Tăng tuổi nghỉ hưu: Vì mục tiêu dài hạn hơn vấn đề ngắn hạn
11 thay đổi đối với người lao động, nghỉ hưu từ 1/7/2019 | |
Làm thế nào để tiết kiệm đúng lúc, đúng cách? | |
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Tăng giờ làm thêm, tuổi nghỉ hưu |
DN lo duy trì bộ máy kém hiệu quả
Với 2 phương án đưa ra, tuổi nghỉ hưu của người lao động có lộ trình tăng tương đối chậm. Với phương án 1, tuổi nghỉ hưu của nam giới đạt 62 tuổi vào năm 2028 và tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 60 tuổi vào năm 2035 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ kể từ năm 2021). Phương án 2 có lộ trình nhanh hơn phương án 1, tuổi nghỉ hưu của nam đạt 62 tuổi vào năm 2026 và nữ đạt 60 tuổi vào năm 2030 (sau 6 năm với nam và sau 10 năm đối với nữ kể từ năm 2021).
Mặc dù việc tăng tuổi nghỉ hưu không được áp dụng ngay lập tức kể từ năm 2021, song theo đại diện nhiều DN, hiệp hội ngành hàng, với chất lượng hiện nay của lực lượng lao động, nếu tiếp tục kéo dài thời gian làm việc sẽ là duy trì một lực lượng kém hiệu quả. Trong khi đó, mỗi năm vẫn có thêm hàng triệu lao động trẻ gia nhập thị trường, lại không thể kiếm được việc làm.
Nhiều ngành nghề lao động nặng nhọc không muốn kéo dài thời gian làm việc |
Ông Trương Văn Cẩm - Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam lo ngại, các ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như da giày, dệt may, điện tử... hiện đang là những ngành giải quyết việc làm lớn nhất. Vì vậy nếu tăng tuổi nghỉ hưu, sẽ ảnh hưởng lớn đến các ngành này. Ông Cẩm chia sẻ thực tế là lao động nữ trong ngành dệt may chỉ làm tới năm 45-50 tuổi là mất sức và muốn nghỉ việc. Trong khi đó, hiện nay Việt Nam vẫn đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng, tới năm 2035 mới kết thúc thời kỳ này và bắt đầu già hoá dân số.
Vì vậy ông đề nghị thời điểm tăng tuổi nghỉ hưu là khi Việt Nam gần kết thúc thời kỳ cơ cấu dân số vàng và trở thành nước công nghiệp, đồng thời các cơ quan nhà nước thu hẹp quy mô ở khu vực hành chính sự nghiệp, tinh giản bộ máy đến mức hợp lý. Khi đó, khu vực hành chính sự nghiệp có thể tăng tuổi hưu trước, khu vực sản xuất có độ trễ và tăng sau.
“Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng tăng hay không phụ thuộc nhiều vào trình độ kinh tế - xã hội của đất nước, chứ không chỉ phụ thuộc tuổi thọ trung bình hay một số vấn đề như thu chi BHXH”, ông Cẩm nêu quan điểm.
Bà Đỗ Thị Thuý Hương - Hiệp hội DN điện tử Việt Nam cũng đồng tình với ý kiến chưa vội tăng tuổi nghỉ hưu. Hiện điện tử cũng là ngành có số lao động thuộc nhóm đông nhất cả nước với khoảng 10 triệu lao động làm việc trực tiếp, lao động cũng khá vất vả, mất sức do phải làm trong môi trường tương đối độc hại. Vì vậy bà đề nghị nên giữ nguyên quy định như hiện nay, còn trường hợp đặc biệt Chính phủ quy định riêng. “Với các lao động trong khối sản xuất, tuổi nghỉ hưu nên tăng từ từ”, bà Hương đề nghị.
Hiểu đúng để thực hiện đúng
Mặc dù không phủ nhận những phản ánh từ các hiệp hội ngành hàng là sát thực tế và phù hợp với bối cảnh thị trường cũng như chất lượng lao động, cơ quan soạn thảo cho biết khi đề xuất chính sách đã tính toán lộ trình áp dụng tương đối chậm rãi để thị trường lao động kịp thích nghi.
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng khẳng định, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là hợp lý, vì thực tế vẫn có 42% người lao động sau nghỉ hưu tham gia vào thị trường lao động. Điều này một phần là vì họ vẫn có đủ sức khoẻ để cống hiến cho xã hội. Bên cạnh đó, lương hưu của đa số lao động hiện rất thấp, chỉ trên 3 triệu đồng/tháng. Vì vậy nếu như kéo dài thêm thời gian làm việc thì cũng là kéo dài thêm thời gian tích lũy quỹ hưu trí để lao động được hưởng tiền lương hưu cao hơn.
Ông Lợi cũng lưu ý, chúng ta đã kết thúc thời kỳ dân số vàng từ năm 2011, hiện đã chuyển sang giai đoạn già hóa dân số. Vì vậy chúng ta càng không thể đủng đỉnh với kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu. Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng quả quyết, mục tiêu điều chỉnh tuổi nghỉ hưu dựa trên tầm nhìn dài, song phải tính toán và hành động ngay từ bây giờ. Việt Nam hiện có khoảng 7% số người từ 60 tuổi trở lên. Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam được xếp vào nhóm những nước nhanh nhất thế giới.
Chia sẻ với lo ngại của các hiệp hội, DN và cả người lao động, ông Dung giải thích thêm rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu đã được tính toán và có lộ trình cụ thể. Bên cạnh đó, tuổi nghỉ hưu tăng lên chỉ áp dụng trong điều kiện lao động bình thường, sức khỏe bình thường. Còn trong trường hợp suy giảm sức khỏe, lao động trong điều kiện đặc biệt như nặng nhọc, độc hại nặng nhọc… thì người lao động có quyền được nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi, thậm chí có những người nghỉ hưu ở tuổi 50. Người lao động có quyền được nghỉ hưu sớm, hoặc chọn đến đủ năm đóng đủ thời gian bảo hiểm (20-25 năm).
Điều đó có nghĩa, không phải áp dụng chính sách nâng tuổi nghỉ hưu thì ai cũng phải tăng thời gian làm việc; không “bắt cứng” người lao động cứ phải đủ tuổi và đủ năm đóng bảo hiểm thì mới được nghỉ hưu. Theo ông Bùi Sỹ Lợi, vấn đề này cần được tuyên truyền cho người lao động và các DN hiểu rõ và đồng thuận để cùng nhau thực hiện. Ngoài ra, kèm theo quy định điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, cơ quan soạn thảo sẽ có các danh mục ngành nghề, lĩnh vực nào được giảm tuổi nghỉ hưu, để người lao động thấy được mình có thuộc diện đó hay không.
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng khẳng định, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu là hợp lý, vì thực tế vẫn có 42% người lao động sau nghỉ hưu tham gia vào thị trường lao động. Điều này một phần là vì họ vẫn có đủ sức khoẻ để cống hiến cho xã hội. Bên cạnh đó, lương hưu của đa số lao động hiện rất thấp, chỉ trên 3 triệu đồng/tháng. Vì vậy nếu như kéo dài thêm thời gian làm việc thì cũng là kéo dài thêm thời gian tích lũy quỹ hưu trí để lao động được hưởng tiền lương hưu cao hơn. |