Tăng vốn và khả năng sử dụng
Tăng vốn ngân hàng đạt lợi ích kép | |
Tài sản của hệ thống TCTD vượt ngưỡng 10 triệu tỷ đồng | |
VPBank sẽ bàn phương án tăng vốn điều lệ |
Thị trường đang chứng kiến những con số “khủng” khi nhìn vào mục tiêu tăng vốn điều lệ của các NH đặt ra trong năm 2018. VPBank là một trong những nhà băng đặt mục tiêu tăng vốn khá mạnh, thêm 77% từ 12.000 tỷ đồng lên 27.000 tỷ đồng qua 5 đợt phát hành cổ phiếu ngay trong năm 2018. 46% là tỷ lệ dự kiến tăng của TPBank, lên mức 8.566 tỷ đồng. BIDV đặt mục tiêu tăng vốn từ mức 34.187 tỷ đồng lên 43.638 tỷ đồng, tương đương mức tăng 28%. MB cũng trình lên cổ đông việc tăng vốn từ hơn 18.000 tỷ đồng lên 21.600 tỷ đồng (tăng 19%). HDBank dự định tăng từ 9.810 tỷ đồng lên 11.972 tỷ đồng. SHB sẽ tăng 18,25% lên mức 13.240 tỷ đồng...
Nhiều NH lên kế hoạch bán vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài |
Với những NH có quy mô khiêm tốn hơn, mục tiêu này cũng không là ngoại lệ. ĐHCĐ của NCB vừa được diễn ra kỳ vọng tăng vốn thêm 2.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng, có sự tham gia của đối tác chiến lược nước ngoài. VietBank dự định tăng vốn thêm hơn 1.000 tỷ đồng... Vietcombank hiện đang có mức vốn điều lệ là 35.977 tỷ đồng. Đại diện Vietcombank cũng thông tin việc NHNN đã phê chuẩn phương án tăng vốn cấp 1 với quy mô tương đương 10% vốn điều lệ và sẽ triển khai trong năm nay thông qua phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài...
Theo quan sát của giới chuyên gia, điều kiện để NH tăng vốn trong năm nay khá thuận lợi khi chỉ số VN-Index đang có xu hướng tăng. Thêm nữa, các nhà băng cũng đang nỗ lực, cố gắng đẩy mạnh tăng vốn để đáp ứng với quy định đảm bảo hệ số CAR theo cách tính mới tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN, tiến dần tới các tiêu chuẩn của Basel II. Áp lực NH niêm yết trên sàn chứng khoán cũng là một trong những nguyên do tác động tới mục tiêu tăng vốn của NH. Phần nhiều NH hướng tới sự tham dự của nhiều cổ đông nước ngoài, hay một số quỹ đầu tư ngoại, cho dù không vào với tư cách cổ đông chiến lược, song Việt Nam đang ở trong tầm ngắm cao của các quỹ này.
Khi một DN muốn tăng vốn điều lệ thường sẽ thông qua thị trường chứng khoán hoặc bán cổ phiếu riêng lẻ. Cả hai hình thức này hiện đều khá thuận lợi bởi dòng vốn từ nước ngoài cũng như dòng vốn trong nước đổ nhiều vào thị trường chứng khoán, đặc biệt với nhóm cổ phiếu NH. Đơn cử như trường hợp SHB. NH này đã phát hành thành công hơn 83,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, giúp NH tăng thêm vốn điều lệ gần 900 tỷ đồng từ mức 11.197 tỷ đồng lên 12.036 tỷ đồng.
Chủ tịch HĐQT SHB ông Đỗ Quang Hiển chia sẻ với phóng viên: “NH nào cũng quan tâm tới việc nâng cao năng lực tài chính, hệ số CAR, SHB cũng vậy. Song việc tăng vốn cũng cần cân nhắc đến kế hoạch sử dụng vốn của NH cũng như đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư khi cổ phiếu được phát hành thêm ra thị trường có thể làm ảnh hưởng hoặc làm phân tán giá trị của cổ phiếu”.
Ông Hiển cũng cho biết, nếu thị trường thuận lợi cho lợi ích của cổ đông và của NH, SHB sẽ cân nhắc việc xin ý kiến cổ đông để phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Hay như tại VPBank, dự kiến tăng vốn chia thành các đợt gồm: chia cổ tức bằng cổ phiếu, cổ phiếu thưởng, phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên (ESOP), phát hành cổ phiếu riêng lẻ kêu gọi vốn đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Lợi ích của việc tăng vốn nhằm nâng cao năng lực tài chính, mở rộng tín dụng, tăng năng lực cạnh tranh... thì đã rõ. Song chuyên gia cũng lưu ý rằng, các NH phải rất thận trọng nếu có kế hoạch tăng vốn quá mạnh.
Vị này cho rằng “vốn càng nhiều thì quy mô hoạt động càng rộng, vấn đề tuân thủ quy định của Basel II càng được hỗ trợ. Nhưng quá nhiều vốn chưa hẳn đã là tốt nhất, quan trọng là việc nguồn vốn đó được sử dụng một cách hiệu quả ra sao. Giả sử như nếu chỉ số CAR lên tới 15-16% thì chứng tỏ NH không sử dụng được nguồn vốn chủ sở hữu hiệu quả. Tăng vốn quá nhiều mà hoạt động không hiệu quả, lợi nhuận không tăng tương xứng, cổ đông không được chia cổ tức hợp lý sẽ khiến cổ đông bất mãn”.
Nói thêm về trường hợp một số NH chưa có kế hoạch tăng vốn năm nay, một chuyên gia chia sẻ: Mỗi nhà băng sẽ có những tính toán của riêng mình để phù hợp nhất với điều kiện hiện có. Vấn đề quan trọng là NH phải có một kế hoạch dài hạn, như vậy thì mới có thể định lượng được nguồn vốn của mình có đủ không? cần tăng khoảng bao nhiêu? Bởi vốn có thể bị xói mòn vì nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro và phụ thuộc cả vào kế hoạch kinh doanh của mỗi NH.
Do đó cần phân tích được các điểm mạnh, điểm yếu thì NH mới đưa ra được kế hoạch sát với thực tế. Thiếu vốn thì tăng và nếu tăng thì sẽ sử dụng như thế nào, chứ không phải cứ nói tăng là tăng. Tăng vốn không phải chuyện đơn giản, vì tăng vốn đồng nghĩa kéo theo với tăng về quy mô, nhân lực... đi cùng là trách nhiệm với cổ đông, với đối tượng phục vụ và với cả hệ thống.