá 70% số năng lượng sử dụng áp dụng thuế suất thuế TTĐB bằng 70% mức thuế suất áp dụng cho xe cùng loại quy định tại các điểm 4a, 4b, 4c và 4d của Biểu thuế quy định tại Điều này. Quy định hiện hành chưa rõ nên một số doanh nghiệp đề nghị áp dụng ưu đãi thuế TTĐB đối với xe Hybrid (năng lượng điện có được do chuyển hoá từ nhiên liệu xăng, như các loại xe Lexus dòng hl, Prius, Camry hybrid, Honda Insight). Do vậy, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định rõ: Xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp với năng lượng điện (xe nạp điện bằng hệ thống sạc điện riêng).
Ông Thi cho biết, xu hướng sử dụng xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng tăng lên rất nhanh vì xe này có thuế suất thuế TTĐB thấp hơn so với xe ô tô chở người có cùng số chỗ ngồi (dòng xe SUV thuế suất thuế TTĐB áp dụng đối với loại trên 2.500 cm3 đến 3.000 cm3: 55%). Phần lớn loại xe này là xe nhập khẩu. Năm 2016 lượng tiêu thụ của loại xe này là 3.291; trong đó xe nhập khẩu là 3.252 xe, xe lắp ráp trong nước là 39 xe. Các nước trong khu vực thường áp dụng thuế suất thuế TTĐB đối với xe ô tô vừa chở người vừa chở hàng ở mức thấp hơn mức thuế suất đối với xe ô tô chở người dưới 9 chỗ.
Do vậy, để bảo đảm đúng mục đích sử dụng xe, Bộ Tài chính đề nghị áp dụng mức thuế suất thuế TTĐB bằng 60% mức thuế suất xe con cùng dung tích xi lanh. Loại này chủ yếu có dung tích từ 2.000 đến 3.000 cm3 nên nếu thuế suất là 55%, như xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống thì mức thuế suất của xe bán tải là 33%. Theo quy định tại Luật thuế TTĐB hiện hành thì xe ô tô vừa chở người vừa chở hàng có dung tích xi lanh từ 2.500 cm3 trở xuống có thuế suất là 15%; Loại có dung tích xi lanh trên 2.500 cm3 đến 3.000 cm3 chịu thuế suất 20%; Loại có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3 áp dụng thuế suất thuế TTĐB 25%.
“Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi này là vì phải tính toán nhu cầu trong nước và tránh tự nhiên nhập khẩu ồ ạt, nếu người tiêu dùng sử dụng xe này làm phương tiện cá nhân sẽ ảnh hưởng tới cả ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam”, ông Thi nói.