Thị trường vàng và tiền tệ chao đảo vì Brexit
Kỷ nghỉ cuối tuần sẽ giúp trấn an thị trường sau Brexit | |
Brexit: Tác động nhưng không quá lớn đến Việt Nam | |
Các NHTW trên thế giới phản ứng ra sao sau cuộc bỏ phiếu Brexit? |
Theo kết quả kiểm phiếu chính thức công bố lúc 13 giờ 32 ngày 24/6 Hà Nội, 51,9% cử tri (17.410.742 người) đã bỏ phiếu ủng hộ nước Anh rời khỏi EU, trong khi chỉ có 48,1% cử tri (16.141.241 người) bỏ phiếu ủng hộ việc ở lại "ngôi nhà chung".
Trong lúc lãnh đạo đảng thiên hữu Anh Quốc Độc lập (UKIP) Nigel Farage, người đứng đầu chiến dịch ủng hộ Brexit, đã ca ngợi kết quả này là "ngày độc lập" của Liên hiệp Anh thì những người kêu gọi đất nước ở lại với EU coi đây là một “thảm họa”.
Cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 đặt dấu chấm hết cho "cuộc hôn nhân không êm ấm" giữa Vương quốc Anh và EU |
“Cuộc hôn nhân” chưa bao giờ êm thấm
Cuối cùng, người Anh đã chọn quyết định rời khỏi EU, một liên minh với bề dày lịch sử 60 năm này. Lượng cử tri đi bầu đạt tỷ lệ 71,8% - với hơn 30 triệu người bỏ phiếu – ghi dấu lượng cử tri đi bầu cao nhất trong một kỳ bỏ phiếu ở nước Anh kể từ năm 1992.
Xứ Wales và phần lớn xứ England (Anh), trừ London, bỏ phiếu với đa số cử tri ủng hộ Brexit. Đây là lần thứ hai người dân đi bỏ phiếu về tư cách thành viên của nước này trong EU, sau lần đầu tiên là vào năm 1975, khi EU còn là Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC), hay còn gọi là Thị trường chung châu Âu.
Sau Thế chiến thứ II, nước Anh lúc đầu không sốt sắng lắm với tiến trình nhất thể hóa châu Âu do Pháp, Đức chủ xướng. Nhưng khi sức mạnh của EEC được tăng cường, “xứ sở sương mù” quyết định gia nhập. Trên thực tế, tâm trạng hoài nghi luôn tồn tại trong nước Anh, chỉ là tạm thời chịu “lép vế” khi mà EU đang phát triển khá tốt.
Sau khi liên tiếp gặp phải cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và khủng hoảng nợ công, kinh tế EU ngày nay đang phục hồi chậm nhưng tăng trưởng vẫn yếu ớt, tỷ lệ thất nghiệp ở nhiều nước duy trì ở mức cao, vấn đề xã hội nổi cộm. Làn sóng người tị nạn lan rộng khắp châu Âu từ năm ngoái đến nay đã tiếp tục làm gia tăng gánh nặng kinh tế và tiềm ẩn hiểm họa an ninh cho EU.
Điều này ở một mức độ nào đó đã khiến nhiều người nhập cư đổ sang Vương quốc Anh tìm việc làm và hưởng trợ cấp xã hội, ảnh hưởng đến cuộc sống của tầng lớp trung và hạ lưu ở nước Anh, giúp phe Brexit nhận được sự ủng hộ của dư luận.
Về cơ bản, lý do chính khiến nước Anh đáp chuyến tàu EU là vì có thể tiến vào thị trường chung, mượn sức phát triển. Nhưng hiện nay, trong con mắt của một số người Anh, đối tác thương mại lớn nhất này dường như đã không hoàn toàn đáng tin cậy, tư tưởng “rời tàu lên bờ để tìm lối thoát” từ đó mà nảy sinh.
Theo tờ Le Figaro, trong 43 năm qua, "cuộc hôn nhân" giữa nước Anh và EU chưa bao giờ êm thấm. Mối quan hệ giữa London và Brussels “cơm không lành, canh không ngọt” không phải chỉ mới xảy ra ngày hôm qua.
Ngày 24/6, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) khẳng định sẽ thực hiện các bước đi cần thiết để đảm bảo cho nền kinh tế Anh đứng vững sau “cú sốc” Brexit giữa lúc các thị trường tài chính và chứng khoán trên thế giới đang rơi vào tình trạng hỗn loạn mới.
Ngay sau khi có kết quả chính thức với phần thắng thuộc về phe ủng hộ Brexit (51,9%) khiến giá trị của đồng bảng Anh giảm 10% xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985, cũng như khiến giá trái phiếu chính phủ nước này “lao dốc” xuống mức thấp kỷ lục mới, BoE đã ngay lập tức ra tuyên bố khẳng định đang theo sát các diễn biến trên thị trường.
BoE cũng đang khẩn trương làm việc với Bộ Tài chính nước Anh, cùng giới chức trong nước và các ngân hàng trung ương nước ngoài khác để lên kế hoạch toàn diện ứng phó với sự việc bất ngờ trên.
Bên cạnh đó, BoE còn tính tới khả năng phải sử dụng biện pháp hoán đổi ngoại tệ từng áp dụng trước đó với nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới để ngăn chặn “cú sốc” mới đối với các thị trường tài chính. BoE cũng không loại trừ khả năng giảm lãi suất để “trấn an” nền kinh tế Anh thời kỳ hậu Brexit.
