FDI giữa hai mảng sáng tối
FDI 30 năm nhìn lại: Chuyện từ người trong cuộc | |
Thủ tướng chủ trì Hội nghị tổng kết 30 năm FDI tại Việt Nam | |
Chưa thoát cảnh gia công |
LTS: TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) là một trong số ít người đồng hành và gắn bó với quá trình phát triển của FDI ngay từ các dự án FDI đầu tiên vào Việt Nam đến khi FDI đã đi qua được một chặng đường dài trên con đường phát triển. Cách đây mấy tháng, ông đã ra mắt cuốn sách “FDI đồng tiền hai mặt” do NXB Sự thật ấn hành, được nhiều độc giả quan tâm, đón nhận.
Giờ đây, mặc dù đã không còn trực tiếp tham gia vào hoạt động quản lý, nhưng ông vẫn luôn được tiếp xúc, làm việc với các đối tác là nhà đầu tư nước ngoài, luôn theo dõi những vấn đề liên quan đến FDI. Nhân dịp trước thềm Hội nghị “Tổng kết 30 năm FDI tại Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tới đây, TS. Phan Hữu Thắng đã có bài viết về FDI với nhiều đánh giá, phân tích thấu đáo gửi đến Thời báo Ngân hàng. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
TS. Phan Hữu Thắng |
Sau 30 năm có mặt tại Việt Nam, đến hôm nay, có thể nói FDI đã khá quen thuộc với cộng đồng xã hội chúng ta. Dù còn có mặt này mặt kia, song trước hết cần khẳng định đóng góp của FDI vào phát triển kinh tế Việt Nam thời gian qua là chủ yếu, các tồn tại chỉ là thứ yếu trong quá trình phát triển. Từ những đồng vốn nhỏ bé ban đầu, đến nay FDI đã tạo nên bức tranh sâu rộng với nhiều điểm nhấn lớn, trở thành một nguồn ngoại lực vô cùng quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.
Hai mặt của đồng tiền FDI và vai trò của chính sách
Trước hết phải nói đến chính sách. Đây là bài học thành công nhất, xuyên suốt cả chặng đường 30 năm qua từ ngày Việt Nam mở cửa thu hút FDI đến nay. Việt Nam đã luôn kiên định với chính sách mở cửa thu hút FDI, khi mở cửa dần từng bước, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước dựa trên thực trạng của nền kinh tế cũng như năng lực quản trị nền kinh tế của quốc gia, bối cảnh chính trị - kinh tế trong nước, trong khu vực và quốc tế ở từng giai đoạn.
Việc ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987 (nay là Luật Đầu tư) đã đặt nền móng cho bài học thành công này, tạo một bước ngoặt lớn về tư tưởng kinh tế trong lịch sử Việt Nam thời hiện đại vì đã tạo ra nền tảng pháp lý cho việc hợp tác với nước ngoài - một vấn đề hoàn toàn mới trong cơ chế quản lý kinh tế kế hoạch hóa, bao cấp của thời kỳ đó. Chính vì thế, dù nội dung của Luật đầu tiên này còn nhiều hạn chế ngay khi ra đời, nhưng đã thu được kết quả quan trọng ngay trong giai đoạn đầu mở cửa (1988-1995), được dư luận quốc tế đánh giá cao và các nhà đầu tư nước ngoài hưởng ứng.
Nếu chỉ nhìn vào con số thì thu hút FDI những năm đầu này còn rất nhỏ bé (3 năm đầu tiên (1988-1990) mới thu hút được 213 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 1,8 tỷ USD), nhưng kết quả thu được thời điểm này đã đặt nền móng cho những thay đổi chính sách sau này tạo nên các thành quả to lớn hiện nay mà FDI đã mang lại cho nền kinh tế.
FDI đã giúp phá thế bao vây cấm vận của các thế lực thù địch sau thắng lợi vĩ đại của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; tạo ra một nguồn vốn lớn cho đầu tư và phát triển. Tính đến hết tháng 9/2018, Việt Nam đã thu hút được một lượng vốn lớn lên tới 333,8 tỷ USD, đã giải ngân được trên 170 tỷ USD – con số mà với xuất phát điểm của đất nước vào thời kỳ bắt đầu đổi mới, nếu chỉ trông chờ vào nội lực không thôi thì thật khó để biết chúng ta phải mất bao nhiêu năm mới tích lũy được.
Cùng với đó, dòng vốn FDI đã góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa; tạo ra công ăn việc làm cho trên 3,5 triệu lao động trực tiếp và nhiều triệu lao động gián tiếp khác. FDI cũng đã giúp bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển khi chiếm tới 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách, năm 2017 đạt gần 8 tỷ USD, chiếm 14,4% tổng thu ngân sách nhà nước.
