Thị trường lao động không ngại cách mạng 4.0
Việt Nam không chủ động, DN sẽ thua trên sân nhà | |
Doanh nghiệp nhỏ có thể làm thay đổi thế giới | |
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư |
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều việc làm của con người sẽ bị thay thế bởi máy móc, công nghệ tự động hoá. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có nhiều cơ hội khác mở ra cho những lao động bắt kịp xu hướng để cập nhật các kỹ năng cần thiết. Viễn cảnh tươi sáng này được đưa ra tại hội thảo “Nguồn nhân lực và công nghệ cho kỷ nguyên số tại Việt Nam”, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ - TB&XH), phối hợp với Công ty Manpower Group tổ chức.
Ảnh minh họa |
Theo ông Simon Matthews, CEO Manpower Group tại thị trường Việt Nam, Thái Lan, Trung Đông, có 40% trong số 42.000 DN tham gia khảo sát của tập đoàn này cho biết rất khó khăn trong công tác tuyển dụng, đặc biệt là tuyển dụng nhân lực giỏi. Khảo sát cũng cho thấy, tại Đông Nam Á có tới 46% DN cho biết gặp khó khăn trong tuyển dụng và năm 2016 được xem là năm tuyển dụng nhân sự khó khăn nhất trong vòng 11 năm trở lại đây. Tại Việt Nam, nhân sự quản lý cấp cao đang thiếu hụt trầm trọng, một phần do tình trạng “chảy máu chất xám” với số người Việt Nam làm việc tại nước ngoài năm 2015 tăng 8% so với năm 2014.
Cũng theo Manpower Group, nguồn nhân lực của Việt Nam chưa phát triển kịp với tăng trưởng kinh tế, lại đang tiếp tục đối mặt với sức ép từ cách mạng 4.0. Theo đó, chỉ có 9,66 triệu lao động đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật, chiếm 18,6% lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên. “Rất nhiều chủ sử dụng lao động than phiền về việc không có đủ ứng viên xin việc và khi có đủ rồi thì họ lại thiếu các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, ngoại ngữ, chậm thích nghi với môi trường làm việc mới...”, ông Simon Matthews lo ngại.
Vị này cũng cho biết, các ngành nghề khó tuyển dụng nhân sự nhất hiện nay ở Việt Nam là công nghệ thông tin, đại diện bán hàng, kỹ sư, kỹ thuật viên, nhân viên tài chính kế toán, sản xuất và vận hành máy... Trong ngành công nghệ thông tin, các DN cho biết đang thiếu hụt nhân tài trầm trọng nhất trong nhiều năm qua, thứ hạng thiếu hụt nhân lực của ngành này đã tăng từ hạng 9 lên hạng 2 trong năm 2016. Riêng lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam thiếu trầm trọng nhân lực do các công ty Hàn Quốc, Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư trong vài năm trở lại đây.
Việc làm chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng không hề u tối như dự đoán rằng tự động hoá sẽ thay thế con người. Bởi theo các chuyên gia của Manpower Group, vào khoảng năm 2020, hơn 1/3 số kỹ năng cốt lõi mà hầu hết các công việc yêu cầu sẽ bao gồm những kỹ năng mà công việc hiện nay chưa xem trọng. Nhu cầu về kỹ năng của lực lượng lao động trong kỷ nguyên 4.0 sẽ được nâng cao. Ví dụ các kỹ năng của CEO sẽ thành kỹ năng của quản lý cấp trung và kỹ năng của quản lý cấp trung sẽ thành kỹ năng của nhân viên. Máy móc sẽ thay thế kỹ năng đơn giản và lặp lại. Vì vậy để tồn tại và phát triển trong nền công nghiệp 4.0, lực lượng lao động trong nước phải tự trau dồi và nâng cao các kỹ năng.
Cụ thể, sự sáng tạo, kỹ năng quản lý con người, kỹ năng ra quyết định, trí tuệ cảm xúc và đàm phán là những yếu tố giúp khai thác tiềm năng của nguồn lực con người, đồng thời tạo điều kiện cho con người có giá trị hơn robot và không thể bị chúng thay thế hoàn toàn. Vì vậy vấn đề nằm ở chỗ người lao động phải nhận thấy rằng họ cần cải thiện kỹ năng và kiến thức trong nhiều lĩnh vực.
Với xu hướng tốt xấu đan xen trên thị trường lao động trong tương lai, ông Ngô Xuân Liễu, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm quốc gia cho rằng, thay vì quá lo ngại trước sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề cấp bách hơn cần tháo gỡ đối với thị trường lao động Việt Nam vẫn là chắp nối cung cầu. Ông dẫn chứng, khảo sát thực hiện ở đối tượng sinh viên cho thấy các ngành lựa chọn hàng đầu bao gồm kinh doanh, thương mại và tài chính, chiếm tới 51%, cao hơn tỷ lệ trung bình trong khu vực ASEAN là 29%. Điều này cho thấy sự lệch lạc trong cung cầu trên thị trường lao động, khi mà rất ít việc làm hướng vào các lĩnh vực công nghệ, cơ khí, sản xuất.
Vì vậy, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, ông Doãn Mậu Diệp lưu ý, dịch vụ việc làm cần được chú trọng bởi hoạt động này sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng kết nối giữa người lao động, DN và các đối tác khác như cơ sở đào tạo. “Cách mạng 4.0, kỷ nguyên số không làm mất đi cơ hội việc làm, mà giúp xuất hiện nhiều việc làm mới và những người chịu trách nhiệm thị trường lao động phải liên kết, phối hợp, hợp tác với các tổ chức để tận dụng cơ hội, kinh nghiệm nhằm vận hành quản trị tốt hơn thị trường lao động”, ông Diệp khẳng định.