Thách thức mới đi cùng cơ hội lớn
Năm 2017: Cơ hội và thách thức đan xen | |
Cơ hội cho xuất khẩu | |
Cơ hội ngang bằng cho doanh nghiệp |
Bốn giờ sáng một ngày mùa Đông se lạnh, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) xách chiếc cặp đựng ít tài liệu và bộ quần áo, lên xe thẳng tiến về khu nghỉ dưỡng bên bờ biển Sầm Sơn (Thanh Hóa). Gần chín giờ cùng ngày, ông ngay ngắn ngồi ở vị trí chủ tọa của buổi tọa đàm quan trọng, nơi nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu và đại diện nhiều doanh nghiệp lớn cùng nhau mổ xẻ hiện trạng kinh tế để tìm cơ hội kinh doanh.
Ảnh minh họa |
Không khí buổi tọa đàm khá trầm lắng, như thể sương sớm còn chưa tan trên mặt biển. Bức tranh kinh tế theo lời đề dẫn của ông Thành cũng vậy, như bầu trời chưa kịp hừng nắng ấm. Đó là lúc Hội nghị cấp cao APEC 2016 diễn ra tại Peru vẫn còn dư âm, truyền lại những quan ngại về sự bất định của kinh tế thế giới, những phỏng đoán khác nhau về “thời” ông Donal Trump nắm quyền; vấn đề khó khăn của một số nước lớn… “Chưa bao giờ bức tranh kinh tế u ám như bây giờ”, ông Thành nêu cảm nhận.
Các tranh luận gần đây về phát triển đang xoay quanh bốn thách thức mới, đó là vấn đề tăng trưởng bền vững, sáng tạo; quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; DNNVV trong kỷ nguyên số, gắn với Cách mạng Công nghiệp lần 4; và ngành nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Trong khi đó đối chiếu vào Việt Nam, chúng ta vẫn đang đi vào xử lý các vấn đề tồn tại từ lâu, như giá trị gia tăng thấp, tiến trình tái cơ cấu diễn ra chậm chạp, cân đối lớn chưa thực sự ổn định bền vững, đặc biệt liên quan đến ngân sách và nợ công...
Tuy nhiên, với nhiều năm làm công tác nghiên cứu và dự báo, từng ở vị trí Viện trưởng CIEM, thành viên Tổ chuyên gia tư vấn cải cách kinh tế và cải cách hành chính của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông Lê Đăng Doanh lại cho rằng, năm 2016 Việt Nam đã có một bước ngoặt quan trọng, có thể làm tiền đề để đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn. “Chưa có Chính phủ mới nào khó khăn như Chính phủ nhiệm kỳ này, hết Formosa đến lũ lụt… Thách thức rất lớn nhưng mừng là Chính phủ đưa ra nhiều quyết sách quan trọng”, ông Doanh lưu ý.
“Có lúc chúng ta đã tính đến tăng khai khoáng, xuất khẩu, lại có lúc bàn chuyện mở rộng đầu tư để phát triển kinh tế”, một chuyên gia lưu ý thêm. Điểm mang tính bước ngoặt đối với tăng trưởng của nền kinh tế nhìn rõ hơn cả ở giai đoạn nửa cuối năm. Sau cuộc họp cuối tháng Sáu, Chính phủ nhận thấy cần phải đẩy nhanh đầu tư công, lúc đó đang ở mức khá thấp so với kế hoạch. Chính vì thế, ngày 8/7, Chính phủ ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP chỉ đạo về vấn đề này. Mặc dù đầu tư vốn tác động không nhanh và lập tức đến tăng trưởng, nhưng để lại dư địa lớn cho giai đoạn sau.
Chính vì vậy, năm 2016, nếu nhìn nhận tăng trưởng GDP ở mức 6,21% là một “thất bại” cũng không sai, vì so với mục tiêu 6,7% thì kết quả đạt được nêu trên còn cách khá xa. Tuy nhiên, những chuyển động trên thực tế lại cho thấy một độ trễ về tăng trưởng chứ không hẳn là sự “hụt hơi” của nền kinh tế.
Lần đầu tiên trong năm vừa qua, Việt Nam ghi nhận trên 110 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Nhiều chuyên gia khi bình luận về con số này đều tỏ ra lạc quan vì nó cho thấy ít nhiều rào cản kinh doanh đã được gỡ bỏ. Câu chuyện “trên bảo dưới không nghe”, chỉ đạo thông thoáng nhưng thực thi dựng tường chắn đã có dấu hiệu cho thấy sự thay đổi.
Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện cũng thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài. “Năm 2016, nếu có chỉ tiêu nào cao nhất thì phải nói là vốn FDI. Con số vốn thực hiện năm nay đạt gần 16 tỷ USD, tức tăng khoảng 1,5 tỷ USD so với năm 2015”, ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhìn nhận. Đồng thời năm 2016, lần đầu tiên Việt Nam đón trên 10 triệu lượt khách quốc tế, tăng tới hơn 2 triệu lượt so với năm ngoái, trong đó dòng khách đến dự hội thảo, tìm cơ hội đầu tư cũng tăng mạnh mẽ.
Sự háo hức phát triển sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp được đặt trên nền tảng vĩ mô đã được cải thiện về độ ổn định, với nhiều chỉ tiêu hoàn thành tích cực. Lạm phát được khống chế ở mức 4,74%; xuất khẩu trừ yếu tố giá vẫn tăng trên 10%, góp phần tạo xuất siêu. Cân đối về tài chính, về thương mại của nền kinh tế, thông qua các chỉ tiêu về xuất siêu và thu hút FDI ở trên, đều thể hiện nền tảng ổn định.
Đáng chú ý là tổng đầu tư toàn xã hội nới hơn năm trước, lên mức 33% GDP (năm 2015 ở mức 32,6% GDP). Trong khi thúc đẩy đầu tư như vậy, nhưng bội chi ngân sách vẫn được ở mức khoảng 4,3% GDP, thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội thông qua là 4,95%. Đồng hành với tài khóa, “chính sách tiền tệ được điều hành ổn định, giúp ổn định kinh tế vĩ mô”, theo phân tích của Tổng cục Thống kê.
Cảm nhận cơ hội từ sự ổn định vĩ mô, cũng như triển vọng kinh doanh, có tới 81,1% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và tốt lên trong quý I/2017, theo điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp chế biến do Tổng cục Thống kê tiến hành. Và như ông Võ Trí Thành lưu ý, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng được 9 bậc trong năm qua. Và “phông nền” cải cách, đổi mới đó mới là nền tảng vững nhất cho tăng trưởng những năm tới, không phải là con số ban đầu đạt được trong năm nay.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Thu, chi ngân sách cần khác đi Năm 2016, kỷ luật ngân sách thực hiện tương đối nghiêm hơn các năm trước. Tất nhiên nhìn vào con số, tỷ lệ bội chi so với GDP tăng lên thì có cảm giác kỷ luật ngân sách không đảm bảo. Nhưng nếu nhìn vào con số tuyệt đối ngân sách được duyệt từ cuối năm 2015 thì so với thực hiện không có thay đổi. Tỷ lệ so với GDP tăng lên thực tế là do GDP giảm, từ tính toán 5,1 triệu tỷ đồng mà xuống chỉ có 4,5 triệu tỷ đồng, chi ngân sách vẫn là 226 nghìn tỷ đồng thì tỷ lệ so với GDP khác đi. Nhưng thực sự, nếu chúng ta giảm bớt chi tiêu công và nhường cho xã hội thì chắc chắn tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn. Hiện nay, rủi ro tài khóa lớn nhất là nguồn thu. Chúng ta thu chủ yếu thông qua thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập DN và thuế tài nguyên. Trong đó, đáng chú ý là thuế xuất nhập khẩu giảm, trong khi thuế thu nhập cá nhân có xu hướng tăng và chiếm tỷ trọng tương đối lớn. Như vậy, chúng ta phải thay đổi cách ứng xử với các cá nhân nộp thuế, phải trân trọng người ta. Quay lại, thuế nếu cần phải khai hộ để người ta nộp thuế, chứ không phải là “bắt hành bắt tỏi”, khai thuế mất hơn 200 giờ/năm. Đó là cái cần thay đổi. Về chi, kỷ luật chi phải nghiêm và phải công khai chi. Nếu không, có thể lại sinh chuyện lobby (vận động hành lang - PV). Trước thì có thể