Tham vọng của các 'ông lớn' thời trang ngoại
Cơ hội mới để thời trang Việt thăng hoa | |
Thời trang cũng cần bền vững |
Tiếp nối Zara, H&M... thương hiệu thời trang quốc tế Nhật là Uniqlo khẳng định sẽ vào Việt Nam. Và mới đây, thông tin Uniqlo mua 35% cổ phần Elise, cho thấy tuyên bố của Uniqlo khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP.Hồ Chí Minh vào năm 2019 và mở thêm nhiều chi nhánh là hoàn toàn có cơ sở.
Uniqlo đang muốn thâm nhập sâu vào thị trường Việt Nam |
Trước đó, Tập đoàn Stripe International đến từ Nhật Bản cũng quyết định mua lại NEM để mở rộng các hoạt động kinh doanh dài hạn ở Việt Nam nói riêng và khối ASEAN nói chung. Hai hãng thời trang Nhật đã quyết định trở thành cổ đông chiến lược của hai hãng thời trang công sở cho nữ đình đám của Việt Nam. Giới chuyên gia nhận định đây được xem là thương vụ thành công của Elise khi giá trị mà đối tác Nhật trả cho 35% cổ phần trị giá hàng chục triệu đô la Mỹ, cao hơn rất nhiều nếu so sánh với số vốn điều lệ của Elise.
Trên góc độ của người điều hành công ty mẹ của Uniqlo, ông Tadashi Yanai nhìn nhận, khu vực Đông Nam Á là một động lực tăng trưởng quan trọng. Uniqlo rất lạc quan về cơ hội trở thành một phần của nền kinh tế và thị trường bán lẻ hấp dẫn này.
Trong đó, người Việt đứng thứ 3 thế giới về mê hàng hiệu, sau Trung Quốc và Ấn Độ, theo khảo sát của Niesen. (Dẫn số liệu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, thị trường may mặc nội địa có quy mô 4,5 tỷ USD/năm, đạt tốc độ tăng trưởng 20%/năm. Trung bình mỗi năm người Việt chi khoảng 100.000 tỷ đồng cho quần áo).
Khi những thương hiệu fast-fashion nổi tiếng thế giới Zara, H&M hay Uniqlo đổ bộ thị trường may mặc nội địa, áp dụng chính sách “giá phải chăng” để thu hút số lượng lớn người mua đã được các hãng thời trang này áp dụng tại các cửa hàng khắp thế giới cũng như tại Việt Nam đã đánh trúng tâm lý mê hàng hiệu của người Việt.
Nếu như Zara tự định vị là "hàng hiệu giá rẻ" khi liên tiếp tung ra những món đồ hợp mốt để thu hút khách hàng thì Uniqlo định vị "rẻ" trong tâm trí người tiêu dùng là hệ quả của sự tối giản, có chất lượng tốt hơn nên có số lượng đơn đặt hàng nhiều hơn và do đó có quyền lực trên bàn đám phán với nhà cung cấp. Chính cách làm đó đã lý giải nhờ đâu mà Uniqlo tiếp tục giữ cho sản phẩm của mình "yasui" - trong tiếng Nhật không có nghĩa "tuyệt vời" hay "sành điệu" mà có nghĩa là "rẻ".
Hành trình của vị doanh nhân 68 tuổi Tadashi Yanai với Uniqlo là trở thành nhà bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới vào năm 2020. Ông muốn xuất khẩu "phong cách Uniqlo" tới từng người đàn ông, phụ nữ và cả trẻ nhỏ trên toàn cầu. Từ London, Paris, Matxcova, Thượng Hải, New York cho tới Philippines, Indonesia, Ấn Độ và trong năm tới chính là Việt Nam.
Nhiều thương hiệu trong nước đình đám một thời như NEM, Foci, PT 2000, Ninomaxx, Hoàng Tấn, Blue Exchange, Việt Thy… luôn được giới trẻ lựa chọn khi mua quần áo. Đến nay chỉ còn lại một vài còn hoạt động nhưng ở trạng thái cầm cự.
Còn các DN lớn như May 10, An Phước, Việt Tiến, Nhà Bè… dù đã có thương hiệu, đạt doanh thu hàng trăm tỷ mỗi năm song để định vị được trên thương trường không chỉ cần có sản phẩm tốt, giá cả hợp lý mà hơn thế nữa cần tích hợp cả bản sắc trong các thiết kế hợp thị hiếu người dùng. Đây được coi là sự mong đợi từ người dùng. Ngoài ra, các DN này còn phải cạnh tranh với hàng gia công giá rẻ Trung Quốc luôn tìm cách tràn lậu vào Việt Nam.
Để có thể “chen chân”, kiếm lời trong thị trường trị giá 4,5 tỷ USD/năm này, mỗi thương hiệu cần tiết kiệm thời gian và tiền bạc khổng lồ bằng cách loại bỏ càng nhiều chi tiết càng tốt; cố gắng hợp nhất các loại vải phải mua nhiều nhất có thể; giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu thông qua việc tăng sự phối hợp giữa DN may và dệt để có được loại vải phù hợp cho mẫu thiết kế… song hành với đó còn là quá trình liên tục đổi mới nhờ quy trình thiết kế - sản xuất - bán lẻ khép kín hạn chế qua trung gian.
Muốn đi “ngược” thị trường “lốc” của các thương hiệu thời trang đang đổ bộ vào Việt Nam, mỗi DN không chỉ phải nghiên cứu kỹ tâm lý, xu hướng liên tục thay đổi trong thị hiếu của người tiêu dùng nhằm tạo thêm nhiều dòng sản phẩm mới nhưng đa dạng, có giá bán phải chăng, mà còn phải tích cực áp dụng công nghệ vào chuỗi cung ứng logistics, phân phối, bán hàng; triển khai áp dụng fashion-tech, tăng độ phủ của fashion e-commerce bằng những thiết kế một không gian mua sắm tích hợp công nghệ khác biệt với cửa hàng bán lẻ truyền thống. Đây vừa đảm bảo sự bắt mắt và tạo được không khí mua sắm, vừa mang tính hướng dẫn và khuyến khích khách hàng khám phá, mua sắm, một chuyên gia chia sẻ.