Tín dụng chính sách với phát triển kinh tế xanh
Điểm tựa để thoát nghèo bền vững | |
Niềm vui trên xã đảo Cam Bình | |
Lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại NHCSXH là 4,8%/năm |
8 triệu công trình nước sạch
Theo kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 403/QĐ - TTg ngày 20/3/2014, một trong những mục tiêu Chiến lược tăng trưởng xanh hướng đến là ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Với định hướng trên, dòng vốn của ngân hàng cũng được ưu tiên cho các lĩnh vực phát triển kinh tế xanh, phục vụ sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống dân sinh, trong đó có cả nguồn vốn tín dụng ưu đãi.
Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) là một trong những kênh tín dụng “xanh” mang lại hiệu quả như vậy.
Đồng vốn tín dụng chính sách đã góp phần phủ xanh những cánh rừng |
Hiện nay, phải kể đến dự án phát triển lâm nghiệp giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới. Đây là một dự án cho vay trồng rừng thương mại đầu tiên tại Việt Nam với 2 trọng tâm chính: Phát triển trồng rừng sản xuất ở một số tỉnh miền Trung, Quỹ bảo tồn thiên nhiên.
Về vùng tâm hạn ở Hàm Tân (Bình Thuận), chúng tôi đã được chứng kiến nhiều mô hình vay vốn ưu đãi hiệu quả.
Đơn cử như gia đình anh Phan Quang Hà, dân tộc R’Lay ở đường 20, thôn Tân Quang, xã Sông Phan - một trong những hộ gia đình vay vốn để xây bể lọc nước sạch và công trình vệ sinh, cho hay: “Năm 2015, gia đình tôi được vay 12 triệu đồng từ chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cùng với vốn tự có, gia đình làm công trình nước sạch và công trình vệ sinh hết tổng chi phí 18 triệu đồng. Nhờ nguồn vay này mà hơn nửa mùa hạn năm nay gia đình có nước sạch để dùng và công trình vệ sinh chứ không sẽ rất cực”.
Cách nhà anh Hà khoảng 500m, chị Phan Thị Luyền, dân tộc R’Lay cũng được vay vốn chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Chị Luyền kể rằng, trước đây cả khu này đều xài nước sông Phan để sinh hoạt nhưng từ khi có tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nhà nào cũng vay để dẫn nước sạch về sinh hoạt.
Giám đốc NHCSXH huyện Hàm Tân Trần Phước cho biết: “Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn huyện là chương trình có dư nợ cao trên 43 tỷ đồng. Đáng mừng là chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn người dân đều đầu tư đúng mục đích, phát huy hiệu quả. Đặc biệt ở xã Sông Phan, huyện Hàm Tân có thôn Tân Quang là thôn thuần đồng bào dân tộc thiểu số nên việc giải quyết cho 100% hộ vay để cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con”.
Số liệu thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, hiện tỷ lệ người dân ở nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh trong cả nước đạt trên 84%. Số hộ gia đình nông thôn có công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn là trên 63%.
Sau hơn 10 năm thực hiện, NHCSXH đã triển khai chương trình tới 63/63 tỉnh, thành với tổng dư nợ trên 21.343 tỷ đồng với gần 2,4 triệu khách hàng còn dư nợ. Tính từ khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình từ năm 2004 đến nay đã có trên 8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh được xây dựng và đưa vào sử dụng.
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, các nguồn nước sinh hoạt ở nhiều vùng nông thôn được cải thiện đáng kể |
Chống biến đổi khí hậu và giảm nghèo từ những dự án trồng rừng
Chương trình cho vay dự án phát triển lâm nghiệp được NHCSXH triển khai từ năm 2005 tại 6 tỉnh là: Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thanh Hóa, Nghệ An cũng được xem là chương trình cho vay hiệu quả.
Tính đến hết tháng 4/2016, tổng dư nợ cho vay phát triển lâm nghiệp tại NHCSXH đạt hơn 516 tỷ đồng với gần 17 nghìn khách hàng còn dư nợ. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2016, doanh số cho vay của chương trình đạt gần 11 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt hơn 30 tỷ đồng với 242 lượt khách hàng vay vốn. Nguồn vốn đến nay đã giúp phủ kín trên 70 nghìn ha rừng trồng sản xuất.
Ông Nguyễn Thanh Bình, hộ nông dân ở thôn Tùng Khánh, xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát (Bình Định) cho biết: “Gia đình tôi tham gia dự án trồng rừng ngay từ những năm đầu tiên dự án được triển khai. Năm 2006 được NHCSXH giải ngân 52 triệu đồng và trồng được 6ha rừng keo tràm. Hiện nay, diện tích trồng rừng đã được phát triển và mỗi năm tôi khai thác từ 3-5 ha rừng keo lai, năng suất từ 80-100 tấn/ha, tổng doanh thu mỗi năm gần 400 triệu đồng”.
Theo đánh giá của ông Phạm Ngọc Trình, Bí thư huyện ủy huyện Phù Cát, nhờ làm tốt công tác tín dụng chính sách nên đã góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo một cách bền vững. Đặc biệt là việc nông dân xã Cát Hiệp đã sử dụng vốn vay ưu đãi vào thực hiện dự án phát triển ngành lâm nghiệp do Ngân hàng Thế giới (WB3) tài trợ, trồng rừng nguyên liệu giấy, phủ xanh đất trống, đồi trọc.
Có thể nói, chương trình cho vay dự án phát triển lâm nghiệp đã góp phần vào cải thiện đời sống kinh tế xã hội của người dân trong vùng dự án, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, tạo nguồn thu nhập và phát triển kinh tế hộ gia đình.
Đồng thời, các dự án này cũng góp phần bảo vệ môi trường, tăng độ che phủ rừng thông qua hoạt động trồng rừng đã cải thiện đáng kể chất lượng đất và chống xói mòn rửa trôi, cải thiện môi trường sống và làm giảm bớt các ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động nông nghiệp và chống biến đổi khí hậu.