Nâng cao năng suất lao động: Tạo sức khỏe cho doanh nghiệp
Năng suất lao động của Việt Nam: Quá trình đuổi bắt đang thực sự diễn ra | |
Tăng năng suất từ góc nhìn doanh nghiệp |
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, năng suất lao động ở các DN Việt còn khá thấp và ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của chính các DN, nhất là DNNVV. Lực lượng lao động này vẫn chủ yếu là lực lượng lao động phổ thông, số được đào tạo bài bản, có tay nghề cao vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ. Bởi vậy, giải pháp tăng năng suất lao động không chỉ các DN quan tâm mà còn là sự quan tâm của Nhà nước nhằm giúp người lao động, DN tăng được hiệu quả.
Tập trung đào tạo nghề để bổ sung đội ngũ lao động chất lượng cao |
Trong những năm gần đây, năng suất lao động của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, khoảng cách năng suất lao động của Việt Nam so với các nước phát triển còn khá xa. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng và cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, để các DN Việt Nam có thể cạnh tranh được thì yếu tố năng suất lao động đóng vai trò không nhỏ trong quá trình phát triển.
Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 ước đạt 92,1 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 4.100 USD/lao động), tăng 5,9% so với năm 2016, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,5% giai đoạn 2011-2016. Dù vậy, năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn thấp so với các nước trong khu vực, chỉ bằng khoảng 1/14 so với Singapore, 1/6 so với Malaysia và 1/3 so với Thái Lan.
Ông Nguyễn Văn Thân, ĐBQH - ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cho rằng, quy mô DN Việt Nam quá nhỏ bé, số DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ chiếm gần 98% tổng số DN của cả nước, số lượng DN lớn chỉ chiếm 2,1%.
Những năm qua, số DN thành lập ngày càng nhiều nhưng do là DNNVV có quy mô nhỏ, tạo ra số lượng việc làm nhiều nhưng việc làm đó không ổn định. Lực lượng lao động qua đào tạo chiếm tỷ lệ chưa cao mà nhiều DN vẫn chủ yếu tuyển dụng các lao động phổ thông nên dẫn đến năng suất lao động thấp so với các nước phát triển, thậm chí thấp hơn nhiều nước khác trong khu vực Asean như Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines. Bên cạnh đó, công tác quản trị DN còn hạn chế, sử dụng công nghệ lạc hậu cũng là nguyên nhân khiến năng suất lao động chưa thực sự hiệu quả.
Dẫn chứng về năng suất lao động ở Việt Nam còn thấp, ông Ngọ Duy Hiểu, Trưởng ban Quan hệ lao động - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Malaysia là nơi có rất nhiều lao động Việt Nam. Lao động Việt Nam làm việc ở đây chấp nhận áp lực rất cao, làm việc nghiêm túc và luôn ý thức được rằng phải hoàn thành nhiệm vụ mới được nghỉ ngơi, trong khi nếu ở trong nước, họ có thể chơi, lấy điện thoại ra giải trí ngay trong giờ làm việc.
Điều này chứng tỏ DN nước ngoài đã sử dụng lao động rất tốt, người lao động cũng tự ý thức nâng cao về tinh thần, thái độ làm việc, kỷ luật lao động và trách nhiệm của mình đối với công việc và DN. Chính vì vậy năng suất lao động cũng sẽ được tăng cao, thu nhập cao hơn, ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.
Trên thực tế, năng suất lao động là yếu tố then chốt quyết định năng lực cạnh tranh của DN và của cả nền kinh tế. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định, năng suất lao động là chìa khóa cho sự phát triển kinh tế Việt Nam và là sức khỏe của DN. Để tăng năng suất lao động trong DN thì cần phải tháo gỡ rất nhiều nút thắt như thể chế, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng…
Hiện nay khi mà nền kinh tế toàn cầu đang phát triển nhanh với cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, DN cũng cần thay đổi và thích ứng, đặc biệt là vấn đề đầu tư công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng nguồn lao động, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động…
Theo các chuyên gia, để tăng năng suất lao động, cần có chính sách đào tạo và nâng cao tri thức, kỹ năng cho người lao động, đặc biệt là lao động tay nghề cao. Ông Bùi Ngọc Chương, Ủy viên thường trực ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, nhà nước đang tích cực kiến tạo, xây dựng thể chế về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, để chuyển hướng trong ngành Giáo dục đào tạo cũng như ngành Lao động, Thương binh và Xã hội
. Chúng ta đã hoàn thiện Luật Giáo dục nghề nghiệp và tiếp tục sửa đổi theo hướng phân luồng liên thông để học sinh tiếp cận với ngành nghề đào tạo, với trường đào tạo nghề để bổ sung đội ngũ lao động chất lượng cao, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của DN, từ đó cải thiện nâng cao năng lực cạnh tranh.