Tăng trưởng và lạm phát: Lo nhưng sẽ đạt
3 kịch bản giá xăng và lạm phát năm 2019 | |
Không thể chủ quan với lạm phát |
Ảnh minh họa |
Tại tọa đàm công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô (KTVM) quý I của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) ngày 11/4/2019, PGS.TS. Phạm Thế Anh - Kinh tế Trưởng VEPR nhận định, tăng trưởng kinh tế quý I đạt 6,79%, dù thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (7,45%), nhưng vẫn là mức cao trong nhiều năm trở lại đây.
Tuy nhiên, tốc độ tăng của một số ngành có dấu hiệu chậm lại. Đáng lưu ý là sự sụt giảm mạnh của chỉ số PMI xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua vào tháng 2/2019 khiến mức độ lạc quan của nhà sản xuất cũng giảm đáng kể. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá điện và xăng dầu – những yếu tố đầu vào quan trọng của sản xuất gần đây khiến chi phí và giá thành sản xuất hàng hóa có thể tăng nhẹ.
Đây là những yếu tố có thể khiến tăng trưởng GDP quý II còn thấp hơn, như theo dự báo của VERP sẽ chỉ đạt 6,32%, trước khi phục hồi trở lại, lần lượt đạt 6,94% và 7,16% trong quý III và quý IV khi các dự án đầu tư công được đẩy mạnh. “Căn cứ vào quy luật, điều hành chính sách và thực tiễn của nền kinh tế, chúng tôi đưa ra kịch bản tăng trưởng kinh tế quý III và quý IV sẽ cao hơn, qua đó giúp cả năm sẽ nằm trong khoảng 6,7-6,8%”, PGS.TS. Phạm Thế Anh cho biết.
Mặc dù dự báo việc đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP của năm nay là khả thi nhưng PGS. TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VERP bổ sung thêm, với nền kinh tế có độ mở lớn và phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu thì các yếu tố bên ngoài như CTTM Mỹ - Trung, chủ nghĩa bảo hộ, rủi ro suy giảm của kinh tế Trung Quốc, Mỹ, EU… sẽ có những tác động bất lợi đối với kinh tế, thương mại của Việt Nam.
Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp tục phụ thuộc vào FDI và xuất khẩu của khu vực này trong khi cổ phần hóa khu vực DNNN tiếp tục giậm chân tại chỗ; hay số lượng DN tạm dừng hoạt động, giải thể tăng cao trong quý vừa qua vẫn là những vấn đề cần lưu tâm và cho thấy môi trường kinh doanh cần tiếp tục được cải thiện.
Trong khi đó với xu hướng áp lực lạm phát gia tăng gần đây, nhất là khi có nhiều mặt hàng tăng giá cùng lúc và sẽ được tính toán trong chu kỳ tính CPI tháng 4 này đòi hỏi các nhà điều hành phải theo dõi rất sát.
“Tác động của việc tăng giá điện và xăng dầu vừa qua đến CPI có thể kéo dài tới 2 - 6 tháng sau đó. Do vậy, để đạt được mục tiêu lạm phát dưới 4%, rất cần sự thận trọng”, báo cáo nêu.
Trong đó, chính sách tiền tệ cần thích ứng kịp thời với các biến động kinh tế. Ưu tiên hàng đầu là điều hành tỷ giá linh hoạt, nhằm hấp thụ bớt tác động từ các cú sốc bên ngoài. Lãi suất nên được giữ mức ổn định, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn, đặc biệt đối với các ngành đang trên đà tăng trưởng và tiềm năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, việc hạ thấp đòn bẩy và lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng cũng cần được tiếp tục tiến hành.
Một điểm cần chú ý khác trong năm nay theo các chuyên gia là xu hướng chuyển dịch của dòng FDI vào Việt Nam nhằm tận dụng cơ hội từ CPTPP, EVFTA và phòng ngừa rủi ro từ CTTM Mỹ - Trung.
PGS. TS. Nguyễn Đức Thành dẫn chứng, trong quý I vừa qua, Trung Quốc đã trở thành NĐT nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam với tổng số vốn 723,2 triệu USD. Dòng vốn từ Trung Quốc ngoài những yếu tố tích cực đem lại cho việc làm và tăng trưởng, thì cũng có thể kéo theo những rủi ro về môi trường và quản lý lao động nước ngoài...
Về trung và dài hạn, Việt Nam cần từng bước xây dựng đệm tài khóa mà trước tiên là thông qua việc tinh giản bộ máy Nhà nước và cắt giảm chi tiêu thường xuyên. Bởi một khi vấn đề thâm hụt ngân sách cao và nợ công tăng nhanh chưa được giải quyết thì những thành tích về tăng trưởng hay lạm phát vẫn đang phải dựa vào một nền tảng bấp bênh.