Thương mại điện tử: Khi người khổng lồ thao túng
Thương mại điện tử, hấp dẫn nhưng cũng lắm chông gai | |
Mua hàng trong lòng bàn tay |
Theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018-2020. Tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%.
Đối với lĩnh vực thanh toán, theo thông tin từ Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2017 tăng trưởng số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa khoảng 50% so với 2016 trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng tới 75%. Trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến, một số công ty tiếp thị liên kết có tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt từ 100% đến 200%.
Ông Đặng Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương nhận định, cho tới nay thương mại điện tử Việt Nam đang có tốc độ phát triển rất nhanh, hiện diện hàng ngày, càng ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống không chỉ DN mà còn cả người dân.
Với tốc độ tăng trưởng nhanh, đây được xem là mảnh đất rất màu mỡ đối với các DN ngoại. Đã có một số tập đoàn lớn rót vốn hoặc thâu tóm những DN có uy tín để mở rộng và chiếm lĩnh thị trường. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, các DN trong nước nếu không đầu tư tận dụng lợi thế trên sân nhà rất có thể thị trường sẽ rơi vào các DN ngoại.
Khảo sát về bối cảnh thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2017. Hơn 90% khoản đầu tư vào các nền tảng thương mại điện tử của Việt Nam đều xuất phát từ nước ngoài. Các thương hiệu nổi tiếng trên thị trường thời gian qua có thể kể đến như Lazada, Tiki, Shopee, Nguyenkim, Thegioididong, Sendo, FPT Shop... Trong đó ba DN thương mại điện tử có lượt truy cập vào website cao nhất tại Việt Nam là Lazada, Thế Giới Di Động và Sendo.
Sau một thời gian ngắn phát triển tại Việt Nam, Lazada vươn lên thành một trong những DN dẫn đầu thị phần thương mại điện tử Việt Nam... Hiện Website thu hút 30 triệu lượt truy cập hàng tháng để tìm kiếm thông tin hơn 1 triệu sản phẩm thuộc 16 ngành hàng đến từ 5.000 đối tác. Tỷ phú Jack Ma muốn mở rộng thị trường tại Việt Nam đã chi 1 tỷ USD để mua lại 51% cổ phần tại Lazada.
Đến giữa năm 2017, Alibaba tiếp tục rót thêm 1 tỷ USD để nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần lên 83% tại chợ bán lẻ online này. Thông qua việc mua lại Lazada, Alibaba đã thâm nhập vào thị trường Việt và đang có nhiều kế hoạch mở rộng, chiếm lĩnh thị phần lớn về thương mại điện tử ở Việt Nam.
Tương tự, Shopee chính thức vào Việt Nam từ năm 2016. Chỉ 2 năm, Shopee đã có vị trí vững chắc trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Không những thế, với chiến lược đầu tư bài bản về công nghệ, nhân lực và chất lượng phục vụ, DN này đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng Việt Nam và đang có chiến lược mở rộng thị phần. Hiện Shopee có một cổ đông lớn nhất đang nắm xấp xỉ 40% cổ phần là Tencent, một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất của Trung Quốc có giá trị vốn hóa trên thị trường hơn 500 tỷ USD.
Mới đây việc thông tin Amazon lên kế hoạch đầu tư tại Việt Nam chứng tỏ sức hút của thị trường thương mại Việt Nam là không nhỏ. Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết, VECOM đã có buổi làm việc cùng đại diện của Amazon và DN Mỹ muốn hỗ trợ khách hàng Việt mua, bán hàng trên Amazon, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa xuất khẩu trên Amazon. Trong tháng 3/2018, Amazon sẽ chính thức khởi động một chương trình hợp tác cùng Hiệp hội Thương mại điện tử để hỗ trợ các DNNVV Việt Nam.
Có thể thấy, với lợi thế là những tập đoàn có tiềm lực kinh tế mạnh, nền tảng công nghệ hiện đại cùng kinh nghiệm thương trường đã giúp các tập đoàn nước ngoài chiếm lợi thế trên thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam. Đại diện VECOM cho rằng, thương mại điện tử là một cuộc chơi không biên giới và việc các tập đoàn nước ngoài tham gia mạnh vào Việt Nam sẽ tạo ra sức cạnh tranh lớn, đồng thời cũng thúc đẩy thị trường phát triển nhanh hơn.
Các DN trong nước sẽ có nhiều cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như học hỏi được kinh nghiệm của các tập đoàn lớn để nâng tầm. Tuy nhiên, nếu các DN trong nước không đầu tư chiến lược kinh doanh tốt thì sẽ để tuột mất mảnh đất màu mỡ ngay trên sân nhà.
Với sức ép cạnh tranh ngày càng lớn từ các tập đoàn nước ngoài, các DN trong nước cũng tích cực đầu tư, dần khẳng định được uy tín cũng như được người tiêu dùng ưa chuộng. Trong top 10 DN thương mại điện tử lớn nhất, có 8 là DN nội địa gồm Thế Giới Di Động, Sendo, Tiki, Vật Giá, FPTShop, Điện Máy Xanh, Adayroi, Nguyễn Kim. Điều này chứng tỏ các DN nội cũng đã rất nỗ lực khẳng định vị trí trên thị trường.
Đại diện CTCP Công nghệ Sen Đỏ cho biết, với thị trường thương mại điện tử Việt Nam còn rất rộng lớn thì việc các DN nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam sẽ làm tăng sức cạnh tranh. Chính sự xuất hiện của DN ngoại sẽ giúp các DN trong nước tự bản thân sẽ phấn đấu phát triển mạnh hơn, đồng thời giúp cho thị trường điện tử ngày càng sôi động, thu hút người tiêu dùng hơn nữa.
Theo nhận định của các chuyên gia, với làn sóng đầu tư ngày càng lớn từ các tập đoàn nước ngoài cho thấy, thương mại điện tử Việt Nam còn rất màu mỡ. Với sân chơi rộng lớn thì việc các DN trong nước chưa thực sự lo lắng về việc mất thị trường. Tuy nhiên, trong tương lai nếu không nâng tầm DN thì việc nhường sân chơi lại cho các ông lớn nước ngoài là điều không thể tránh khỏi.