Trước đó, BoE cho rằng quyết định rời khỏi EU – thị trường tiêu thụ tới 1/2 hàng hóa xuất khẩu của nước Anh - có thể dẫn tới những hậu quả với nền kinh tế “xứ sở sương mù”, trong đó có việc làm tăng tỷ lệ lạm phát do thị trường rối loạn, gây khó cho việc đưa ra bất kỳ quyết định nào liên quan tới việc cắt giảm tỷ lệ lãi suất. Thống đốc BoE nhận định kinh tế Anh có thể sẽ phải đối mặt với viễn cảnh suy thoái ít nhất là trong 6 tháng tới.
Cuộc trưng cầu dân ý gây sốc
Trước kết quả bỏ phiếu chính thức, giới lãnh đạo thế giới đã đồng loạt bày tỏ quan ngại về kịch bản Brexit đã thành hiện thực này. Tại Đức cả Phó Thủ tướng Sigmar Gabriel và Ngoại trưởng Đức Frank - Walter Steinmeier đều ví ngày 23/6 là "một ngày tồi tệ với châu Âu", trong khi Ngoại trưởng Phần Lan lại kêu gọi EU nên thay đổi một số khái niệm nội khối trong giai đoạn “hậu” Brexit.
Với kết quả Brexit, giới phân tích cho rằng nước Anh sẽ bước vào thời kỳ mới với một tương lai không ổn định trong khi EU sẽ chứng kiến một bước thụt lùi đáng kể trong những nỗ lực xây dựng một liên minh hùng mạnh kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II.
Theo các chuyên gia và nhà phân tích, trong thời kỳ “hậu” Brexit, về ngân khố: 27 thành viên còn lại của EU sẽ phải bổ sung phần ngân sách còn thiếu của EU sau khi nước Anh cắt đứt với khối.
Trong đó, Đức, thành viên lớn nhất của EU, được cho là sẽ phải đóng góp nhiều nhất, với số tiền ước tính lên đến khoảng 2,5 tỷ euro. Theo kế hoạch, số tiền mà London phải đóng cho ngân sách EU trong năm 2016 lên đến 19,4 tỷ euro (tương đương 21,4 tỷ USD). Về thương mại, các nước thành viên còn lại của EU hiện có thặng dư thương mại hàng hóa khoảng 100 tỷ euro với nước Anh.
Theo các chuyên gia kinh tế, Brexit sẽ tạo ra các rào cản thương mại giữa London với EU, đồng thời khiến tăng trưởng kinh tế Anh suy giảm và đồng bảng Anh mất giá, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của liên minh sang “xứ sở sương mù”.
Trên các thị trường giao dịch tài chính, đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD từ năm 1985 khi thị trường phản ứng với kết quả cuộc trưng cầu. Trong khi đó, trên thị trường kim loại quý, giá vàng giao ngay cũng tăng 8,1% lên mức 1.358,54 USD/ounce, mức cao nhất được ghi nhận kể từ tháng 3/2014.
Tại Việt Nam, theo đà tăng của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước đang tăng mạnh. Kể từ đầu giờ sáng đến nay, giá kim loại quý trong nước đã tăng tới 1 triệu đồng mỗi lượng. Đây cũng là mức cao nhất kể từ cuối tháng 8/2015.
Lúc 13 giờ 18 phút, vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết tại thị trường thành phố Hồ Chí Minh ở mức 34,65 – 35,15 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). So với đầu giờ sáng, mức giá này đã tăng khoảng 900 nghìn đồng mỗi lượng ở cả chiều mua và bán.
Trên thị trường tiền tệ, giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng rục rịch tăng so với đầu giờ sáng. Lúc 13 giờ 45 phút, Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 22.300 – 22.370 VND/USD (mua vào – bán ra), tăng 30 đồng ở cả chiều mua và bán so với đầu giờ sáng.
Nhận định về tác động của Brexit đối với Việt Nam, GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, hiện Việt Nam và nước Anh là đối tác đầu tư, khi nền kinh tế Anh thay đổi thì chắc chắn sẽ có tác động đến các “bạn hàng”, trong đó có Việt Nam. Còn tác động cụ thể thế nào thì hiện vẫn chưa có tính toán cụ thể.
Tuy nhiên, giáo sư chỉ ra rằng Việt Nam là đối tác khá nhỏ của nước Anh. Số lượng các dự án FDI từ “xứ sở sương mù” vào Việt Nam không lớn lắm, nên sức tác động cũng sẽ không đáng kể.
Theo số liệu Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính lũy kế đến hết tháng 12/2015, Vương quốc Anh hiện đang đầu tư vào 241 dự án tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 4.739,3 triệu USD, đứng thứ 15 trong số 110 đối tác đầu tư tại Việt Nam, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài.
Các chuyên gia phân tích của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) chỉ ra rằng việc đồng euro, đồng bảng Anh mất giá sẽ tạo ra bất lợi đối với đối tác xuất khẩu hàng hóa lớn vào thị trường EU khi giá cả tương đối của các hàng hóa vào EU trở nên đắt đỏ hơn.
Thêm vào đó, triển vọng ảm đạm của nền kinh tế châu Âu theo sau sự kiện Brexit kéo giảm cầu tiêu thụ hàng hóa và qua đó làm giảm nhu cầu hàng hóa nhập khẩu vào EU. Ngoài những tác động đến chỉ số chung, Brexit còn có tác động tiêu cực gián tiếp tới các doanh nghiệp có quan hệ thương mại với khu vực EU như doanh nghiệp ngành dệt may, giày dép, cà phê, thủy sản…