lobby hàng năm, nay lobby 5 năm theo phân kế hoạch ngân sách thì đáng lo hơn nữa. Đồng thời, phân chia kế hoạch đầu tư công thì trong 5 năm nhiệm kỳ lãnh đạo phải đưa công trình đi vào hoạt động, vì rất ít công trình đầu tư quá 5 năm. Như vậy, bố trí vốn trong 5 năm đó, nếu dự án không đi vào hoạt động, không hiệu quả thì phải chịu trách nhiệm. Nhưng ngược lại, ngân sách phải cấp đủ vốn, chứ thiếu vốn thì dự án lại kéo dài, lại đội vốn. Vừa qua, nhiều dự án đội vốn gấp đôi bởi vì lạm phát mấy năm gần đây mới thấp, chứ trước kia khá cao... Nhìn rộng hơn vào kế hoạch và cơ cấu tổng đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn từ nay đến 2020 là khoảng 480 tỷ USD, ở đây phải chú ý là đầu tư Nhà nước trong đó vẫn phải giữ. Bởi vì đầu tư cho cơ sở hạ tầng thì phải là đầu tư từ nguồn vốn Nhà nước, đầu tư cho phát triển thì phải nguồn từ xã hội. Tách ra như thế thì chúng ta thấy rõ đầu tư Nhà nước sẽ không tính tới hệ số ICOR nữa, vì nó là hạ tầng, là hiệu quả dài hạn. Và phải giảm đầu tư Nhà nước vào các lĩnh vực phát triển kinh tế, không phải bảo lãnh cho Nhà máy Xi măng Cẩm Phả, hay đầu tư Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, Lọc Hóa dầu Nghi Sơn… Đó là thuộc khu vực nên để cho tư nhân làm. Đầu tư Nhà nước trong 4 năm tới cần khác đi, Nhà nước không “bon chen” đầu tư kể cả nhà máy điện. Cái quan trọng là Nhà nước phải quay vòng đầu tư cho y tế, giáo dục và hạ tầng. |
TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế: Cần nắm bắt xu thế mới Trong năm 2016, chúng ta có thể thấy một số dấu hiệu xu thế chung về toàn cầu hóa bắt đầu đảo ngược. Từ Brexit, nước Anh lấy phiếu để rời khỏi EU, đến các tuyên bố của Tổng thống được bầu Donal Trump về các chính sách hướng nội, trong đó đáng chú ý là nước Mỹ với vị thế dẫn dắt hội nhập toàn cầu. Chính vì thế ở thời điểm này, vấn đề đối với Việt Nam là phải nắm được xu thế toàn cầu, đó là nước lớn quay về chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ, đi ngược lại xu thế toàn cầu hóa, đi ngược lại xu thế hội nhập. Bởi chính sách của các nước này cũng sẽ theo hướng ấy. Như hiện nay, TPP đứng trước nhiều khả năng không thể được thực thi. Nếu chúng ta tự bằng lòng rằng không có TPP cũng chẳng sao, chúng ta tự đi lên… thì có thể con đường đi sẽ không dễ dàng. Bởi vì nhiều hướng đi chiến lược của chúng ta xây dựng dựa trên cơ sở TPP được triển khai. Và vì vậy, có thể chúng ta sẽ phải thiết kế lại hướng đi của mình. Tóm lại, năm 2017 điểm đáng chú ý thứ nhất của tình hình kinh tế thế giới là tính bất định rất cao, có thể nói là cao nhất từ trước đến nay. Điểm thứ hai, quan trọng đối với Việt Nam là phải phát hiện xu thế vận động của kinh tế thế giới trong năm tới. Phải xác định hội nhập sẽ đi đến đâu, chủ nghĩa dân tộc nổi lên như thế nào, thương mại toàn cầu sẽ ra sao trong bối cảnh mới? Riêng về thương mại toàn cầu, năm rồi có một đặc điểm quan trọng là thương mại đi xuống, đặc biệt liên quan đến giá, sau một thời kỳ chúng ta gọi là lạm phát toàn cầu thì từ tháng 4 vừa rồi giá chỉ có đi xuống, rất nhiều loại hàng hóa giá xuống thấp. Vậy Việt Nam tính thế nào, khi chúng ta phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu, hiện lên tới 150-160% GDP? Chưa kể, vấn đề giá ngoài liên quan đến thương mại còn liên quan đến nợ, mà chính sách thì phụ thuộc