11 thay đổi đối với người lao động, nghỉ hưu từ 1/7/2019
1. Tăng lương cơ sở
Từ 1/7/2019, điều chỉnh lương cơ sở từ 1.390.000 đồng lên 1.490.000 đồng.
Đối tượng được điều chỉnh là cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở: Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cấp huyện, cấp xã, ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.
2. Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng
Từ ngày 1/7/2019, tăng thêm 7,19% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 6/2019.
Mức tăng trên áp dụng đối với 8 nhóm đối tượng:
- Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức, người lao động, quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng.
- Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.
- Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP , Nghị định 121/2003/NĐ-CP và Nghị định 09/1998/NĐ-CP đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng.
- Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 142/2008/QĐ-TTg và Quyết định 38/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng.
- Công an nhân dân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 53/2010/QĐ-TTg ngày 20/8/2010.
- Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 91/2000/QĐ-TTg , Quyết định 613/QĐ-TTg ngày 6/5/2010; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng.
- Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 130/CP ngày 20/6/1975 và Quyết định 111-HĐBT ngày 13/10/1981.
- Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg .
3. Tăng lương, phụ cấp hiện hưởng
Mức lương thực hiện từ 1/7 = 1.490.000 x Hệ số lương hiện hưởng.
Đối với khoản phụ cấp tính theo mức lương cơ sở: Mức phụ cấp thực hiện từ 1/7 = 1.490.000 x Hệ số phụ cấp hiện hưởng.
Đối với phụ cấp tính theo % mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có): Mức phụ cấp = {(1.490.000 x Hệ số lương hiện hưởng) + (Mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo + Phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có))} x Tỷ lệ % phụ cấp được hưởng theo quy định.
Đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng lương, phụ cấp theo lương cơ sở.
4. Bảng lương cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước từ 1/7
(Chi tiết Bảng lương cán bộ, công chức)
5. Tăng trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi
Số tiền trợ cấp 1 lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi là 2.980.000 đồng (2 lần mức lương cơ sở) cho mỗi con (tăng 200.000 đồng cho mỗi con so với hiện hành).
Đối tượng được hưởng bao gồm:
- Lao động nữ sinh con đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh.
Người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng trợ cấp một lần nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm nhận con và người mang thai hộ không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc không đủ điểu kiện.
- Lao động nữ sinh con đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền và đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh.
- Lao động nam đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con có vợ không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Người chồng có vợ nhờ mang thai hộ đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm nhận con được hưởng trợ cấp nếu cả vợ và người mang thai hộ không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc không đủ điều kiện.
- Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi nhận nuôi.
6. Tăng tiền hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc
Kể từ ngày 1/7/2019, số tiền hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ đồng loạt tăng.
- Người lao động nhận tiền dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 447.000 đồng (mức hiện hành là 417.000 đồng).
- Trợ cấp một lần với lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi bằng 2.980.000 đồng/1 con (mức hiện hành là 2.780.000 đồng/1 con);
Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 2.980.000 đồng cho mỗi con.
- Chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản được hưởng một ngày bằng 447.000 đồng (mức cũ là 417.000 đồng).
- Trợ cấp một lần với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30%:
Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 7.450.000 đồng (mức hiện hành là 6.950.000 đồng), sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 745.000 đồng.
- Trợ cấp hằng tháng với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên:
Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 447.000 đồng (mức hiện hành là 417.000 đồng), sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 29.800 đồng.
- Trợ cấp phục vụ với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần bằng 1.490.000 đồng (mức hiện hành 1.390.000 đồng).
- Trợ cấp một lần khi chết do tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp:
Người lao động đang làm việc bị chết do nạn lao động - bệnh nghề nghiệp hoặc bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do nạn lao động - bệnh nghề nghiệp thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 53.640.000 đồng (mức hiện hành là 50.040.000 đồng).
- Trợ cấp mai táng bằng 14.900.000 đồng (mức hiện hành là 13.900.000 đồng).
- Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 745.000 đồng, trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 1.043.000 đồng.
