Thủy sản vào EU: Cần giải bài toán tiêu chuẩn
Nuôi trồng thủy sản vượt khó tăng trưởng khá | |
Xuất khẩu giảm tốc qua một năm chật vật |
Trong tổng giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước thành viên EU, thủy sản chiếm tỷ trọng khá cao. Các thị trường nhập khẩu nhiều thủy sản của Việt Nam gồm: Đức, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp và Bỉ. Hai sản phẩm chính từ Việt Nam được thị trường EU ưa chuộng là tôm và cá tra, chiếm lần lượt 45% và 25% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.
Cá tra là một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam được EU ưa chuộng |
Đối với mặt hàng tôm, theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, EU là thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ 2 của Việt Nam, xếp sau Mỹ, chiếm tỷ trọng 19% trong tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam đi các thị trường. Trong 11 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt trên 548 triệu USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2015.
Theo bà Cao Lệ Quyên, Phó viện trưởng Viện Kinh tế và quy hoạch thủy sản, EU là một trong những thị trường lớn, quan trọng đối với xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam những năm gần đây, dự báo sẽ tiếp tục là thị trường tiềm năng cho thuỷ sản Việt Nam trong những năm tới. Với việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU được triển khai thì các DN thủy sản Việt Nam càng có nhiều cơ hội mở rộng thị trường tại đây.
Tuy nhiên, cũng theo bà Cao Lệ Quyên, thị trường EU có những yêu cầu đặc thù, quy định chặt chẽ về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, có chính sách chung về yêu cầu mặt hàng thủy sản nhập khẩu... Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến các DN thủy sản Việt Nam còn hạn chế trong việc chiếm lĩnh thị trường này, chưa tận dụng được các cam kết hội nhập.
Trên thực tế, quy trình sản xuất và chế biến thủy sản của Việt Nam vẫn còn mang tính chất manh mún và mới đang trong quá trình đầu tư công nghệ sản xuất lớn. Việc các DN thu mua nguyên liệu từ các hộ nuôi trồng thủy sản khó có thể kiểm định hết chất lượng. Do đó, chính DN cũng đang tự làm khó mình trong việc đảm bảo chất lượng nguồn hàng xuất khẩu sang EU.
Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cũng thừa nhận, hoạt động xuất khẩu thực phẩm của Việt Nam hiện đang gặp nhiều thách thức liên quan đến chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Nguyên nhân do phần lớn các DN, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, thiếu công nghệ hiện đại nên việc đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm còn hạn chế. Theo thống kê, chỉ 4% DNNVV Việt Nam có quy trình chế biến đáp ứng quy định của các thị trường lớn.
Để hạn chế những rủi ro nêu trên, các chuyên gia khuyến nghị các DN xuất khẩu thủy sản vào thị trường khó tính như EU bắt buộc phải đảm bảo đúng, đủ các điều kiện bắt buộc. Theo đó, quan trọng nhất chính là việc sản xuất nguyên liệu đầu vào phải đúng quy trình và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng kháng sinh ở mức cho phép... Các chuyên gia cũng cảnh báo các DN nếu không giải quyết tốt các vấn đề trên không những bị trả lại hàng, phạt tiền, thậm chí có thể bị nước nhập khẩu ngưng giao dịch mặt hàng đối với DN đó.
Bộ Công Thương cũng cho rằng, cần phải hoàn thiện khung pháp lý về quản lý an toàn thực phẩm, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm phù hợp với khu vực và thế giới. Đồng thời các DN xuất khẩu cũng phải tự có những đầu tư công nghệ mới để việc sản xuất, chế biến các sản phẩm xuất khẩu đảm bảo chất lượng.