vào đó. Như vậy là bất định, là phải theo dõi. Vấn đề khác là các dòng tài chính, hội nhập giảm sẽ liên quan các dòng vốn không năng động như hiện nay, vì tài chính luôn dẫn dắt. Theo đó, dòng vốn có thể sẽ quay ngược trở lại các nước đầu tư. Fed tăng lãi suất và Donal Trump áp dụng chính sách hướng nội thì dòng vốn sẽ quay lại Mỹ. Như vậy là bức tranh tài chính sẽ thay đổi, kéo theo hàng loạt các vấn đề liên quan, ví dụ như là vay nợ nước ngoài, thu hút vốn FDI, rồi chính sách tỷ giá, chính sách lãi suất của Việt Nam… Theo tôi, trong năm 2017, nếu thế giới thay đổi thì sẽ là những thay đổi căn bản, tất cả những gì chúng ta từng mặc định là đúng từ trước đến nay thì năm 2017 có thể không còn như vậy. Trước là phân công lao động toàn cầu thì nay có thể các FDI chất lượng tốt không còn chuyển dịch, mà chỉ chuyển dịch những lĩnh vực mà trong nước họ không muốn làm… Chính vì thế, để tạo được lợi ích cho nền kinh tế trong năm tới, theo tôi chúng ta phải nắm được xu thế, rồi trên cơ sở đó thiết kế chính sách… |
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính - ngân hàng: Có lẽ đến lúc phải thay đổi thể chế kinh tế Trên nền tảng những thành tựu quan trọng trong năm 2016, chúng ta có được một số nền tảng để điều hành trong năm 2017, nhưng dư địa can thiệp chính sách, để ổn định trước các cú sốc trong một năm được dự báo còn nhiều bất định thì như thế nào? Năm 2017, khi ông Donal Trump lên nắm quyền Tổng thống Mỹ, với chính sách bảo hộ mậu dịch cực đoan, thu hẹp thị trường với bên ngoài trong đó có Việt Nam, thì có lẽ chúng ta phải tạo lợi thế cạnh tranh mạnh hơn cho hàng hóa Việt Nam. Mà một trong những lợi thế cạnh tranh đó là tỷ giá. Tôi nghĩ rằng năm 2017 sẽ có rất nhiều áp lực lên tỷ giá và giá VND phải được điều chỉnh cho phù hợp. Có thể là phải điều chỉnh ít nhất 3% cho năm 2017. Tại vì đồng nhân dân tệ trong năm 2016 đã mất giá 6% so với USD, còn VND mất giá có hơn 1%. Thành ra so với USD, là vì lạm phát mình cao còn lạm phát họ thấp, đáng lẽ mình phải điều chỉnh ít nhất 3% cho nó phù hợp với tương quan lạm phát. Còn hiện tại VND so với nhân dân tệ có khoảng cách chưa điều chỉnh gần 5%, trong khi khoảng cách với USD khoảng 3%, thì sản phẩm của Việt Nam tính ra kém lợi thế cạnh tranh. Tôi biết rằng ổn định là quan trọng, thế nhưng chúng ta giữ mức độ ổn định đến mức nào để vẫn giữ được khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới còn quan trọng hơn. Tôi chắc chắn rằng, nếu NHNN muốn giữ ổn định tỷ giá thì có thể làm được. Với dự trữ ngoại hối đã hơn 41 tỷ USD, với cơ chế tỷ giá trung tâm… thì NHNN làm được chuyện đó. Nhưng vấn đề đặt ra là NHNN có nên làm không? Có nên giữ ổn định tỷ giá một cách tuyệt đối hay không? Tôi nghĩ rằng tỷ giá VND so với USD mà ổn định trong năm tới sẽ gây ra nhiều bất lợi cho nền kinh tế, trong đó có xuất khẩu, có vấn đề người dân có tiền đổ vào USD, sẽ có hiện tượng đầu cơ vào USD, vào vàng gây bất lợi cho chủ trương chống đô la hóa và vàng hóa. Về lãi suất, nguồn cội không ở NHNN, ở chính sách tiền tệ mà ở chính sách tài khóa. Chính phủ muốn phát hành trái phiếu để trả nợ công, bù trừ bội chi ngân sách thì phải phát hành. Mà muốn phát hành để các thành phần kinh tế mua thì phải đẩy lãi suất lên. Khi lãi suất trái phiếu Chính phủ đã đẩy lên thì các NHTM không thể nào kéo lãi suất