Brexit: Tác động nhưng không quá lớn đến Việt Nam
TS. Nguyễn Trí Hiếu |
Kết quả bỏ phiếu của người dân Anh Quốc về việc Anh rời EU có làm ông bất ngờ?
Kết quả này làm ngạc nhiên rất nhiều người trong đó có tôi. Thực ra thì ai cũng biết phe muốn Anh rời EU đã thắng thế trong những ngày cuối cùng trước bỏ phiếu, nhưng dù sao chăng nữa thì đây cũng là một thất vọng, đặc biệt với giới tài chính.
Bởi Anh đóng một vai trò đáng kể trong EU nên việc rời khỏi này sẽ khiến Anh bị cô lập với EU trong các mối quan hệ về kinh tế, tài chính, trong đó có hoạt động đầu tư và thương mại. Bên cạnh đó là những tác động đến xã hội và chính trị của Anh và cả EU. Sự rời đi này trong ngắn hạn cũng gây nên nhưng tâm lý bất an, thậm chí hoảng loạn đối với nền tài chính toàn cầu mà chúng ta đã thấy rất rõ biểu hiện trên các TTCK, vàng, biến động tiền tệ…
Những người muốn Anh rời EU vì họ muốn Anh nắm quyền chủ động về kinh tế trong khi nếu là thành viên của EU thì Anh bị ràng buộc bởi hiệp định chung và các quy định khác của EU. Thứ nữa là cũng có nhiều người nghĩ rằng, bao nhiêu năm nay Anh không được lợi gì nhiều từ việc là thành viên này, trong khi lại phải chi phí, đóng góp rất nhiều.
Về phía những người muốn Anh ở lại vì họ thấy vai trò quan trọng của Anh trong đó và đây là Liên minh đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Đặc biệt khi Anh rời EU thì quan hệ mậu dịch sẽ bị đảo chiều. Có thể EU sẽ dựng lại bức tường bảo vệ mậu dịch như xưa.
Bộ trưởng Tài chính Phần Lan ví Brexit như vụ sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers ở châu Âu. Hàm ý có thể tạo ra một cơn địa chấn tài chính mới sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 vừa qua. Quan điểm của ông về điều này thế nào?
Tôi không nghĩ đó là một so sánh hợp lý dù về lý thuyết thì có vẻ gì đó khá tương đồng. Trước khi Lehman Brothers sụp đổ, ở Mỹ tồn tại lý thuyết “Too big to fail” (quá lớn để sụp đổ) nhưng rồi Lehman Brothers vẫn có thể sụp đổ.
Trong trường hợp của EU, lý thuyết đó đổi thành “Too big to leave” (quá lớn để rời bỏ) và nhiều người cũng nghĩ như vậy nhưng điều này lại cũng xảy ra với Anh. Thế nhưng hai cái đó khác nhau bởi Lehman Brothers sụp đổ còn ở đây Anh không sụp đổ. Thậm chí họ có thể trở nên mạnh hơn khi họ có lại quyền tự quyết hoàn toàn về kinh tế và giảm được các chi phí như khi còn ở EU.
Tuy nhiên, những tác động ít nhất trong ngắn hạn là những biến động rất mạnh trên các TTCK, tiền tệ, vàng, dầu… toàn cầu như vừa qua liệu có cộng dồn thành các tác động mạnh hơn, thậm chí là tạo ra “địa chấn” hay không?
Còn quá sớm để nói về điều đó. Những diễn biến hiện tại mới chỉ là các tác động tức thời, thể hiện tâm lý và phản ứng của các thị trường đầu tư, thương mại trước việc Anh ra đi. Tuy nhiên, không phải với sự kiện ngày hôm qua (24/6) thì ngày thứ 2 tuần tới là Anh đã hoàn toàn chấm dứt tư cách thành viên EU, mà nó có một lộ trình đàm phán cụ thể giữa Anh và EU. Và từ đây đến đó chúng ta sẽ nhìn thấy những biến động tiếp theo như thế nào.
Thế nên dù phản ứng hiện tại, ngắn hạn rất tiêu cực và gây thất vọng rất lớn cho EU và các thị trường thế giới, đặc biệt là các TTCK nhưng cú sốc vừa qua có thể sẽ dần dần được hấp thụ và thị trường sẽ trở lại với sự ổn định. Nhưng dù diễn tiến tình hình như thế nào thì với việc Anh là nước xuất khẩu rất nhiều vào EU và vai trò của Anh trong EU rất lớn, nên nếu Anh tiếp tục là thành viên EU thì cả hai cùng mạnh lên. Còn giờ Anh rời đi thì gây thiệt hại cho cả hai phía. Nên có thể tóm lại, đây là “trận chiến” mà cả hai bên đều chịu thiệt hại, ít nhất là trong ngắn hạn.