7. Thay đổi về số tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc
Kể từ ngày 1/7/2019 thì số tiền đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội bắt buộc của một số đối tượng sau cũng có sự thay đổi đáng kể sau đây:
Số tiền đóng bảo hiểm y tế:
- Đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã: 4.5% * 1.490.000 = 67.050 đồng/tháng (tăng 4.500 đồng/tháng).
- Số tiền đóng bảo hiểm y tế theo hộ gia đình:
+ Người thứ nhất: 4.5% x 1.490.000 = 67.050 đồng/tháng (tăng 4.500 đồng/tháng).
+ Người thứ hai: 70% x 67.050 = 46.935 đồng/tháng (tăng 3.150 đồng/tháng).
+ Người thứ ba: 60% x 67.050 = 40.230 đồng/tháng (tăng 2.700 đồng/tháng).
+ Người thứ tư: 50% x 67.050 = 33.525 đồng/tháng (tăng 2.250 đồng/tháng).
+ Từ người thứ năm trở đi: 40% x 67.050 = 26.820 đồng/tháng (tăng 1.800 đồng/tháng).
Số tiền đóng bảo hiểm xã hội:
- Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất:
8% x 1.490.000 = 119.200 đồng/tháng (tăng 8.000 đồng/tháng).
- Số tiền tối đa đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động, người hưởng tiền lương do Nhà nước quy định.
Khoản 3 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định tiền lương tháng tối đa để tính đóng bảo hiểm xã hội là:
1.490.000 x 20 = 29.800.000 đồng
Như vậy, số tiền tối đa đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động theo quy định nêu trên là: 1.490.000 x 20 x 8% = 2.384.000 đồng/tháng (tăng 60.000 đồng).
8. Tăng số tiền cần đóng nếu tham gia bảo hiểm y tế theo Hộ gia đình
Từ ngày 1/1/2019 đến hết 30/6/2019 (theo mức lương cơ sở 1.390.000 đồng//tháng):
+ Người thứ nhất: 62.550 đồng/tháng
+ Người thứ 2: 43.785 đồng/tháng
+ Người thứ 3: 37.530 đồng/tháng
+ Người thứ 4: 31.275 đồng/tháng
+ Từ người thứ 5 trở đi: 25.020 đồng/tháng.
- Từ ngày 1/7/2019 trở đi (theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng):
+ Người thứ nhất: 67.050 đồng/tháng
+ Người thứ 2: 46.935 đồng/tháng
+ Người thứ 3: 40.230 đồng/tháng
+ Người thứ 4: 33.525 đồng/tháng
+ Từ người thứ 5 trở đi: 26.820 đồng/tháng.
9. Tuyển dụng và nâng ngạch công chức
Việc tuyển dụng và thi nâng ngạch công chức sẽ được thực hiện theo Quy chế mới kể từ ngày 1/7/2019.
Bỏ quy định về tuyển dụng không qua thi tuyển đối với: Người tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước; Người tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài.
Đối tượng áp dụng là công chức (không áp dụng với công chức cấp xã).
10. Thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức
Xác định người trúng tuyển khi thi thăng hạng chức danh: Làm đủ các bài thi, trừ môn được miễn thi; Có số điểm của mỗi bài thi đạt từ 50/100 điểm trở lên mỗi bài thi (hiện hành là 55/100 điểm mỗi bài thi trở lên).
Đối tượng áp dụng là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
11. Chế độ hợp đồng lao động (Hợp đồng 68) trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập
Cá nhân đang ký hợp đồng lao động và áp dụng bảng lương theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP thì: Chuyển sang ký hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 3 Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018; Mức lương trong hợp đồng mới không thấp hơn mức lương hiện hưởng.
Đối tượng áo dụng là người lao động làm những công việc sau tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập: Sửa chữa, bảo trì đối với hệ thống cấp điện, cấp, thoát nước ở công sở, xe ô tô và các máy móc, thiết bị khác đang được sử dụng trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp; Lái xe; Bảo vệ; Vệ sinh; Trông giữ phương tiện đi lại của cán bộ, công chức và khách đến làm việc với cơ quan, đơn vị sự nghiệp; Công việc thừa hành, phục vụ khác có yêu cầu trình độ đào tạo từ trung cấp trở xuống.