huy động xuống được. Sự lệ thuộc của chính sách tiền tệ vào chính sách tài khóa là cản trở, nếu nhìn ở góc độ lãi suất. Chính vì vậy về lãi suất, tôi nghĩ rằng năm tới ít nhất sẽ nằm ở mức hiện tại, tức là huy động 12 tháng khoảng 6%/năm, còn cho vay vào khoảng 9-11% cho tất cả các thời hạn. Nhưng trong khi nền kinh tế Việt Nam dựa nhiều vào tín dụng, lãi suất cao cản trở rất nhiều cho phát triển kinh tế. Thành ra, cần phải đi đến quyết tâm thay đổi thể chế kinh tế, bằng cách có lẽ phải cho thả nổi tỷ giá, lãi suất và cho phá sản NH. |
GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài: Còn cơ hội hút FDI, mở rộng thương mại Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong quá trình hội nhập. Chính vì vậy nói về năm 2017 có thể nhận thấy chúng ta sẽ đối mặt với thách thức, liên quan đến TPP khó có khả năng được triển khai. Tuy nhiên, cũng xin lưu ý là về thương mại, Việt Nam đã xuất khẩu khá nhiều, khoảng 75% GDP, nên mỗi năm tăng thêm 10% nữa là không dễ. Vì vậy, có thể cho rằng thực thi TPP thì sẽ khởi sắc hơn, nhưng nếu không có TPP thì chúng ta vẫn còn một số hiệp định thương mại tự do (FTA) khác. Đối với FTA Việt Nam và Hàn Quốc (VKFTA), trong đó Hàn Quốc nhượng bộ Việt Nam rất nhiều, bây giờ bắt đầu có hiệu lực và 95% mặt hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc có thuế suất 0%. Rồi FTA Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN-EAEU FTA) là một cơ hội vô cùng thuận lợi. Vừa rồi triển lãm hàng Việt Nam tại Nga “cháy” hàng. Ví dụ đồ gỗ người ta bán rất chạy và hiện đang tính thúc đẩy xuất khẩu nhóm sản phẩm này. Trong lúc Nga bị cấm vận như vậy thì nhu cầu các mặt hàng chúng ta có thể đáp ứng được. Trước đây có vướng mắc về thanh toán bằng USD, hiện nay 2 nước thỏa thuận với nhau thanh toán bằng nội tệ và như vậy gỡ được một nút thắt để thúc đẩy xuất khẩu sang Nga. Với FTA giữa Việt Nam và EU (EVFTA), so với một số nước đã ký với EU thì EU nhượng bộ nhiều cho Việt Nam. Chỉ nhìn vào 3 FTA đó, tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể tăng trưởng thương mại. Riêng với Mỹ, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ năm nay khoảng 35-36 tỷ USD. Và mặc dù TPP không được triển khai nhưng tôi hy vọng vẫn có thể tăng kim ngạch. Về đầu tư, Mỹ đầu tư vào Việt Nam khoảng 10 tỷ USD trong số 300 tỷ USD vốn đăng ký cho đến nay, có nghĩa là chỉ khoảng 3%. Cho nên, vấn đề thu hút đầu tư của Mỹ không phải là TPP, mà là cố gắng của hai bên xử lý vấn đề của từng bên một. Ví dụ Việt Nam không đáp ứng được vấn đề mà Mỹ hay nói đến, một là sở hữu trí tuệ đối với các tập đoàn lớn như Microsoft, Intel…; hai là tham nhũng, thì không hy vọng họ có thể đầu tư nhiều vào Việt Nam. Còn về phía Mỹ, nhà đầu tư cũng thấy cơ hội ở Việt Nam, nếu họ không đầu tư thì Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ chiếm lấy cơ hội. Nên vấn đề chính là hai bên chứ không phải có hay không có TPP. Về triển vọng đầu tư nước ngoài năm 2017, tôi khẳng định cơ hội rất lớn nhờ hai điểm. Một là ở trong nước cải cách rất mạnh. Hai là trong quan hệ với đối tác có các hiệp định mới hậu thuẫn; với Cộng đồng Kinh tế ASEAN 650 triệu dân, GDP 2.500 tỷ USD, một thị trường rất rộng, đầu tư vào đây có nghĩa là vào ASEAN. Như vậy, tôi cho rằng tăng trưởng thêm 10-15% một năm vốn thực hiện là trong tầm tay. |