Tài sản của hệ thống TCTD vượt ngưỡng 10 triệu tỷ đồng
Ảnh minh họa |
Dẫn đầu về tài sản là khối NHTM Nhà nước với 4.570.097 tỷ đồng (tăng 18,34%); kế đến là khối Ngân hàng TMCP với 4.208.497 tỷ đồng (tăng 17,69%); xếp thứ ba là khối Ngân hàng liên doanh – nước ngoài với 954.165 tỷ đồng (tăng 15,19%).
Song tốc độ tăng trưởng nhanh nhất lại thuộc về khối Công ty tài chính – cho thuê khi trong năm 2017, tổng tài sản của khối này tăng 24,07% lên 141.899 tỷ đồng. Đứng thứ hai về tốc độ tăng trưởng là khối NHTM Nhà nước, thứ ba là khối Ngân hàng TMCP.
Trong năm qua, vốn tự có của hệ thống TCTD cũng tăng 11,64% lên 714.106 tỷ đồng. Theo đó, ngoại trừ vốn tự có của Ngân hàng Hợp tác xã giảm nhẹ 1,65% xuống còn 3.633 tỷ đồng, vốn tự có của tất cả các khối còn lại đều tăng.
Trong đó, vốn tự có của khối Ngân hàng TMCP tăng mạnh nhất và hiện cũng là khối có vốn tự có lớn nhất, tăng 14,35% lên 290.626 tỷ đồng; đứng thứ 2 về tốc độ tăng và cả quy mô vốn tự có là khối NHTM Nhà nước, tăng 10,96% lên 254.655 tỷ đồng. Trong khi vốn tự có của khối Ngân hàng liên doanh, nước ngoài tăng 8,31% lên 141.938 tỷ đồng, xếp thứ 3 về quy mô vốn tự có, song chỉ xếp thứ tư về tốc độ tăng.
Vốn điều lệ của hệ thống cũng tăng 4,91% trong năm qua lên 512.429 tỷ đồng. Trong đó, khối Ngân hàng TMCP có quy mô vốn điều lệ lớn nhất, với 214.791 tỷ đồng, tăng 6,94% so với cuối năm 2016. Đứng thứ 2 là khối NHTM Nhà nước với 147.771 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ tăng 0,84% so với cuối năm 2016. Xếp thứ 3 về quy mô vốn điều lệ là khối Ngân hàng liên doanh – nước ngoài với 109.656 tỷ đồng, tăng 5,33%.
Nhìn chung các chỉ số an toàn trong hoạt động của toàn hệ thống vẫn được duy trì khá tích cực. Cụ thể, tính đến cuối năm 2017 tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của toàn hệ thống ở mức 12,23%, cao hơn nhiều so với quy định của NHNN. Trong khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn chỉ ở mức 30,65%, thấp hơn so với yêu cầu.