Tác động từ sự kiện này đến Việt Nam thế nào theo quan điểm cá nhân của ông?
Anh không phải là thị trường lớn của Việt Nam. Anh cũng không đầu tư nhiều vào Việt Nam và ngược lại. Như vậy thì những tác động trực tiếp từ việc Anh ra đi là không lớn.
Nhưng sẽ có những tác động đến quan hệ giữa Việt Nam với EU (EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam), nhất là trong trường hợp EU trở nên yếu đi khi Anh rời khỏi Khối này (mà trường hợp này nhiều khả năng xảy ra).
Trước hết về mặt đầu tư, có thể các NĐT trong tâm trạng không ổn định thế này thì họ có thể rút khỏi những thị trường mới nổi, chưa hoàn thiện (trong đó có Việt Nam) để trở về các thị trường truyền thống và ổn định hơn. Như vậy tức là biến động vừa qua có thể ảnh hưởng không tốt đến các thị trường như Việt Nam.
Rồi các TTCK, vàng, dầu biến động tiêu cực cũng không lợi cho Việt Nam. Đặc biệt với là thị trường vàng là thị trường mà mình rất muốn có sự ổn định mà bây giờ giá vàng tăng đột biến lên như thế thì chủ trương chống vàng hóa của mình sẽ khó khăn hơn.
Vậy với vấn đề tỷ giá thì thế nào thưa ông?
Tỷ giá cũng chịu áp lực nhất định vì Anh rời đi khiến Bảng Anh và Euro giảm giá trong khi các đồng tiền khác tăng lên, trong đó có cả VND dẫn đến không có lợi cho xuất khẩu của chúng ta. Nhưng ở đây tôi cho rằng, cần để tâm nhiều hơn đến các động thái phản ứng của Trung Quốc trước sự kiện này. Bởi nếu Trung Quốc phải phá giá đồng Nhân dân tệ mạnh hơn để hỗ trợ xuất khẩu của họ vào châu Âu thì sẽ tác động khá mạnh đến Việt Nam.
Liệu có hay không khả năng Việt Nam phải đàm phán lại một số thỏa thuận thương mại, nhất là liên quan đến EVFTA do Anh ra khỏi EU?
Tôi không nghĩ vậy vì các hiệp định thương mại đó mình ký với cả nhóm chứ không phải với từng quốc gia riêng lẻ. Do đó sẽ không có điều chỉnh gì nhiều. Dĩ nhiên, bây giờ Anh độc lập về kinh tế rồi thì có thể mình và Anh sẽ có đàm phán hiệp định thương mại riêng.
Trong trường hợp như vậy, liệu những tiêu chuẩn mà Anh đặt ra với Việt Nam sẽ khó khăn, nặng nề hơn các tiêu chuẩn mà EU đặt ra trong đàm phán FTA với Việt Nam trước đây không?
Chắc là không, vì Anh cũng muốn mở rộng quan hệ đầu tư và mậu dịch với Việt Nam mà trước đây khi EU đàm phán ký với Việt Nam thì Anh là một thành viên trong đó. Nên tôi cho rằng các điều kiện, tiêu chuẩn mà Anh đặt ra nếu Việt Nam và Anh đàm phán về một hiệp định thương mại tự do chắc cũng chỉ như vậy thôi. Thậm chí, có thể còn thuận lợi vì Anh độc lập và có thể có những chủ động và ưu ái hơn nếu họ muốn đẩy mạnh quan hệ thương mại, đầu tư với Việt Nam.
Nhìn nhận bước đầu của ông về những giải pháp để giảm bớt các tác động tiêu cực từ sự kiện này đối với Việt Nam?
Thứ nhất, chúng ta cần mở rộng thị trường của mình cho đầu tư cũng như cho mậu dịch để tìm những thị trường mà có thể bù đắp cho những tác động tiêu cực này.
Thứ hai, chúng ta cũng có thể chủ động chuẩn bị cho đàm phán một hiệp định thương mại với Anh trong tương lai.
Thứ ba, cần tập trung vào các giải pháp tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp Việt trong tận dụng những hiệp định thương mại đang có với các quốc gia khác.
Xin cảm ơn ông.