Năm 2017: Cơ hội và thách thức đan xen
Chứng khoán chiều 21/12: Giao dịch thỏa thuận tăng vọt | |
Chủ tịch CDO: Tin đồn xấu làm cổ phiếu giảm sàn |
Dù đối mặt với áp lực bán tăng cao khi tiếp cận vùng kháng cự gần 663-665 điểm, nhưng nhờ lực cầu vững vàng ở các cổ phiếu trụ cột đã giúp VN-Index giữ được mức tăng hơn 4 điểm khi kết phiên.
Tuy vậy, đà tăng cũng chưa thực sự mang lại yên tâm khi thanh khoản vẫn đang tiếp tục thụt lùi cùng sự phân hóa diễn ra khá mạnh. Điều đó cho thấy tâm lý tích cực vẫn chưa thực sự lan tỏa, và nhiều khả năng chỉ có nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn sẽ tiếp tục đóng vai trò trụ cột nâng đỡ thị trường trong các phiên tới.
Giới phân tích tin rằng, thị trường vẫn dành cơ hội để nhà đầu tư tìm ra những “quả ngọt” |
Theo diễn biến thị trường, khối lượng khớp lệnh trên cả hai sàn đạt hơn 112 triệu, sụt giảm 9%, và giá trị giao dịch khớp lệnh đạt gần 2.140 tỷ đồng, chỉ tương đương so với phiên giao dịch ngày trước đó. Khối ngoại mua ròng trên HoSE với hơn 84 tỷ đồng (chưa loại bỏ giao dịch thỏa thuận), nhưng lại bán ròng hơn 11,5 tỷ đồng trên HNX.
Nói về cổ phiếu, phiên giao dịch mấy ngày gần đây chứng kiến màn trình diễn thất vọng của cả SAB và VNM. VNM đã giảm 3,3% dưới áp lực bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại. Theo đó, khối ngoại đã bán ròng khoảng 995.200 cổ phiếu VNM, tương đương với tổng giá trị 124,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, VNM không phải là “nạn nhân” duy nhất của khối ngoại trong những phiên gần đây, mà có đến 21/30 cổ phiếu có vốn hóa lớn trong rổ VN30 bị bán ròng, trị giá gần 215,2 tỷ đồng.
Theo giới phân tích, đối với trường hợp SAB, cổ phiếu này đã tăng trở lại 3.600 đồng/CP sau chuỗi ngày liên tục chịu áp lực bán mạnh. Trong ngày giao dịch 20/12, SAB giảm sàn xuống còn 197.200 đồng. Sự giảm giá của SAB có thể đến từ áp lực chốt lời của nhà đầu tư sau diễn biến tăng mạnh gần đây của cổ phiếu này (tăng gấp đôi từ 110.000 đồng lên 225.000 đồng).
Tuy nhiên, lực đối ứng từ khối ngoại đối với SAB trong phiên ngày 20/12 diễn ra khá tốt khi khối này mua ròng khoảng 159.380 cổ phiếu, tương đương với 32,5 tỷ đồng. Vì vậy, đến ngày 21/12, giá cổ phiếu SAB đã tăng trở lại, chốt ở giá 200,8 đồng/CP.
Trong những cổ phiếu được giới đầu tư đánh giá cao trong hai ngày hôm nay có sự xuất hiện của QNS (CTCP Đường Quảng Ngãi) - một cổ phiếu ngành đồ uống. Ngay trong ngày đầu niêm yết, cổ phiếu này đã đóng cửa tại giá trần (120.000 đồng/CP), QNS hiện đang có mức vốn hóa khoảng 21.000 tỷ đồng, đứng thứ 3 trên sàn UPCoM (chỉ sau ACV và BHN). QNS hiện đang là công ty mẹ của Vinasoy (nắm giữ 84% thị phần sữa đậu nành bao bì giấy tại Việt Nam), và sở hữu danh mục các sản phẩm đa dạng khác gồm đường, bia, bánh kẹo…
Tựu trung lại, giới phân tích nhận thấy áp lực bán trên thị trường là có và diễn ra ở hầu hết các nhóm cổ phiếu, đặc biệt là nhóm vốn hóa lớn. Tuy nhiên, điểm đáng ghi nhận là tâm lý bất ổn của nhà đầu tư vẫn chưa xuất hiện. Từ điều này, có thể thấy, tuy đối mặt với nhiều yếu tố bất định ảnh hưởng đến nền kinh tế, hoạt động kinh doanh các DN niêm yết và tâm lý nhà đầu tư, TTCK năm 2016 vẫn được dự đoán sẽ khép lại với mức tăng trưởng khá so với nhiều năm qua.
Chỉ còn vài ngày nữa sẽ bước sang năm 2017. Lúc này, có khá nhiều ý kiến đánh giá điểm tích cực và tiêu cực của nền kinh tế trong năm mới. Song, giới phân tích nhấn mạnh rằng, biến động khó dự báo của dòng vốn trên thị trường cộng với khả năng tăng trưởng của nền kinh tế cũng như lợi nhuận các công ty niêm yết trước các bất ổn từ bên ngoài sẽ tiếp tục chi phối diễn biến của thị trường. Có điều, chặng đường phía trước tuy không bằng phẳng nhưng làn sóng IPO và niêm yết mới sẽ đem lại cho thị trường một phong vị mới.
Do đó, giới phân tích tin rằng, thị trường vẫn dành cơ hội để nhà đầu tư tìm ra những “quả ngọt”. Như trong báo cáo của CTCK Rồng Việt, năm 2017 có 4 điểm mà nhà đầu tư cần quan tâm, đó là: những ngành hướng đến nhu cầu tiêu dùng nội địa và phục vụ hoạt động sản xuất trong nước; Các nhóm ngành có vai trò trực tiếp trong việc tạo ra tăng trưởng kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư; Những DN đang gặp bất lợi trong hoạt động kinh doanh nhưng có sẵn nền tảng tốt để bứt phá khi thị trường thuận lợi; Cơ hội từ những thương vụ IPO, niêm yết mới và thoái vốn DNNN trên TTCK.
Còn đối với tình hình kinh tế thế giới, đà tăng trên thị trường chứng khoán Mỹ giai đoạn hậu bầu cử Tổng thống dường như “chưa có điểm dừng”, ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Theo đó, nhà đầu tư cần phải lo lắng về 2 vấn đề chính sau đây trong năm 2017: Rủi ro thiểu phát và đà tăng mạnh của đồng USD.
Nói một cách đơn giản, đà tăng giá của đồng USD là phản ứng thị trường lớn nhất đối với quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ tháng 12 năm ngoái của Fed hồi tuần trước. Ngoài ra, các nhà làm chính sách cũng đã cập nhật những dự báo kinh tế của họ để ngụ ý rằng, có thể sẽ có 3 đợt tăng nữa trong năm tới chứ không phải 2 như dự đoán của nhiều người.
Đồng thời, chỉ số đồng USD đã tăng 1,3% trong tuần qua, vượt xa khung giao dịch của đồng tiền này trong 2 năm qua để trở về các mức cao chưa từng thấy kể từ cuối năm 2002 đến nay. Qua đó, gia tăng áp lực mạnh mẽ lên các nền kinh tế mới nổi vì nhiều quốc gia trong số này đã tăng trưởng nhờ vào nguồn vay bằng USD rẻ khi Fed duy trì chính sách lãi suất zero trong giai đoạn 2008 – 2014. Giờ đây khi đồng USD mạnh lên, các món nợ ấy dĩ nhiên sẽ trở nên đắt hơn.