Không chỉ góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, FDI còn thúc đẩy nhanh, có hiệu quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam và nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Samsung đang đóng góp một tỷ trọng khá lớn vào kim ngạch xuất khẩu và xuất siêu của Việt Nam |
“Mặt tối” của đồng tiền FDI
30 năm là một khoảng thời gian không ngắn. Có nhiều nước chỉ sau 2 thập niên đã thay đổi toàn bộ bộ mặt đất nước. Ở Việt Nam, mặc dù bộ máy quản lý và hoạt động quản lý đối với FDI đã có những đóng góp tích cực vào các thành tựu của FDI như vừa nêu trên nhưng cũng cần nhận thấy còn có không ít bất cập.
Đó là, mục tiêu hút vốn đã đạt được, nhưng mục tiêu hút vốn công nghệ cao chưa như kỳ vọng; thiếu liên kết giữa DN trong nước và nước ngoài, công nghệ phụ trợ không phát triển; quản lý nhà nước còn yếu kém, để xảy ra những sự cố đáng tiếc về môi trường, dự án treo, trốn thuế, chuyển giá… Chưa kể vấn đề quản lý đất đai, đào tạo nhân lực… đều thấy rõ có vấn đề. Cụ thể như hiện tượng chuyển giá – trốn thuế của một số các doanh nghiệp FDI đã được biết đến, nói đến từ lâu nhưng chưa có giải pháp xử lý triệt để... Đó là hiệu ứng lan tỏa của FDI chưa cao, gắn kết giữa khu vực doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước còn yếu. Số doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chiếm trên 70%, phần còn lại mới là hình thức đầu tư liên doanh (các loại hình công ty TNHH, công ty cổ phần), BCC, BOT...
Kết quả thu hút FDI còn thăng trầm giữa các giai đoạn, một phần phụ thuộc vào bối cảnh quốc tế, còn phần lớn phụ thuộc vào tính cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam. Mức độ giải ngân vốn đăng ký còn thấp và vẫn còn đến 160 tỷ USD chưa thực hiện với nhiều dự án chậm triển khai... gây lãng phí tài nguyên đất đai, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực.
Nếu quản lý tốt, lái cỗ xe khéo léo sẽ tránh được rủi ro
Chúng ta đang bước vào thu hút FDI giai đoạn mới, trong bối cảnh mới với những biến động nhanh của nền kinh tế toàn cầu trước tác động của tiến bộ khoa học công nghệ sẽ là thách thức lớn đối với thu hút FDI của Việt Nam. Rõ ràng, để bước vào giai đoạn mới cần có tổng kết toàn diện, sâu sắc, sát thực tiễn… để tìm ra các rào cản (về tổ chức quản lý, về chính sách, về đội ngũ cán bộ, nguồn nhân lực, đào tạo…) và xác định rõ các giải pháp khắc phục, nếu không có chuyển biến thực sự, những rào cản tồn tại không khắc phục được thì những yếu kém của FDI vẫn diễn biến theo mô típ cũ.
Ví như, chúng ta nói hướng tới lựa chọn dự án công nghệ sạch, công nghệ cao, vậy thì sẽ phải làm như thế nào? Thống nhất quy hoạch phát triển, trong đó FDI ở vị trí nào, doanh nghiệp trong nước ở vị trí nào? Chúng ta nói không thu hút bằng mọi giá nhưng cụ thể ra sao cũng cần có chỉ dẫn rõ về dự án, về đối tác…
Thực tế các năm qua cho thấy, mặc dù còn một số tồn tại trong thu hút và quản lý FDI – nhưng đó chỉ là thứ yếu trong quá trình phát triển, không cần quá lo ngại. Nếu quản lý tốt hơn trong giai đoạn tới, biết lái cỗ xe FDI khéo léo sẽ tránh được các rào cản, khắc phục được các tồn tại và ngược lại. Với các định hướng chính sách về FDI hiện nay, hoàn toàn có thể tin tưởng rằng: Việt Nam sẽ xây dựng được một môi trường đầu tư - kinh doanh minh bạch, rõ ràng, phù hợp với thực tế phát triển của Việt Nam ở từng giai đoạn phát triển, phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa giúp phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo được sự tự chủ, tự cường về kinh tế, đảm bảo được an ninh quốc gia, văn hóa dân tộc trong lâu dài, trên cơ sở phát triển mạnh kinh tế trong nước và kết hợp với việc tiếp tục thu hút, sử dụng FDI có hiệu quả.