Sửa luật thuế: Khắc phục vướng mắc, tháo gỡ khó khăn
Chiều ngày 15/8/2017, Bộ Tài chính đã họp báo giới thiệu nội dung sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Luật Thuế thu nhập DN (TNDN), Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và Luật Thuế tài nguyên.
Giải thích sự cần thiết phải sửa đổi các luật nói trên, ông Phạm Đình Thi – Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính nói: Qua thực tiễn triển khai thực hiện các luật thuế thời gian qua cho thấy quy định tại các luật thuế cơ bản phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nên đã phát huy được những tác động tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, do sự biến động nhanh của kinh tế - chính trị thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, chính sách thuế cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo phù hợp với thực tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Ảnh minh họa |
Mục tiêu mà ông Thi nói đến, là tái cơ cấu NSNN, tháo gỡ khó khăn cho DN, góp phần định hướng sản xuất và tiêu dùng, nhằm tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích người nộp thuế mở rộng sản xuất kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu, đặc biệt trong bối cảnh các khoản thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm do thực hiện các cam kết quốc tế…
Để tháo gỡ khó khăn cho DN siêu nhỏ, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN, phù hợp với thực tế quản lý, Bộ Tài chính đề nghị quy định DN siêu nhỏ (là DN có tổng doanh thu dưới 3 tỷ đồng/năm) được áp dụng thuế suất 15%; DN nhỏ và vừa, là DN có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người, đồng thời đáp ứng điều kiện có tổng doanh thu năm từ 3 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng, được áp dụng thuế suất 17%.
“Dự thảo cũng quy định mức thuế suất 15%, 17% không áp dụng đối với DN là các công ty tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con mà công ty mẹ nắm giữ từ 25% vốn chủ sở hữu của công ty con trở lên, tỷ lệ này được xác định theo Nghị định 20 về xác định DN có giao dịch liên kết. Quy định này để tránh các trường hợp DN thành lập các công ty con để được hưởng chính sách nêu trên”, ông Thi cho biết.
Từ ngày 01/01/2009, theo quy định của Luật Thuế GTGT thì một trong những điều kiện để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào là có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ hàng hóa, dịch vụ mua từng lần có giá trị dưới 20 triệu đồng. Thực hiện quy định trên đã góp phần thúc đẩy phát triển giao dịch thanh toán qua ngân hàng giữa các DN, góp phần ngăn chặn gian lận trong việc khấu trừ, hoàn thuế GTGT và phòng chống rửa tiền.
Đến nay, hệ thống thanh toán qua ngân hàng đã phát triển và tiện lợi hơn, các phương thức thanh toán ngày càng đa dạng. Hầu hết các địa điểm cung cấp hàng hóa, dịch vụ đã có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng. Do vậy, để tiếp tục thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và góp phần minh bạch hóa các giao dịch mua bán của DN, Bộ Tài chính đề nghị quy định điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào là có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ hàng hóa, dịch vụ mua từng lần từ mức dưới 20 triệu đồng xuống mức dưới 10 triệu đồng. Đồng thời, đề nghị sửa quy định tương ứng tại Luật Thuế TNDN.
Đối với Luật Thuế TNCN, lần này sẽ tập trung sửa đổi 8 nội dung, trong đó có các nội dung: Không thu thuế TNCN đối với thu nhập từ lợi tức cổ phần của thành viên Hợp tác xã nông nghiệp, cá nhân là nông dân ký kết hợp đồng với DN tham gia “Cánh đồng lớn”; Miễn thuế TNCN đối với một số đối tượng đặc biệt để đảm bảo tính hệ thống, thống nhất; Bổ sung chính sách giảm thuế TNCN cho một số đối tượng là nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực CNTT, nông nghiệp, chế biến nông sản; Sửa đổi biểu thuế lũy tiến từng phần đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công theo hướng giãn bậc thuế lũy tiến, giảm nghĩa vụ đối với các bậc thấp, phù hợp với thực tế, đơn giản, dễ tính toán, tạo thuận lợi cho người nộp thuế…
Biểu thuế lũy tiến từng phần đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công cũng được sửa đổi vì biểu thuế hiện hành là không hợp lý, quá nhiều bậc, giãn cách ở các bậc thấp quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào cuối năm, làm tăng số thuế phải nộp, số lượng phải quyết toán thuế tăng một cách không cần thiết trong khi số thuế phải nộp thêm không nhiều; Thu nhập tính thuế ở từng bậc theo số lẻ dẫn đến khó nhớ, người nộp thuế khó khăn trong việc tự xác định số thuế phải nộp. Vì vậy sửa đổi biểu thuế này theo hướng: Giảm số bậc thuế chỉ còn 5 bậc và nới rộng khoảng cách ở các bậc thấp và điều chỉnh thu nhập tính thuế ở từng bậc theo số chẵn.
Với phương án sửa đổi biểu thuế lũy tiến như ông Thi cho biết, thì hầu hết các cá nhân sẽ được giảm số thuế phải nộp so với hiện nay vì khoảng giãn cách giữa các bậc thuế thu nhập đã được nới rộng và thuế suất điều chỉnh ở các bậc thuế kéo về mức thuế suất thấp hơn.
Những định hướng nội dung sửa đổi, bổ sung các chính sách nêu trên đã được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì họp với các Bộ (Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương) và cơ bản đồng tình với những nội dung định hướng chính sách được đề xuất sửa đổi lần này để đưa ra lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.