Tín dụng chính sách: Hỗ trợ tích cực giảm nghèo bền vững
Tín dụng chính sách chắp cánh cho những ước mơ | |
Tín dụng chính sách hỗ trợ trực tiếp cho giảm nghèo | |
Tín dụng chính sách và sự nghiệp trồng người |
Theo đánh giá của Chính phủ sau 2 năm (2017 - 2018) thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 đến nay nước ta cơ bản đã đạt mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết 5 năm (2016-2020) của Quốc hội, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, đến ngày 30/6/2018, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 189.105 tỷ đồng, tăng 30.239 tỷ đồng (+19%) so với năm 2016 và tăng 182.083 tỷ đồng, gấp gần 27 lần so với khi thành lập. Trong đó: Vốn nhận từ Ngân sách Nhà nước 31.224 tỷ đồng (tăng 3.479 tỷ đồng so với năm 2016) chiếm 16,5% tổng nguồn vốn, trong đó cấp vốn điều lệ 13.893 tỷ đồng, tăng 3.194 tỷ đồng so với năm 2016; vốn thực hiện các chương trình tín dụng 17.332 tỷ đồng, tăng 285 tỷ đồng so với năm 2016. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huy động trên thị trường, vay NHNN, nhận tiền gửi 2% của các tổ chức tín dụng nhà nước và phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh đạt 138.047 tỷ đồng, chiếm 73%/tổng nguồn vốn. Nguồn vốn địa phương ủy thác cho vay đạt 10.908 tỷ đồng, chiếm 5,8% tổng nguồn vốn.
Hiện mức cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo cũng đã được nâng từ 30 triệu đồng/lượt/hộ lên 50 triệu đồng/lượt/hộ. Điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với một số chương trình tín dụng chính sách tại NHCSXH theo Quyết định số 750/QĐ-TTg ngày 01/6/2015…
Hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 đã giúp gần 600 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho trên 332 nghìn lao động; giúp gần 75 nghìn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập trong năm; xây dựng trên 2 triệu công trình nước sạch, vệ sinh ở nông thôn... Chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn qua các năm ổn định, đến 30/6/2018 là 0,42%.
“Tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Về kết quả sau 2 năm (2017 - 2018) thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cả nước là 15,10%, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là 9,88%. Tại các huyện nghèo tỷ lệ này là 63,26%, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là 50,43%. Tuy nhiên, đến cuối năm 2017 giảm còn 12,02%, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo là 6,70%. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số cũng giảm từ 39,61% cuối năm 2016 xuống còn 35,28% cuối năm 2017. Như vậy, giai đoạn 2015-2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm 1,59%/năm, vượt so với mục tiêu đề ra là từ 1-1,5%/năm..
Đến nay đã có 8 huyện thoát nghèo trong tổng số 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a; 14 huyện hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn (trong đó có 3/7 huyện theo Quyết định số 615/QĐ-TTg và 11/23 huyện theo Quyết định số 293/QĐ-TTg); có 19/291 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo ra khỏi chương trình; 21/2.139 xã 135 hoàn thành tiêu chí Nông thôn mới.
Kết quả giảm nghèo trong 2 năm (2016-2017) đã vượt mục tiêu Quốc hội giao, tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ tái nghèo bình quân 5,1%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo (giai đoạn trước tỷ lệ tái nghèo khoảng 12%/năm); tỷ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn, bằng 22,98% so với tổng số hộ thoát nghèo, một số tỉnh có điều kiện thuận lợi song số liệu phát sinh hộ nghèo cao, nguyên nhân chủ yếu do tách hộ, do gặp rủi ro như ốm đau, bệnh tật… Đến cuối năm 2017 cả nước còn 30.012 hộ có thành viên là người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo, chiếm 1,8% hộ nghèo cả nước.
Các nguyên nhân được đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ ra là do điều kiện kinh tế - xã hội của khu vực miền núi có xuất phát điểm thấp, địa hình hiểm trở, chia cắt phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, đòi hỏi suất đầu tư lớn…; hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu chưa đảm bảo. Bên cạnh đó, khả năng tiếp nhận chính sách hỗ trợ của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, nhất là khó khăn về ngôn ngữ, trình độ giao tiếp. Tâm lý của người dân tộc thiểu số không muốn xa nơi cư trú, nên hiệu quả công tác đào tạo nghề, xuất khẩu lao động đối với người dân tộc thiểu số chưa cao. Việc tiếp nhận áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của đồng bào còn hạn chế, dẫn đến hiệu quả sản xuất chưa cao…