Kỷ nghỉ cuối tuần sẽ giúp trấn an thị trường sau Brexit
TS. Alan Phạm |
Kết quả bỏ phiếu của người dân Anh về việc đi hay ở EU được công bố vào ngày 24/6 – phiên giao dịch thứ Sáu trước kỳ nghỉ cuối tuần – khiến các thị trường trên toàn cầu chao đảo mạnh. TTCK và thị trường vàng của Việt Nam cũng ghi nhận những biến động này.
Tuy nhiên, theo TS. Alan Phạm, Kinh tế trưởng của VinaCapital, biến động thị trường chủ yếu do yếu tố tâm lý và kỳ nghỉ cuối tuần này chính là “thời điểm vàng” để các NĐT bình tĩnh suy nghĩ lại.
Ông đánh giá thế nào về những biến động của thị trường Việt Nam và toàn cầu trước việc Anh rời EU?
Về mặt kinh tế, việc Anh rời EU không tác động nhiều đến Việt Nam vì mình xuất khẩu sang Anh không lớn, chỉ khoảng 3% so với GDP, trong khi xuất khẩu sang EU lên tới 15% GDP (đã trừ Anh). Nên nói chung, việc Anh rời EU chủ yếu tạo yếu tố tâm lý, tức là người ta cảm thấy bất an, mù mờ diễn biến thị trường sẽ thế nào. Nhưng có thể qua kỳ nghỉ cuối tuần này, các thị trường đóng cửa thì mọi người sẽ có thời giờ quan sát, suy nghĩ thì có thể ngay phiên thứ Hai tới, các thị trường đã có thể lên trở lại vì cái bất an, không rõ ràng xong rồi, việc đi hay ở của Anh đã rõ rồi thì các NĐT có thể tính toán lại và thấy rằng nó sẽ không gây thiệt hại nhiều như họ hình dung trước đó.
Tức là động thái chứng khoán giảm mạnh phiên thứ Sáu tuần vừa rồi chỉ là tâm lý?
Chỉ là tâm lý và nhất thời. Nhiều người còn cho rằng, đây thời điểm tốt để mua vào những chứng khoán có giá trị tốt và muốn nắm giữ lâu dài. Hoạt động bắt đáy mạnh mẽ của các NĐT trên thị trường trong phiên vừa qua cũng cho thấy điều đó. Tất nhiên, điều này còn phụ thuộc vào việc các thị trường quốc tế như ở Mỹ, Nhật sẽ diễn biến tiếp theo thế nào vì các NĐT trên thị trường Việt Nam giờ nhìn vào thị trường quốc tế khá nhiều.
Liệu sự kiện này sẽ có tác động thế nào đến khả năng Fed tăng lãi suất trong thời gian tới?
Thương mại giữa Mỹ với EU và Anh khá lớn nên nếu thị trường EU và Anh yếu đi thì xuất khẩu của Mỹ sẽ giảm, kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng yếu đi nên việc tăng lãi suất của Fed sẽ càng xa vời. Tôi cho rằng khả năng Fed tăng lãi suất sẽ chỉ diễn ra một lần trong năm nay và có thể rơi vào tháng 12 tới. Fed sẽ không muốn tăng lãi suất trong bối cảnh không những ở Mỹ mà toàn thế giới đang biến động. Trên toàn thế giới hầu như bây giờ các NHTW đều có xu hướng giữ chính sách tiền tệ nới lỏng.
Sự kiện này liệu có đưa thế giới vào cuộc khủng hoảng mới không?
Cái đó còn phải đợi xem. Anh rời đi thì một số nước khác có thể bắt chước. Và nếu có sự “lây lan” này thì có thể làm lung nay nền tảng của EU. Vậy liệu điều đó có xảy ra không là một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất và chúng ta phải theo dõi sát sao.
Nhưng việc Anh rời EU thì liệu kinh tế Anh có mạnh lên không?
Tôi nghĩ phần nhiều là kinh tế Anh sẽ yếu đi vì thị trường EU nhập khẩu lớn đối với Anh. Giờ rời đi thì Anh mất đi một thị trường xuất khẩu lớn. Nghĩa là trước đây họ có lợi thế về vấn đề thuế quan thì bây giờ họ xuất vào EU lại phải chịu thuế quan như bình thường. Nên tôi cho rằng, thiệt hại về kinh tế từ việc rời đi thì người Anh họ hiểu. Chính phủ Anh trước bỏ phiếu có phát hành một cuốn sách trắng dài tới cả 200 trang, trong đó nói rất rõ về những thiệt hại về kinh tế nếu Anh rời đi.
Nên có lẽ vấn đề Anh ra đi lý do chủ yếu là vì người dân Anh lo ngại dòng người tị nạn tràn qua châu Âu vừa qua. Nếu còn ở trong EU thì ai có hộ chiếu EU sẽ được đi lại tự do. Dân Anh họ sợ vấn đề đó, sợ nếu có kẻ nào đó vào nước mình cho nổ vài quả bom thì sao. Bởi thỉnh thoảng họ lại thấy thông tin bên Pháp chết ngần này người, bên Bỉ chết ngần kia người vì nổ bom khủng bố nên họ lo ngại.
Liệu có khả năng Việt Nam phải đàm phán lại một số thỏa thuận thương mại, nhất là liên quan đến EVFTA do Anh ra khỏi EU?
Tôi nghĩ là không. Có thể chỉ phải mang văn bản đó ra bỏ đi những đoạn nào có liên quan đến Anh (chẳng hạn trong định nghĩa về khối EU).
Ông có nghĩ đồng NDT của Trung Quốc sau sự kiện này sẽ phá giá mạnh không và áp lực với tỷ giá Việt Nam thế nào?
Trung Quốc xuất khẩu sang châu Âu khá lớn nên nếu vì việc này mà kinh tế EU và Anh yếu đi thì nó sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu, tăng trưởng GDP của Trung Quốc và có thể gây áp lực lên đồng NDT. Trong khi đó, Euro là một trong 8 đồng tiền để tính tỷ giá trung tâm của Việt Nam nên Euro có thể kéo VND giảm xuống một chút.
Xin cảm ơn ông.