Thị trường rau an toàn: Phát triển nhiều hệ thống tiêu thụ
Chị Trần Thu Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, trong các bữa ăn gia đình không thể thiếu món rau xanh. Tuy nhiên, để mua và sử dụng được những sản phẩm thật sự an toàn cũng không phải là dễ. Ở hầu hết các chợ dân sinh hay cửa hàng nhỏ lẻ khu dân cư đều bán rất nhiều loại rau xanh, tuy nhiên đa phần là không rõ nguồn gốc, chất lượng và vệ sinh an toàn.
Và thế là chị luôn phải tìm chọn những địa chỉ uy tín để mua hàng. Chị Hà thường xuyên vào siêu thị hay các cửa hàng tiện lợi để mua rau xanh về sử dụng, vì cho rằng ở những nơi này, hàng hóa đã qua kiểm định và nhập nguồn gốc rõ ràng.
Vấn đề an toàn thực phẩm đang rất được người tiêu dùng quan tâm |
Trước nhu cầu sử dụng nông sản sạch ngày càng tăng của người dân thủ đô, bên cạnh các siêu thị, cửa hàng tiện lợi kinh doanh mặt hàng này, hiện đã có thêm một số các DN mở cửa hàng phân phối và bán sản phẩm rau sạch. Đại diện Công ty Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam cho biết, vấn đề an toàn thực phẩm đang rất được quan tâm hiện nay, với tâm nguyện là mang lại bữa ăn dinh dưỡng và an toàn đến mọi người, mọi nhà, BigGreen không ngừng nỗ lực để đưa đến những sản phẩm chất lượng và an toàn. BigGreen hiện đang mở các đại lý, kiot ở nhiều quận nội thành Hà Nội như khu vực Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân… cung cấp số lượng lớn thực phẩm sạch đến người dân thủ đô. Đơn vị hiện có khá nhiều nhà phân phối với lượng hàng dồi dào cùng nhiều chủng loại và các sản phẩm đảm bảo chất lượng, được bao gói, dán tem mác, truy xuất nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Đại diện Sở NN&PTNT TP. Hà Nội cho biết, diện tích trồng rau an toàn, rau hữu cơ trên địa bàn thành phố tăng mạnh và chất lượng đã nâng lên rõ rệt. Hiện nay, diện tích trồng rau an toàn được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm của thành phố đạt hơn 5.000ha, hơn 300ha rau đạt tiêu chuẩn VietGAP và hàng trăm ha trồng rau hữu cơ. Tuy nhiên các sản phẩm này hiện lại đang gặp không ít khó khăn về tiêu thụ, nhất là các sản phẩm chưa được dán tem, nhãn nhận diện, truy xuất nguồn gốc. Do đó để tiêu thụ nông sản, rau an toàn thì các đơn vị, DN phải thường xuyên đổi mới phương thức sản xuất, tăng về số lượng và chất lượng nông sản, trong đó phát triển nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm hữu cơ, nông sản sạch.
TP. Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, duy trì 5.100ha trồng rau an toàn. Đồng thời, phát triển thêm từ 3.000 đến 4.000ha rau được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; bảo đảm 100% sản phẩm rau xanh được truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm... |
Cùng với đó là tích cực đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, sản phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm tại hệ thống bán lẻ hiện đại cũng như các điểm bán lẻ tại các khu vực dân cư trên toàn thành phố. Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội nhấn mạnh, Sở NN&PTNT sẽ tham mưu cho thành phố có thêm cơ chế, chính sách về sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, theo hướng hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp phát triển hệ thống cửa hàng, điểm bán lẻ rau an toàn.
Trên thực tế, ngoài các siêu thị, cửa hàng tiện ích thì phần lớn các sản phẩm rau vẫn được phân phối qua các chợ đầu mối, chợ dân sinh. Các sản phẩm này được nhập từ nhiều nơi và chưa qua kiểm định về an toàn thực phẩm. Giúp người tiêu dùng nhận diện nông sản sạch, an toàn đang là vấn đề thành phố quan tâm.
Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội cho rằng, việc thiếu các điểm bán sản phẩm rau an toàn cũng như sự quảng bá giới thiệu khiến cho người tiêu dùng và các đơn vị sản xuất vẫn chưa gặp được nhau. Các sản phẩm hiện chưa đến được với đại đa số người tiêu dùng. Theo đó, thành phố cần hỗ trợ nhiều hơn nữa trong việc kết nối sản xuất, phân phối, xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm sạch. Đồng thời cần tăng cường nhiều điểm bán và có những chương trình tuyên truyền để người dân tin tưởng và sử dụng các sản phẩm rau an toàn hơn nữa.