Thách thức trong bảo tồn mộc bản
Thách thức trước nạn trộm cắp
Điều dễ nhận thấy nhất hiện nay nơi các cơ sở di tích là vấn đề bảo vệ cổ vật. Ngay như chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng - Bắc Giang), năm 2003 cũng từng mất 6 pho tượng cổ. Cũng ở một số di tích khác tại Bắc Giang, như chùa Thổ Hà, chùa Bổ Đà… cũng từng bị mất cổ vật. Nhiều lần về thăm chùa Bổ Đà, di tích quốc gia đặc biệt.
Mộc bản Trường Lưu trở thành di sản ký ức thế giới |
Đại đức Tự Tục Vinh, trụ trì chùa Bổ Đà nhớ lại: “Lần thứ nhất vào đêm 16/1/2016, họ đột nhập vào lấy đi hai đôi lục bình cùng chiếc chóe. Sáng hôm sau, phát hiện mất đồ, nhà chùa đi tìm, thì thấy đôi lục bình bị bỏ lại ở mé ngoài. Trong khi công an huyện Việt Yên đang điều tra, thì đêm 13/2, chính đôi lục bình đó lại không cánh mà bay”.
Còn nhớ, cũng ngôi chùa này, vào năm 2009, kẻ trộm từng vào lấy đi sáu pho tượng. Sau đó, chùa đã đề nghị chính quyền cùng bảo vệ chùa nhưng công tác này vẫn chưa được tiến hành thường xuyên. Trao đổi với lãnh đạo cơ sở, được biết dù đã cố gắng nhưng vẫn chưa có cách khắc phục tình trạng mất cắp cổ vật một cách tuyệt đối. Đại đức Tự Tục Vinh than rằng, cứ thế này, e rằng, chỉ riêng người tu hành chúng tôi không thể bảo vệ được ngôi chùa.
Tại Hà Nội, chùa Nền, thuộc địa bàn phường Láng Thượng, quận Đống Đa cũng từng bị thất thoát bốn bức tượng Phật trong Tòa Cửu Long, một bát hương đồng chạm rồng, một văn bia từ thời kiến lập chùa Nền, bốn đạo sắc phong. Nguyên do của tình trạng này, chính là cả một lỗ hổng lớn, đúng như lý giải của giáo sư Trần Lâm Biền: Kẻ gian thì ngày càng hám lợi, tinh vi và bất chấp thì tại các địa phương, việc trông coi quản lý lại lỏng lẻo, nhiều nơi theo kiểu “cha chung không ai khóc”.
Và thời tiết
Chùa Vĩnh Nghiêm ở làng Đức La, còn được gọi là chùa Đức La, là một trung tâm Phật giáo lớn thuộc phái Thiền Trúc Lâm. Kho mộc bản (ván khắc) còn lưu giữ hiện nay (được san khắc tại đây), vẫn lưu giữ được 34 đầu sách với gần 3000 bản khắc. Đây là di sản tư liệu bằng chữ Hán và chữ Nôm, là nguồn tư liệu vô cùng quý giá cho việc nghiên cứu sự phát triển của ngôn ngữ Việt nói chung, của chữ Nôm nói riêng trong lịch sử.
Chữ Hán và chữ Nôm (một số rất ít bằng chữ Phạn) với nhiều phong cách, lối viết khác nhau, được khắc ngược trên hai mặt của đa số tấm ván (một số tấm chỉ được khắc trên một mặt). Phần lớn là thể chữ chân dễ đọc nên bản in ra giấy dó rất sắc nét.
Nội dung chính của kho mộc bản là các bộ kinh, sách, luật giới nhà Phật và trước tác của một số danh nhân, thiền sư đã sáng lập, chấn hưng, phát triển trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiêm trong nhiều thế kỷ và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển về văn hóa, xã hội của một giai đoạn lịch sử Việt Nam, như: Trần Nhân Tông, Pháp loa Đồng Kim Cương, Huyền quang Lý Đạo Tái, Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi… Kho mộc bản có tổng số 3.050 ván rời với 9 đầu sách: Tỳ khâu ni giới kinh (năm Tự Đức 34 - 1881), Giới luật kinh (năm Tự Đức 34 - 1881), Đại phương quảng Phật Hoa Nghiêm kinh (năm Tự Đức 37 - 1884), Kính tín lục (năm Tự Đức 39 - 1886), Yên Tử nhật trình (năm Bảo Đại 7 - 1932).
