Thoát vòng luẩn quẩn FDI
Thu hút FDI: Hướng tới mục tiêu chủ động, bình đẳng, chọn lọc | |
Nâng tầm hợp tác đầu tư nước ngoài tại Việt Nam | |
FDI giữa hai mảng sáng tối |
Giữ chân và khuyến khích mở rộng đầu tư
TS. Huỳnh Thế Du - Giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, để khai thác tốt lợi thế từ FDI cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh từ năng suất của nền kinh tế, Việt Nam cần tập trung giải quyết 3 thách thức. Theo đó, cần tạo dựng được một hệ thống giáo dục, nhất là giáo dục đại học và đào tạo ra đội ngũ nhân sự có trình độ cao với khả năng đổi mới sáng tạo tốt. Thứ hai, tăng cường khả năng nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo. Thứ ba, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ được thực thi và giảm thiểu tình trạng xâm phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ ở Việt Nam.
Thêm vào đó, một vấn đề hết sức quan trọng là giảm thiểu tình trạng cạnh tranh xuống đáy giữa các địa phương. “Việt Nam cần xem xét chính sách chỉ ưu đãi một lần đối với các DN FDI khi vào Việt Nam chứ không nên duy trì tình trạng đã được ưu đãi ở địa phương này, nhưng chạy sang địa phương khác lại được ưu đãi như đầu tư mới”, ông Du đề xuất.
Chất lượng nguồn nhân lực là đòi hỏi thiết yếu để thu hút FDI chất lượng cao |
Đại diện cho cộng đồng NĐT lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, ông Ryu Hang Ha - Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam lưu ý, việc thu hút đầu tư mới là quan trọng, nhưng điều quan trọng không kém là phải xây dựng được một môi trường kinh doanh thuận lợi để các NĐT có thể tiếp tục mở rộng đầu tư. Ví dụ các ngành may mặc, giày dép đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn và nay vẫn đang là ngành công nghiệp quan trọng, cần phát triển để kéo gần khoảng cách phát triển giữa các địa phương.
Bên cạnh đó, ông cho rằng phải mạnh dạn đầu tư hạ tầng thì mới có được những hoạt động đầu tư chất lượng mang tính bổ sung. Bởi, nếu tốc độ phát triển kinh tế như hiện tại được duy trì, sẽ xảy ra hiện tượng thiếu nguồn cung cấp điện, trong khi đây là nguồn rất quan trọng để các nhà máy hoạt động ổn định. Cùng với đó là các công trình hạ tầng khác như đường bộ, cảng, xử lý nước thải, môi trường sống cho người lao động…
Hướng tới dòng vốn chất lượng cao
Một bài toán đặt ra đối với việc thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao chính là làm sao kêu gọi được NĐT từ các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ hay châu Âu. Thực tế cho thấy, đây không chỉ là kỳ vọng từ một phía.
Ông Bruno Angelet - Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam nhận định, mặc dù EU đã trở thành đối tác FDI lớn nhất ngoài khu vực châu Á của Việt Nam, chỉ xếp thứ 5 sau Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và thậm chí là Đài Loan. Tuy nhiên, tiềm năng đầu tư của EU vào thị trường Việt Nam hiện nay vẫn chưa được khai thác tối ưu. Trong thập kỷ vừa qua, đầu tư của EU tại Việt Nam mới chỉ đạt 22,2 tỷ USD về giá trị đầu tư và hơn 2.000 về số lượng dự án. Trong đó chủ yếu tập trung vào các ngành chế tạo và sản xuất công nghiệp, chiếm 35% trong tổng vốn đầu tư; ngành sản xuất điện cũng đóng vai trò quan trọng, chiếm 18%.
Chia sẻ một số khuyến nghị với Việt Nam, ông cho rằng chính sách thu hút các dự án FDI đổi mới và có trình độ công nghệ cao đòi hỏi phải có các công cụ và chính sách đầu tư phức tạp hơn. Việt Nam cần tiếp tục định hướng dỡ bỏ các rào cản đầu tư và thương mại hiện tại song song với cải thiện môi trường kinh doanh. Cùng với đó, đảm bảo khung pháp lý ổn định và hệ thống thực thi pháp lý hiệu quả cho hoạt động của NĐT cũng đóng vai trò quan trọng. “Chúng tôi mong muốn Việt Nam công nhận và thi hành các quyết định của trọng tài nước ngoài và xây dựng hệ thống giải quyết khiếu nại để tránh tranh chấp cho NĐT”, ông khuyến nghị.
Ngoài ra, các yếu tố khác mà NĐT châu Âu đòi hỏi là nguồn nhân lực có chuyên môn kỹ thuật cao; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ… Đây đều là những vấn đề đóng vai trò trọng yếu trong quy trình ra quyết định đầu tư dự án dưới góc nhìn của các NĐT EU. Hiện nay 39% hoạt động kinh tế tại châu Âu được tạo ra từ các ngành tập trung vào sở hữu trí tuệ; đồng thời các ngành này cũng đóng góp trực tiếp tới 26% và gián tiếp 9% trong tổng số việc làm tại khu vực EU. Hơn nữa các ngành này cũng chiếm khoảng 90% xuất khẩu của EU.
“Đây là những con số đáng kể và không thể đánh giá thấp. Xây dựng và thực thi phù hợp luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là việc không thể không thực hiện để thu hút FDI từ EU”, ông Bruno Angelet quả quyết.
Trong khi ông Michael Kelly - Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) cũng chia sẻ, vốn đầu tư từ Hoa Kỳ vào Việt Nam chắc chắn lớn hơn rất nhiều so với con số thống kê. Theo đó, hiện dòng vốn của các NĐT từ nước này chảy qua các nước thứ 3 nên số liệu thống kê chưa được cao. Ví dụ như khoản đầu tư khoảng 1 tỷ USD tại khu công nghệ cao Sài Gòn là vốn đầu tư từ Intel Hồng Kông, do đó được tính là nguồn đầu tư từ phía Hồng Kông, trong khi thực chất Intel là một công ty Hoa Kỳ. Ví dụ khác là nhà máy trị giá 100 triệu USD của P&G tại Bình Dương là vốn đầu tư của P&G Singapore, do đó cũng được tính là nguồn đầu tư từ phía Singapore, trong khi thực chất P&G là một công ty rất nổi tiếng của Hoa Kỳ.
“Các công ty Mỹ ở Việt Nam đang cung cấp rất nhiều mặt hàng như mỹ phẩm, đồ uống, xe cộ, máy bay, phần mềm, sản phẩm công nghiệp, dịch vụ giáo dục, ứng dụng điện thoại, dịch vụ tài chính và pháp luật, sản phẩm nông nghiệp…”, ông Michael Kelly khẳng định.
Mặc dù vậy vị Chủ tịch Amcham vẫn kỳ vọng đẩy mạnh hơn nữa đầu tư từ Hoa Kỳ vào Việt Nam. Tuy nhiên để thành công, ông cho rằng, tác phong làm việc quan liêu, không hiệu quả của các cơ quan quản lý phải được kiểm soát, đồng thời hành lang pháp lý quốc gia phải ổn định, tránh những thay đổi chính sách không đồng nhất với những thông lệ tốt của quốc tế.