Doanh nghiệp nhỏ có thể làm thay đổi thế giới
Tiếp cận CMCN 4.0: Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy | |
Khi sân nhà không còn là ưu thế | |
DN thực phẩm Việt có cơ hội mới |
Ông Vũ Tiến Lộc |
Ông Lộc cho rằng, DNNVV có sự linh hoạt, nếu được chuẩn hoá, vươn tới chuẩn mực quốc tế sẽ là động lực quan trọng của nền kinh tế.
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết: 98% DN của Việt Nam hiện nay là DNNVV và DN siêu nhỏ, chỉ có 2% là DN lớn. Ở khu vực nông thôn thì gần như toàn bộ DN là nhỏ vừa và siêu nhỏ. Bây giờ phát triển DNNVV, DN siêu nhỏ đang là động lực chính của kinh tế Việt Nam, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Nông thôn Việt Nam đang trong quá trình hiện đại hoá và tích tụ để sản xuất với quy mô lớn hơn. Không chỉ trong nông nghiệp mà khi cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến, lao động sẽ trở thành vấn đề cần phải giải quyết, nhất là lao động ở khu vực nông thôn.
Đây là vấn đề quan trọng của nền kinh tế. Nên muốn giải quyết được vấn đề lao động thì phải phát triển được các DNNVV và DN siêu nhỏ. Điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn về mặt xã hội nên cần tập trung thúc đẩy khối DN này để tạo việc làm cho người lao động, tránh tình trạng người lao động đổ dồn về các thành phố. Đây cũng là mũi tên bắn được nhiều đích.
Các DN này đang gặp những khó khăn nào thưa ông?
Bên cạnh công nghệ thì tiếp cận tài chính với DNNVV đang là vấn đề quan trọng. Một trong những nội dung thảo luận của chúng tôi tại hội nghị APEC lần này cũng là làm thế nào tạo điều kiện cho DNNVV tiếp cận nguồn lực tài chính, đặc biệt tài chính vi mô. Chính phủ đã có chủ trương thúc đẩy mô hình này.
Vấn đề tài chính có thể cần một thời gian dài mới khắc phục được vì nguồn vốn của DN Việt Nam nói chung hiện nay dựa rất nhiều vào vay ngân hàng. Vốn tự có và huy động trên TTCK tương đối hạn chế. Tuy nhiên việc các DNNVV gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng chủ yếu cũng do các DNNVV không có tài sản thế chấp trong khi nguyên tắc cho vay của ngân hàng lại dựa phần lớn vào tài sản bảo đảm. Chính vì vậy, Chính phủ đang khuyến khích cho tín chấp, lịch sử tín dụng, cho vay theo chuỗi… để giúp DNNVV giải quyết vấn đề tài chính. Tất cả động thái này để thúc đẩy phát triển của DNNVV thời gian tới. Nhưng bản thân các DN cũng phải tăng cường nguồn vốn tự có.
Vậy hướng đi của DNNVV như thế nào thưa ông?
Vốn và công nghệ là một trong các vấn đề của DNNVV. Chính đầu tư để phát triển bền vững là cơ hội để DN đầu tư vào phát triển thị trường, đồng thời kêu gọi vốn đầu tư. Nếu không phát triển bền vững thì khó có thể tiếp cận thị trường và khách hàng, mời gọi nhà đầu tư.
Phát triển bền vững ở đây không phải "phú quý sinh lễ nghĩa" mà vì lợi ích của chính DN và mang lại lợi ích cho chính DN. Đây có thể coi là giấy thông hành của DN vào thị trường thế giới. Hiện nay, người tiêu dùng và nhà đầu tư đã khắt khe hơn rất nhiều khi chọn dịch vụ cũng như dự án để tham gia đầu tư. Do đó, phát triển bền vững là một yếu tố quan trọng nhất.
Để các DN nhỏ hội nhập thành công, theo ông cần có có những giải pháp, hỗ trợ nào?
Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới, xu hướng toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ. Đặc biệt, việc thúc đẩy cách mạng số và mạng internet đang tạo ra môi trường kinh tế mới, phương thức kinh doanh mới, mang lại nhiều lợi ích cho DN nhỏ và vừa và siêu nhỏ.
Trước khi đổi mới, chỉ có mấy chục DN ngoại thương làm xuất nhập khẩu nhưng đến nay có hàng ngàn DN tham gia hoạt động này. Tương lai của nền kinh tế là hàng triệu DN nhỏ sẽ tham gia vào nền kinh tế thế giới. Với trợ giúp của mạng internet, một DN nhỏ ở Tây Bắc hay Tây Nguyên cũng có thể cung ứng hàng hoá ra thế giới. Thương mại điện tử đang là nền tảng để DNNVV lớn lên, có được lợi thế thâm nhập thị trường toàn cầu.
Sắp tới, trong hội nghị APEC chúng tôi sẽ thảo luận làm sao quốc tế hoá các DN nhỏ và siêu nhỏ. Muốn thế, các DNNVV và DN siêu nhỏ phải vươn tới chuẩn mực quốc tế và có sự độc đáo của DN Việt Nam, gắn với lợi thế nổi trội của Việt Nam như du lịch, nông nghiệp. Tất nhiên thách thức của quá trình này là không nhỏ, đòi hỏi DN phải sáng tạo, đổi mới và nỗ lực vượt bậc trong tái cấu trúc để nâng cao chuẩn mực của mình. Phát triển bền vững cũng là chuẩn mực, là giấy thông hành. Do đó, DN cần phải nỗ lực nâng mình lên, nâng cao trình độ quản trị, trình độ công nghệ và hướng theo phát triển bền vững, có trách nhiệm với xã hội ngay từ đầu.
Xin cảm ơn ông!
Các DN lớn của Việt Nam đã tiếp cận các chuẩn mực toàn cầu nhưng không phải chỉ DN mới đi theo mô hình đó mà các DN nhỏ và vừa và siêu nhỏ cũng phải đi theo mô hình này để lớn lên. Trong thời điểm hiện nay nếu không đạt được tiêu chuẩn toàn cầu và yếu tố bền vững thì sẽ sụp đổ trong tương lai. Còn nếu đạt được chuẩn này, các DN nhỏ và vừa sẽ lớn mạnh. |