Cuối năm 2016, UBND tỉnh Bắc Giang đã tiến hành lập quy hoạch chùa Vĩnh Nghiêm, trong đó có việc xây dựng thêm một số công trình nhà trưng bày và bảo quản mộc bản. Đại diện Ban quản lý di tích cho biết, hiện nay các mộc bản đều được gắn chíp, hệ thống camera cũng đã được lắp đặt ở nhiều khu vực nhà chùa để bảo đảm an ninh, chống kẻ xấu xâm nhập lấy trộm cổ vật.
Thêm một niềm vui đối với các phật tử và Bắc Giang, là bộ mộc bản kinh phật của chùa Bổ Đà vừa được xác lập là bộ mộc bản Kinh Phật khắc trên gỗ thị cổ nhất thế giới. Theo Hòa thượng Tự Tục Vinh - trụ trì chùa Bổ Đà hiện nay, kho mộc bản Kinh Phật ở đây được khắc từ năm 1740 đời vua Lê Cảnh Hưng (số năm được khắc trên ván kinh), còn bản sách kinh cuối cùng được khắc năm nào thì chưa rõ. Trải qua gần ba thế kỷ, kho mộc bản Kinh Phật này vẫn còn khá nguyên vẹn cả về số lượng và hình hài.
Hơn 2000 ván kinh ở chùa Bổ Đà đều được khắc, chạm trên chất liệu gỗ thị. Các ván kinh hiện nay được xếp trên 10 giá gỗ (mỗi giá xếp gần 200 ván kinh, chia làm ba hàng), một số ván kinh lớn được xếp bên ngoài để khách tham quan dễ xem. Tuy nhiên, điều làm khách băn khoăn là những bản khắc này sẽ được bảo quản ra sao. Bởi những ván kinh quý giá vẫn được xếp đơn giản trên những kệ gỗ, không có gì che đậy.
Giải thích việc những ván kinh này không được để vào trong tủ và đóng lại, trụ trì Tự Tục Vinh bảo nếu làm tủ mà không đạt tiêu chuẩn như ở chùa Vĩnh Nghiêm thì sẽ bị mối mọt và chóng hỏng hơn nên nhà chùa vẫn để nguyên hiện trạng như vậy. Cũng theo nhà chùa, sắp tới để bảo vệ tốt hơn kho mộc bản, rất cần sự giúp sức của các cơ quan chức năng.
Cần chiến lược bảo tồn
Theo tìm hiểu, những kho tư liệu mộc bản mà đất nước ta có được, còn phải kể đến di sản mộc bản triều Nguyễn, mộc bản Trường Lưu (Hà Tĩnh). Tại Nghệ An, cũng có khoảng 600 - 700 tấm mộc bản, nhiều nhất là ở chùa Đức Sơn, xã Vân Diên, huyện Nam Đàn; chùa Thiện Đàn xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu và một số ít do các nhà sưu tầm lưu giữ.
Tại thư viện tỉnh, hiện đang lưu giữ 50 tấm mộc bản có giá trị với nội dung về “Trần Đại Vương chính kinh” và “Cứu sinh thuyền chính kinh”. Năm 2007, gia đình cụ Trần Hiêng ở xã Công Thành, huyện Yên Thành đã tặng hai bộ mộc bản này cho thư viện tỉnh.
Tuy thế, thách thức lớn nhất đối với các di tích là việc bảo tồn để những mộc bản này không bị cong vênh, mục nát. Mộc bản triều Nguyễn hiện đang được bảo quản tại kho lạnh của Trung tâm lưu trữ quốc gia 4, năm 2016 do nhiệt độ quá thấp đã làm ván gỗ bị cong vênh. Hiện tại, trung tâm đã tăng nhiệt độ trong kho lên cao hơn để tránh làm mộc bản xuống cấp thêm.
Tuy vậy, theo nhiều chuyên gia, điều này cũng chưa thực sự bảo đảm mộc bản sẽ không bị xuống cấp tiếp, và cần đưa ra phương án bảo quản mộc bản dựa trên chính hiện trạng của mộc bản ấy, như mộc bản đã in nhiều lần hay chưa; mộc bản có độ ẩm mốc như thế nào, chất liệu gỗ hiện tại của mộc bản ra sao. Từ đó, cần mời thêm các chuyên gia bảo tồn vào cuộc cùng nhà chùa, cơ quan chức năng có chiến lược bảo tồn, gìn giữ những di sản có giá trị lâu bền cho đời sau.